Đảo nợ, ai hưởng lợi?
Ngày 23-4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN (Quyết định 780) về phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại. Có thể nói đây là quyết định mang tính “lịch sử” của NHNN, bởi nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Cơ cấu nợ và các vấn đề liên quan
Trong hoạt động ngân hàng, dư nợ tín dụng được chia thành các nhóm theo thứ tự tăng dần về mức độ rủi ro từ 1-5. Nợ nhóm 1 là các khoản nợ trong hạn và được tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá là có thể thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn. Trong khi đó, nợ từ nhóm 2 trở đi là những khoản nợ đã trễ hạn thu hồi (gốc và/hoặc lãi), nghĩa là mức độ thu hồi đã bị suy giảm; nhóm nợ càng cao thì khả năng thu hồi càng kém. Các nhóm nợ này gọi chung là nợ quá hạn, trong đó nợ từ nhóm 3 trở đi còn có tên gọi riêng là nợ xấu.
Nợ xấu là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá chất lượng tín dụng nói riêng và sức khỏe nói chung của một ngân hàng, hay cao hơn là cả hệ thống TCTD. Hiện nay, các TCTD đang áp dụng quy định phân loại nợ theo Quyết định 493/2005 (Quyết định 493) của NHNN và Quyết định số 18/2007. Cùng với việc phân loại nợ, các TCTD bắt buộc phải trích lập một khoản dự phòng cụ thể theo tỷ lệ phần trăm của phần chênh lệch giữa dư nợ thực tế và giá trị tài sản bảo đảm quy đổi. Số tiền trích lập dự phòng này phải tính vào chi phí hoạt động của TCTD và sẽ được sử dụng khi TCTD không thu được nợ (một phần hoặc toàn bộ). Nhóm nợ càng cao, tỷ lệ trích lập dự phòng càng lớn (nhóm 1: 0%, nhóm 2: 5%, nhóm 3: 20%, nhóm 4: 50% và nhóm 5: 100%).
Việc không có dữ liệu chính xác về nợ xấu đã là điều rất nguy hiểm, thế nhưng từ nay, với Quyết định 780, số liệu về nợ xấu đã không còn mấy ý nghĩa. Hoạt động của hệ thống TCTD đã rất méo mó, nay sẽ càng méo mó hơn. |
Theo quy định, nếu các khoản nợ ở nhóm 1 nhưng hiện tại khách hàng đang gặp khó khăn trong việc trả nợ, TCTD có thể xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ (bao gồm điều chỉnh kỳ hạn trả nợ và gia hạn nợ) nếu như TCTD đánh giá là khách hàng có khả năng trả nợ sau khi được cơ cấu lại. Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ luôn phải đi kèm với việc điều chỉnh tăng nhóm nợ. Nếu điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu, khoản nợ sẽ chuyển sang nhóm 2 (thành nợ quá hạn); nếu gia hạn nợ lần đầu, khoản nợ sẽ chuyển sang nhóm 3 (thành nợ xấu). Những lần cơ cấu nợ tiếp theo, nhóm nợ sẽ tiếp tục tăng lên. Sự thay đổi nhóm nợ khi cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động, chi phí, uy tín… của các khách hàng và TCTD.
Đâu là động lực?
Trong khi đó, Quyết định 780 mới được NHNN ban hành hôm 23-4 lại chấp thuận việc các TCTD giữ nguyên nhóm nợ nếu TCTD đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi cơ cấu nợ. Có thể nói đây là quyết định mang tính “lịch sử” của NHNN, bởi nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Đâu là động lực để NHNN ban hành quyết định này, vì lợi ích của khách hàng hay của các TCTD? Đứng trên góc độ khách hàng, quyết định này sẽ giúp họ giảm được áp lực trả nợ trước mắt, song không phải gánh chịu thêm khoản lãi suất phạt (thường lên đến 50% lãi suất trong hạn) khi nợ được cơ cấu lại. Điều này giống như việc giãn thuế cho cá nhân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn. Với mức độ sử dụng đòn cân nợ khá cao của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, dù không giải quyết được khó khăn trong dài hạn, đây chắc chắn là một quyết định được đón nhận.
Về bản chất, gia hạn nợ mà không làm chuyển nhóm nợ là một hình thức đảo nợ. Việc một khoản nợ được kéo dài thời hạn trả nợ giống như một khoản cấp tín dụng mới mà không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn. |
Đối với hệ thống các TCTD, trước khi Quyết định 780 được ban hành, họ không có động lực để cơ cấu lại nợ cho khách hàng dù trước đó NHNN đã có Văn bản số 2056/NHNN-CSTT ngày 10-4 đề nghị các TCTD thực hiện điều này. Thế nhưng, từ nay các TCTD sẽ “tự nguyện” cơ cấu nợ cho khách hàng, dựa trên những lý do sau:
Thứ nhất, khi khả năng trả nợ của khách hàng đã và đang suy giảm thấy rõ, việc cơ cấu lại nợ sẽ hạn chế được việc gia tăng nợ quá hạn, nợ xấu cho TCTD. Điều đó đồng nghĩa với việc không làm tăng chi phí do phải tăng trích lập dự phòng tín dụng, giúp thuận lợi hơn trong việc thực hiện các mục tiêu lợi nhuận.
