Thứ Bảy, 05/05/2012 10:51

Mở nút cổ chai

Nhận định của giới ngân hàng về Quyết định 780 và Công văn 2056 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngay sau khi các chỉ tiêu kinh tế quí 1 được công bố, bằng Quyết định 780 và trước đó là Công văn 2056, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lần đầu tiên đã bật đèn xanh cho các ngân hàng cơ cấu lại nợ nhưng vẫn giữ nguyên phân loại nợ và định hạng khách hàng sau khi cơ cấu nợ.

“Thêm bát cháo thay vì thêm cú đấm”

“Đây là cơ chế hết sức mở để các ngân hàng tiếp tục cho vay ra”, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ông Phạm Quang Tùng nhận định về hai văn bản của NHNN tại hội thảo bàn về giải pháp cho các doanh nghiệp bất động sản diễn ra cuối tuần rồi tại TPHCM.

“Bình thường khi các doanh nghiệp không trả nợ đúng hạn, ngân hàng phải cơ cấu lại nợ và doanh nghiệp sẽ bị thay đổi nhóm xếp hạng. Theo kết quả xếp hạng mới, thường thì các ngân hàng không cho vay tiếp được”, ông Tùng nói. Việc giữ nguyên xếp hạng khách hàng là để ngân hàng có thể tiếp tục cho vay và doanh nghiệp không bị đưa vào hệ thống cảnh báo tín dụng của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC).

Công văn 2056 còn “mở” cho gần 50% đối tượng cho vay bất động sản, đó là điều kiện có thể nói “mở nhất” trong tình hình hiện nay để ngân hàng bơm vốn vào thị trường.

Ông Tùng nhận định rằng Công văn 2056 còn “mở” cho gần 50% đối tượng cho vay bất động sản, đó là điều kiện có thể nói “mở nhất” trong tình hình hiện nay để ngân hàng bơm vốn vào thị trường.

Vì sao phải mở? Chủ tịch Hội đồng thành viên BIDV Trần Bắc Hà giải thích: “Chúng ta đã đi một phần ba chặng đường của cả năm nhưng các thông số vĩ mô đã không đạt mục tiêu ban đầu, cần sự bù đắp để đảm bảo tăng trưởng cho cả năm. Cung và cầu của nền kinh tế đều đang có vấn đề. Tăng trưởng tín dụng đã âm 1,6% trong quí 1 và mặc dù CPI tháng 4 đã giảm tốc nhưng câu hỏi đặt ra là lạm phát đang giảm thực hay sức mua có vấn đề?”. Ông cho rằng việc đào thải đang là vấn đề sống còn trong mỗi doanh nghiệp mà nguyên nhân của nó không hẳn do khủng hoảng kinh tế mà còn do nhiều nguyên nhân chủ quan trong mỗi doanh nghiệp như có những doanh nghiệp thực sự yếu, hoạt động ảo, làm ăn không thật thà.

Với hai công văn của NHNN, ông Hà coi như “đây là động tác tháo nút cổ chai trong thời điểm khó khăn nhất, giúp doanh nghiệp và ngân hàng cắt cơn và qua cơn trong căn bệnh hiểm nghèo”.

“Các bên đều có lợi”, lãnh đạo một ngân hàng nhận định với TBKTSG. Ngân hàng vốn đang khó xoay xở với tỷ lệ nợ xấu nên rất ngại chuyển nợ lên nhóm cao hơn trong khi lại muốn “nuôi con nợ để đòi nợ”. Trước đây ngân hàng có khi vẫn phải “bàn bạc” riêng với doanh nghiệp nếu muốn giúp doanh nghiệp trả nợ chậm, thậm chí đảo nợ. Việc giãn nợ hợp pháp lần này không làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng. Khách hàng tránh được việc phải trả lãi quá hạn cho ngân hàng (150% của lãi suất đang áp dụng), đỡ sức ép trả nợ, không bị đưa vào danh sách đen của CIC. Nền kinh tế có thêm không gian để xoay chuyển.

Ông cho rằng việc giãn nợ, gia hạn nợ này không giống với đảo nợ. “Đảo nợ bản chất là làm đẹp khoản vay trên hồ sơ chứ chất lượng khoản vay và chất lượng doanh nghiệp không khá hơn, còn việc giãn nợ lần này như việc thêm bát cháo cho những doanh nghiệp đang bị ốm thay vì thêm... cú đấm”.

Ai sẽ được hưởng lợi?

Quyết định 780 nói gì?

Ngày 23-4-2012, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Theo đó, để phản ánh khách quan khả năng trả nợ của khách hàng trong điều kiện hiện nay, các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do tổ chức tín dụng đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Vậy, doanh nghiệp nào sẽ được hưởng lợi từ chính sách này? Ông Phạm Quang Tùng của BIDV cho biết:  “Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ các khoản vay của doanh nghiệp trong các lĩnh vực để xác định xem tiến độ hoàn thành dự án, đầu ra và dòng tiền, tốc độ luân chuyển dòng tiền của doanh nghiệp, xác định lại những khoản vay nào cần bơm thêm vốn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ để phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng hỗ trợ doanh nghiệp để cơ cấu lại tài chính bởi nhiều doanh nghiệp còn sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để kinh doanh dài hạn và cơ cấu vốn chưa hợp lý”.

