Góc nhìn 04/05: Cân nhắc chốt lời từng phần
Nhiều công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng, và nên chốt lời từng phần nhằm tránh rủi ro.
Xu hướng giằng co sẽ tiếp tục
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): Cây nến gần Doji được hình thành không cho nhiều ý nghĩa do VN-Index chỉ dao động theo phương ngang trong các phiên vừa qua.
Xu hướng giằng co có thể tiếp tục trong các phiên tới, nhà đầu tư nên cẩn trọng với các quyết định mua bán.
Tích cực hơn VN-Index, HNX-Index hồi phục sau đợt lao dốc đầu giờ và đóng cửa tăng nhẹ. Sự đảo chiều mạnh cùng khối lượng giao dịch lớn cho thấy lực cầu vẫn còn rất lớn. Cây nến hammer cũng không cho nhiều ý nghĩa.
Trong các phiên tới, xu hướng giằng co có thể tiếp tục cho đến khi HNX-Index hoặc vượt đỉnh trước ở 81 hoặc xuống thấp hơn đáy nhỏ ở 77.
Xu hướng điều chỉnh vẫn còn
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Hiện tại, tâm lý giới đầu tư vẫn khá thận trọng do thiếu thông tin vĩ mô hỗ trợ. Vì vậy, trong ngắn hạn thị trường khó có thể tạo được những bước giao dịch bùng nổ và đột phá.
Xét sự dao động của VN-Index trong khoảng 3 tuần trở lại đây có thể thấy, chỉ số đang giằng co khá mạnh trong vùng đỉnh ngắn hạn ở 460 - 475 điểm. Xu hướng này chưa thể kết thúc trong ngắn hạn khi thị trường hiện vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Phiên giao dịch cuối tuần (04/05), với khả năng nhóm cổ phiểu vốn hóa lớn tiếp tục giảm điểm, chúng tôi thiên về khả năng VN-Index tiếp tục điều chỉnh giảm điểm lùi về khoảng 465 điểm trước khi cho tín hiệu tăng rõ ràng hơn.
Chờ thêm tín hiệu rõ ràng hơn
CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI): Các chỉ báo động lượng, đặc biệt là các chỉ tiêu thể hiện dòng tiền đang tạo phân kỳ âm (negative divergence) nhưng ngược lại, thanh khoản tiếp tục tăng cao.
Xét về mặt kỹ thuật, trạng thái này của thị trường có thể được coi là dạng trạng thái tích lũy/phân phối ngắn hạn khi áp lực bán gia tăng mạnh và đột ngột trong vài phiên, tạo điều kiện để thị trường kiểm chứng sức cầu tiềm năng và có khả năng sẽ còn tiếp diễn trong những phiên sắp tới.
Mặc dù vậy, hầu hết các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechips v.v... đều có hiện tượng sụt giảm thanh khoản, do đó ít có khả năng tăng giá mạnh, ngược lại thị trường lại xuất hiện dấu hiệu chốt lời trên nhiều mã cổ phiếu tăng nóng thời gian qua, cho thấy có nguy cơ về một đợt sóng bán ra của dòng tiền đầu cơ.
Nhà đầu tư tạm thời nên đứng ngoài thị trường và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn.
Nên giảm bớt danh mục
CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI): Cây nến ngày là một Black Candle với bóng nến khá dài ở cả hai chiều cho thấy sự giằng co mạnh về xu thế khi mà MACD rơi khá sâu xuống phía dưới đường tín hiệu một lần nữa đồng thời OBV bị bẻ gãy xu hướng.
Khối lượng giao dịch ở mức 100.54 triệu đơn vị, giảm 12.48% so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao so với tuần giao dịch trước 01/05. Cây nến cho thấy thị trường có thể có sự cân bằng hơn về cung cầu ngắn hạn, tuy vậy các tín hiệu kỹ thuật đều cho thấy sự yếu đi của xu hướng tăng kể từ đầu tháng 4.
Chúng tôi cho rằng, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh, nhà đầu tư lướt sóng nên giảm bớt tỷ trọng danh mục cổ phiếu ở các mức giá cao trong phiên.
Khuyến nghị chốt lời từng phần
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS): Trong phiên 03/05 dòng tiền cũng có tín hiệu chuyển hướng sang dòng cổ phiếu “hạng hai”, vốn lình xình đi ngang trong suốt giai đoạn vừa qua, đặc biệt là các mã cổ phiếu đầu cơ trên sàn Hà Nội. Điều này giúp thị trường thoát khỏi rủi ro rơi vào một nhịp điều chỉnh sâu ngay trước mắt nhưng cũng cho thấy dòng cổ phiếu đầu tàu đã phần nào mất đi tính hấp dẫn đối với dòng tiền.
Trên phương diện kỹ thuật, xu hướng tăng chủ đạo vẫn đang được giữ vững nhưng trong nhịp tăng điểm này đã xuất hiện một số tín hiệu không thuyết phục về mặt xung lượng. Như vậy, chiến lược chốt lời từng phần vẫn được khuyến nghị cho các nhà đầu tư trong các phiên tăng điểm tới, đặc biệt là các phiên vượt đỉnh được kỳ vọng sẽ xuất hiện của cả hai chỉ số. Một phần tỷ trọng danh mục ở mức trung bình thấp có thể được giữ lại nhằm bám theo xu hướng chính chừng nào tín hiệu phủ nhận xu hướng tăng vẫn chưa xuất hiện.
Viết Vinh tổng hợp (Vietstock)
finfonet
|