Thứ hai, lãnh đạo TCTD sẽ dễ dàng kiểm soát nợ quá hạn, nợ xấu (nếu TCTD cơ cấu cho các khoản nợ từ nhóm 2 thì họ có thể cố định được nợ xấu từ nay đến cuối năm, thậm chí xa hơn) theo các tiêu chí đã được đại hội đồng cổ đông thông qua như là một cách chứng tỏ năng lực quản lý, điều hành nếu bản chất của các khoản nợ không được làm rõ.
Thứ ba, nợ xấu luôn là vấn đề nhạy cảm và không TCTD nào muốn khách hàng, nhà đầu tư của mình thấy tỷ lệ này đang quá cao. Nó không chỉ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các TCTD, đến sự ổn định của những hoạt động thường ngày như huy động vốn, cho vay, thanh toán…
Thứ tư, kiểm soát tốt nợ xấu là điều kiện để các TCTD mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng mạng lưới. Nhiều TCTD sẽ bắt tay ngay vào quá trình cơ cấu nợ cho khách hàng để giữ vững, không làm xấu thêm bảng cân đối khi mà dự kiến tháng 6 này, NHNN sẽ đánh giá lại năng lực của các TCTD và có thể điều chỉnh lại hạn mức tăng trưởng tín dụng đã giao đầu năm.
Tái cơ cấu hệ thống thêm khó khăn
Về bản chất, gia hạn nợ mà không làm chuyển nhóm nợ là một hình thức đảo nợ. Việc một khoản nợ được kéo dài thời hạn trả nợ giống như một khoản cấp tín dụng mới mà không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn. Như vậy, với văn bản mới này, NHNN đã gián tiếp cho phép đảo nợ mà lâu nay, NHNN vẫn cấm hoặc vẫn ghi là theo hướng dẫn riêng mà chưa bao giờ hướng dẫn.
Nhìn vào mức độ trầm trọng của tình trạng thiếu hụt thanh khoản, sẽ khó ai tin rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam chỉ có 3,6% (dù có tăng lên từ mức 3,2% cuối năm 2011). Điều đó có nghĩa là nợ xấu của hệ thống ngân hàng nếu tính đúng, chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với số công bố. Việc không có dữ liệu chính xác về nợ xấu đã là điều rất nguy hiểm, thế nhưng từ nay số liệu về nợ xấu đã không còn mấy ý nghĩa. Hoạt động của hệ thống TCTD đã rất méo mó, nay sẽ càng méo mó hơn.
Chờ đợi vào sự tự giác của hệ thống các TCTD trong việc phân loại nợ gần như là điều xa xỉ. Nay rủi ro đạo đức (tâm lý ỷ lại) lại càng trở nên quá lớn khi Quyết định 780 ra đời. Sau việc được bơm hàng ngàn tỉ đồng với lãi suất thấp để các ngân hàng yếu đủng đỉnh tái cơ cấu mà không kèm theo những chế tài đủ nghiêm khắc đối với hậu quả mà các ngân hàng này gây ra cho hệ thống tài chính, cho nền kinh tế thì nay cả hệ thống sẽ có cơ sở để tin rằng, trong mọi trường hợp, NHNN luôn nghĩ ra những “diệu kế” để cứu họ, bởi Quyết định 780 có mang danh nghĩa hỗ trợ khách hàng thì cái lợi cho ngân hàng thực tế vẫn nhiều hơn.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang là quá trình được đặt nhiều kỳ vọng, tuy nhiên, qua những bước đi ban đầu đã cho thấy những lo ngại. Kỷ luật thị trường đáng lẽ cần phải siết chặt hơn nữa để bảo đảm cho sự thành công của quá trình tái cơ cấu thì có vẻ như NHNN đang có những bước đi theo hướng ngược lại. Tín dụng bất động sản (nguồn gốc của nợ xấu) đã được mở toang, trần lãi suất giảm quá nhanh khi mà thanh khoản của hệ thống đang thiếu cục bộ dẫn đến vượt trần lãi suất vẫn tràn lan, vai trò của NHNN vẫn rất mờ nhạt trong các thương vụ hợp nhất, sáp nhập ngân hàng đã và sắp diễn ra ngoài việc luôn công bố thông tin một cách lấp lửng… Còn sắp tới đây, tái cơ cấu sẽ dựa vào đâu khi mà nợ xấu, chỉ tiêu quan trọng nhất để đánh giá sức khỏe ngân hàng, không còn ai tin tưởng.
Lê Duy Khánh
tbktsg
|