Tham khảo một vòng, hầu hết các ngân hàng đều đã có hướng dẫn nội bộ việc thực hiện Công văn 2056 và Quyết định 780. Đa số đều cho phép giãn nợ với thời hạn tối đa bằng một nửa thời hạn nợ hiện tại của doanh nghiệp. Tức là một khoản vay nhiều năm nhưng kỳ trả nợ dài nhất thường 12 tháng, kỳ giãn nợ theo đó khoảng sáu tháng.

Trưởng phòng tín dụng doanh nghiệp một ngân hàng tại Hà Nội cho biết, họ đang cho vay xây một chung cư, có thể đưa vào sử dụng ba tháng tới. Khả năng bán hàng khó nhìn thấy rõ nhưng có những tín hiệu cho thấy thị trường chung cư bình dân đang có khả năng hồi phục. Giá bán chung cư hiện nay khoảng 20 triệu đồng/mét vuông nhưng doanh nghiệp cho biết trong vòng một năm tới có thể bán tối thiểu 12-14 triệu đồng/mét vuông. Thay vì ép doanh nghiệp bán ngay với giá 12-14 triệu đồng/mét vuông và chịu lỗ, ngân hàng giãn nợ cho doanh nghiệp 3-6 tháng để họ có điều kiện tìm cơ hội bán hàng với giá không quá thiệt thòi. Tương tự với những doanh nghiệp sản xuất có hàng trong kho mà người mua tuy chưa trả tiền được ngay nhưng vẫn có nhu cầu mua, thì họ có thể trả nợ trong vòng vài tháng tới nên vẫn được giãn nợ.

“Tình trạng nợ đã xấu rồi, để cho nó xấu luôn thì người ta cũng chết mà ngân hàng cũng khó khăn theo. Việc không phải chuyển nhóm nợ giúp giảm áp lực cho ngân hàng và ngân hàng có điều kiện giảm áp lực cho doanh nghiệp. Nếu mỗi ngân hàng đều làm nghiêm túc, bài bản và quy chuẩn thì chính sách này sẽ tốt cho cả nền kinh tế”, ông nói.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho biết ít nhất 10% doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng có thể sẽ được hưởng chính sách này. Ông nói: “Giảm lãi suất hay giãn nợ là một chuyện, một số doanh nghiệp sẽ phải bổ sung tài sản đảm bảo, hàng tồn kho luân chuyển. Tài sản đảm bảo phải được đánh giá lại, đảm bảo về giá trị và khả năng quản lý của ngân hàng. Quan trọng nhất là tất cả hiện trạng nợ phải được xem xét kỹ càng, không bị che giấu, và chúng tôi sẽ xem xét tất cả như những khoản vay mới. Nếu làm không kỹ, cơ chế này sẽ không giúp tạo dòng tiền trong tương lai cho doanh nghiệp và không hiệu quả”.

Một bộ phận doanh nghiệp sẽ hưởng lợi lớn từ chính sách này là nhóm khách hàng quan trọng (khách VIP) của các ngân hàng, mà số đông là doanh nghiệp nhà nước, các đối tác chiến lược, doanh nghiệp lớn có quan hệ tín dụng lâu năm với ngân hàng.

Tuy nhiên, điều mà các ngân hàng chưa dám lạc quan hoàn toàn là sau 3-6 tháng nữa, tình hình sẽ khác. Sẽ có những doanh nghiệp tận dụng được chính sách này, có những doanh nghiệp không. Việc “hà hơi thổi ngạt” cũng không thể kéo dài mãi. Sau thời gian cơ cấu lại, nợ có thu hồi được hay không là điều còn mơ hồ. Sau quá trình kéo dài sự sống, không ai dám chắc doanh nghiệp khỏe lên hay yếu đi. Cũng không loại trừ trường hợp một số ngân hàng sẽ nhân tiện giãn nợ ồ ạt và nợ xấu sẽ gia tăng tiếp.

Hai văn bản của NHNN rõ ràng là sự can thiệp mang tính hành chính tiếp theo của cơ quan này. Các ngân hàng dự báo sẽ còn nhiều chính sách nữa chạy theo chính sách này.

Hồng Phúc

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đảo nợ, ai hưởng lợi? (05/05/2012)

>   Chuyên gia nước ngoài lo tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam chững lại (04/05/2012)

>   Thông tư 14: Áp trần lãi suất cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực kinh tế (04/05/2012)

>   Tái cấu trúc ngân hàng hay là sự chia lại lợi ích? (04/05/2012)

>   ABBank giữ lại 30% lương kinh doanh của lãnh đạo (04/05/2012)

>   Khi ngân hàng... nuôi nợ (04/05/2012)

>   Thừa vốn! (03/05/2012)

>   Gửi tiền thế nào có lợi nhất (03/05/2012)

>   Lãi suất: Tâm điểm tháng 5 (03/05/2012)

>   Một số NH huy động vàng dưới hình thức “giữ hộ” (03/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật