Thứ Sáu, 04/05/2012 19:31

Chuyên gia nước ngoài lo tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam chững lại

Những nỗ lực nhằm giảm bớt số ngân hàng và cải cách hệ thống tài chính của Việt Nam đang có chiều hướng chững lại, hãng tin Reuters nhận định. Một số chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cảnh báo, điều này có thể gây những tác động bất lợi đối với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Đầu tháng 3 vừa qua, Chính phủ đã thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, theo Reuters, kế hoạch này có thể sẽ bị trì hoãn do các nhà chức trách của Việt Nam đang có những ưu tiên khác cao hơn. Điều này thể hiện qua việc kế hoạch sáp nhập 8 ngân hàng trong quý 1 năm nay đã không được thực hiện. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước thay đổi khung thời gian cho tới hết quý 2.

“Đối với Chính phủ Việt Nam, trọng tâm đã được chuyển sang kích thích tăng trưởng kinh tế. Sự dịch chuyển như vậy diễn ra sau khi những dữ liệu kinh tế quý 1 cho thấy tăng trưởng GDP đã giảm xuống mức đáng báo động là 4%, thấp nhất trong 3 năm và tín dụng suy giảm so với cuối năm 2011”, Reuters viết.

Theo hãng tin này, sự điều chỉnh ưu tiên nói trên được thể hiện qua hai lần cắt giảm lãi suất, mỗi lần 1%, vào tháng 3 và 4, và khuyến khích các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay. Các hạn chế cho vay bất động sản và tiêu dùng cũng được dỡ bỏ.

Một thành viên hội đồng quản trị người nước ngoài trong một ngân hàng tầm trung của Việt Nam cho biết, vài tháng trước, tái cơ cấu và sáp nhập ngân hàng là “một chủ đề rất nóng. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã chùng xuống và mối quan tâm đã chuyển sang vấn đề cho vay, lãi suất và số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động”.

Ông Sanjay Kalra, đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cảnh báo, việc Việt Nam không theo đuổi tới cùng kế hoạch tái cơ cấu các ngân hàng ở thời điểm này có thể mở đường cho những rắc rối lớn hơn trong tương lai. “Trì hoãn giải quyết những vấn đề hiện tại trong hệ thống ngân hàng sẽ chỉ khiến các vấn đề tích tụ lại”, ông Kalra nói.

Giới quan sát cho rằng, hiện có khoảng 10 ngân hàng ở Việt Nam đang nằm trong diện yếu do tỷ lệ nợ xấu cao và khả năng thu hút tiền gửi thấp.

Cuối quý 1 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam là 3,6%. Tuy nhiên, trong một bản dự thảo về tái cơ cấu ngân hàng mà Reuters trích dẫn, các chuyên gia của Chính phủ cho rằng, tỷ lệ này đã lên tới 6,6% vào tháng 6 năm ngoái. Thậm chí, bản dự thảo còn cho rằng, nếu các tiêu chuẩn phân loại nợ khác được áp dụng, thì tỷ lệ nợ xấu có thể lên tới mức 2 con số. Hãng định mức tín nhiệm Fitch cũng đã nhận định rằng, tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng Việt Nam lên tới 13%.

“Vấn đề nợ xấu nghiêm trọng đến nỗi, nếu nhìn vào cả hệ thống ngân hàng, thì trên phương diện kỹ thuật, nợ xấu có thể quét sạch vốn của các ngân hàng trong trường hợp chuẩn nợ xấu của các nước phát triển được áp dụng”, vị lãnh đạo một ngân hàng tầm trung Việt Nam nói trên trao đổi với phóng viên Reuters.

Ngoài ra, số ngân hàng không đáp ứng tỷ lệ đủ vốn (CAR) cũng đang tăng lên. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, vào cuối tháng 9/2011, có 17/42 ngân hàng bị kiểm tra không đáp ứng CAR ở mức 9%. Trước đó 3 tháng, con số này chỉ là 2/47 ngân hàng bị kiểm tra.

“Thống đốc Ngân hàng Nhà nước biết mình phải làm gì, nhưng vấn đề nằm ở chỗ ông ấy có được cho phép hay không”, vị lãnh đạo ngân hàng nói trên nhận xét. Ông này cũng cho rằng, phải có khủng hoảng xảy ra thì mới thúc đẩy được những cải cách sâu rộng trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Ông Kalra, đại diện IMF, thì cho rằng, việc tái cơ cấu ngân hàng “là việc quan trọng để tạo ra một hệ thống ngân hàng mạnh, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và đưa Việt Nam đạt địa vị nước có thu nhập trung bình”.

Theo ông Kalra, hiện còn hơi sớm để xác định xem Việt Nam có thực hiện những thay đổi cần thiết không. “Hệ thống của Việt Nam nghiêng về tăng trưởng và đó là một rủi ro. Chính phủ Việt Nam cần thận trọng. Họ cần phải vững vàng và cho thấy quyết tâm chính trị để giải quyết các vấn đề trong hệ thống ngân hàng”, ông Kalra nhận định.

An Huy

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Thông tư 14: Áp trần lãi suất cho vay 15%/năm với 4 lĩnh vực kinh tế (04/05/2012)

>   Tái cấu trúc ngân hàng hay là sự chia lại lợi ích? (04/05/2012)

>   ABBank giữ lại 30% lương kinh doanh của lãnh đạo (04/05/2012)

>   Khi ngân hàng... nuôi nợ (04/05/2012)

>   Thừa vốn! (03/05/2012)

>   Gửi tiền thế nào có lợi nhất (03/05/2012)

>   Lãi suất: Tâm điểm tháng 5 (03/05/2012)

>   Một số NH huy động vàng dưới hình thức “giữ hộ” (03/05/2012)

>   Tái cơ cấu ngân hàng: Rủi ro lớn nhất là sự trì hoãn (03/05/2012)

>   Ngân hàng với vấn nạn sổ đỏ giả (03/05/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật