Kiểm soát ngân hàng: Lòng tham vô hiệu quy định
Nếu như các bộ phận khung như giao dịch viên, chuyên viên quan hệ khách hàng (cán bộ tín dụng) được các ngân hàng tổ chức na ná nhau thì các bộ phận có chức năng kiểm soát nội bộ đang là mỗi ngân hàng một phách...
Có bao nhiêu tầng kiểm soát ngân hàng?
Ngân hàng có bao nhiêu tầng kiểm soát? Đây là một câu trả lời cực kỳ có khăn. Sau khi xem qua cơ cấu kiểm soát ngân hàng và chế độ kiểm tra, kiểm soát thì chúng tôi nhận ra có sự phân hóa khá rõ nét: có ngân hàng thì cơ cấu kiểm soát nội bộ tương đối "thô sơ, đơn giản", trong khi có ngân hàng thì lại "đồ sộ nhưng chưa hẳn đã chuyên nghiệp".
Bộ phận đầu tiên là Ban Kiểm soát. Đây là các cá nhân được đại hội cổ đông bầu, giữ nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của ngân hàng, đảm bảo sự đúng đắn trong hoạt động của HĐQT, Ban Điều hành. Hầu hết các ngân hàng thực hiện rất tốt việc cung cấp thông tin trên website, báo cáo thường niên của mình.
Trong đó, Ban Kiểm soát rất hay được giới thiệu với HĐQT, Ban Điều hành nếu trong báo cáo thường niên có công bố nhân sự chủ chốt. Ngoài ra, trong tài liệu phục vụ đại hội cổ đông được đăng tải công khai trên website cũng thường công bố các báo cáo của Ban Kiểm soát... Tuy nhiên, có ngân hàng đã không thực hiện việc công khai hóa, minh bạch thông tin. Đặc biệt, có những ngân hàng khi mà bản báo cáo thường niên khá đặc biệt: công bố nhân sự HĐQT, Ban Điều hành, nhưng không công bố nhân sự Ban Kiểm soát, không công bố tài liệu phục vụ đại hội cổ đông lên website...
Đặc biệt hơn, có một ngân hàng khi các thành viên HĐQT có cả 4 thành viên gia đình của Chủ tịch HĐQT (2 vợ chồng, 2 con), hai con của Chủ tịch HĐQT đều nắm chức vụ then chốt trong Ban Điều hành thì việc không công bố Ban Kiểm soát cũng có phần đáng ngại.
Hiện nay đang xuất hiện xu hướng HĐQT, Ban Điều hành có sự tham gia ngày càng nhiều của lớp con các đại gia, các thành viên HĐQT đi trước tham gia vào HĐQT, Ban Điều hành, nắm các chức vụ then chốt, hay nói chính xác là xuất hiện tình trạng "gia đình trị" ngày càng rõ nét thì có lẽ cần phải quy định pháp lý về Ban Kiểm soát phải rõ nét, khẳng định vai trò, thẩm quyền, hạn chế việc "vô hiệu hóa" ban kiểm soát.
Ngoài Ban Kiểm soát có vị thế đặc biệt, các ngân hàng đang tổ chức xây dựng nhiều các bộ phận có chức năng kiểm tra, kiểm soát. Các mô hình này không hề "na ná" mà khác biệt rõ nét giữa các ngân hàng.
Ở đây, có ngân hàng cầu kỳ, tổ chức khá chặt chẽ: Trung tâm Kiểm soát tín dụng giám sát hoạt động tín dụng; Bộ phận Kiểm soát sau kiểm tra chứng từ kế toán, phát hiện sai sót về hạch toán kế toán, phòng ngừa rủi ro bước đầu tại chi nhánh; bộ phận giám sát tuân thủ để giám sát sự tuân thủ về mặt pháp chế, hành chính của hệ thống; bộ phận giám sát từ xa dựa trên nền tảng công nghệ để phát hiện, nhắc nhở sự sai sót, lệch lạc về mặt hạch toán kế toán của cấp dưới...
Tuy nhiên, có ngân hàng lại đang tổ chức mô hình kiểm soát nội bộ rất đơn đơn giản: chỉ có phòng Kiểm soát nội bộ tại hội sở lo toàn bộ việc kiểm soát hoạt động tín dụng và ôm cả các công việc chấm các gói thầu, chào giá cạnh tranh của toàn bộ ngân hàng.
Rõ ràng, công tác tổ chức hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các ngân hàng đang "quá đa dạng". Các ngân hàng cần nghiên cứu, điều chỉnh chức năng nhiệm vụ phù hợp, tránh trường hợp "dẫm chân lên nhau" mà chạy, nhưng lại "bỏ lọt" mất nhiều khẩu quan trọng.
Nói nhiều, làm được bao nhiêu?
Hiện nay, một số ý kiến cho rằng đang có sự "chồng lấn" lên nhau giữa chức năng của kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ, và có thể giải tán bộ phận kiểm soát nội bộ, tập trung chức năng về cho kiểm toán nội bộ.
Mới đây nhất, NHNN đã ban hành thông tư Số: 44/2011/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã đưa khái niệm và phân định rõ chức năng giữa hai bộ phận này.
Theo đó : "Hệ thống kiểm soát nội bộ là tập hợp các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ, cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xây dựng phù hợp theo quy định tại Thông tư này và được tổ chức thực hiện nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra". Và "Kiểm toán nội bộ là việc rà soát, đánh giá độc lập, khách quan đối với hệ thống kiểm soát nội bộ; đánh giá độc lập về tính thích hợp và tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đã được thiết lập trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống, quy trình, quy định, góp phần bảo đảm tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả, đúng pháp luật". Và Kiểm soát nội bộ sẽ trực thuộc Tổng Giám đốc còn Kiểm toán Nội bộ trực thuộc Ban Kiểm soát
Như vậy, có thể thấy, ở đây không có sự chồng lấn. Và thực tế, công tác kiểm soát nội bộ hàng ngày, hàng giờ, xuất hiện trong các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng. Chính vì thế, không thể còn khái niệm kiểm soát nội bộ chung chung. Và khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, không thể để một phòng Kiểm soát nội bộ thực hiện cả chức năng kiểm soát giải ngân tín dụng, chấm những gói thầu của ngân hàng, đặc biệt là những gói thầu mang đậm tính chuyên môn khác như của truyền thông, xây dựng, phát triển mạng lưới...
Mỗi ngân hàng cần phải tách bạch rõ ràng giữ kiểm soát tín dụng, kiểm soát kế toán, kiểm soát các hoạt động bình thường như mua sắm, hành chính, và kiểm soát tự tuân theo pháp luật. Các bộ phận này sẽ báo cáo thông tin, giúp Ban Điều hành nắm bắt tình hình để điều hành.
Thực tế, các ngân hàng đều thường lấy tiêu chí an toàn, kiểm soát tốt chất lượng như một thế mạnh để quảng cáo với khách hàng. Tuy nhiên, với thực tế trên đây thì rõ ràng, công tác kiểm soát nội bộ để đảm bảo an toàn trong các ngân hàng về tổ chức còn rất bất cấp. Kết quả hoạt động, những khó khăn, nguy cơ nợ xấu, mất thanh khoản, đỗ vỡ và dễ thấy nhất là các vụ tiêu cực trong các ngân hàng liên tục lộ diện cho thấy việc kiểm soát nói nhiều nhưng chẳng làm được bao nhiêu. Hơn thế, dù có kiểm soát nhưng khi hoạt động ngân hàng luôn bị lòng tham của các ông chủ thúc giục thì mọi cơ chế kiểm soát đều dễ dàng bị bỏ qua.
Trần Anh Tuấn
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|