Nhịp đập thị trường 14/05:
Dòng tiền tháo chạy, thị trường giảm mạnh nhất từ đầu năm
Bán tháo, giải chấp, chốt lời, cắt lỗ là những ngôn từ được dùng để chỉ về động thái của thị trường ngày 14/05, đặc biệt ở phiên buổi chiều. Đây có lẽ là phiên giảm mạnh nhất của thị trường từ đầu năm đến nay.
Phiên giảm mạnh này khiến hầu hết nhà đầu tư phải lo ngại và cả công ty chứng khoán cũng không thể ngồi yên với những khoản cho vay margin đối với nhà đầu tư.
Gần 240 mã giảm kịch sàn, và xấp xỉ 300 mã giảm giá ở hai sàn. Không những vậy, dư bán giá sàn vẫn còn tràn lan khắp nơi, tương tự với tình trạng đua trần từng xảy ra cách đây vài hôm. Đó là kết quả phản ánh phần nào tâm lý của nhà đầu tư.
Toàn thị trường chỉ có 68 mã tăng giá, và đáng chú ý là vẫn có cổ phiếu giữ được mức giá trần cứng từ đầu cho đến hết phiên như VSI, CSG, VES, TCR, VSG tại HOSE cùng các mã CMI, CMS, VCV, TBX, L62… tại HNX.
Cuối phiên, VN-Index mất đến 10.41 điểm, tức khoảng 2.17% chốt tại 469.69 điểm. Trong khi VN30 giảm 11.59 điểm, tương đương 2.12% xuống 536.35 điểm.
Giao dịch đạt trên 110.4 triệu đơn vị, giảm đáng kể so với các phiên trước, trị giá xấp xỉ 2,000 tỷ đồng, nhưng đáng lưu ý là trong đó có đến 22.1 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận, tương đương 545.65 tỷ đồng, nhưng giao dịch của STB đã chiếm gần 20 triệu đơn vị, tại mức giá 25,000 đồng/cp, tức cao hơn 300 đồng so với tham chiếu.
Với sàn Hà Nội, khép lại phiên HNX-Index mất 2.74 điểm, tương ứng 3.36% xuống 78.84 điểm, thấp hơn mức giảm ít phút trước đó.
Giao dịch cũng tăng lên đến kể với 91.5 triệu đơn vị, tương đương 979 tỷ đồng.
Thống kê trên cả hai sàn cho thấy, cổ phiếu theo các nhóm ngành như khai khoáng, xây dựng, bất động sản, vận tại kho bãi, cao su, chứng khoán, tôn thép… bị bán tháo nhiều nhất và có mức giảm từ 5% trở lên.
13h45: Nghi bán giải chấp, hơn 1/2 thị trường giảm sàn
Lệnh bán giá sàn vẫn dồn dập đổ vào thị trường, trong khi bên mua gần như trống trãi, hoặc cũng chỉ đặt mua với giá sàn. Nhiều ý kiến cho rằng dấu hiệu bán giải chấp đã xuất hiện.
Sau khi giảm hơn 9 điểm, có lúc VN-Index thu hẹp mức giảm còn hơn 7 điểm, nhưng cuối đợt khớp lệnh liên tục, áp lực đè giá lại xuất hiện khiến chỉ số chính thức mất 9.32 điểm, tức 1.94% thụt lùi về 470.78 điểm.
Giao dịch vượt lên trên 102 triệu đơn vị, tương đương 1,835 tỷ đồng. Toàn sàn có đến 251 mã giảm giá, với gần 150 mã giảm sàn, gần như toàn bộ bluechips đều giảm hết biên độ trừ VCB, CTG giữ mức tăng nhẹ.
HNX-Index còn rớt thê thảm hơn khi mất đến 3 điểm, tức khoảng 3.7% lùi về dưới mốc 79 điểm. Giao dịch đạt 77 triệu đơn vị, tương đương 818 tỷ đồng. Toàn sàn có gần 290 mã giảm giá, trong đó 175 mã giảm kịch sàn. Những cổ phiếu lớn cũng như HBB, PVX, VND, KLS, SCR, PVS… đều xoay quanh mức giá sàn và giao dịch đạt khoảng vài triệu đơn vị mỗi mã.
Khối ngoại đẩy mạnh mua bán tại HNX với trên 34 tỷ đồng mua vào và hơn 24 tỷ đồng bán ra.
13h15: Lo sợ giảm sâu, nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo
Áp lực bán tháo đã thực sự xảy ra vào đầu giờ chiều khi hàng loạt chứng khoán tiếp tục giảm giá, ngay cả BVH cũng giảm kịch sàn.
Thống kê trong chưa đầy 15 phút buổi chiều, cả hai sàn đã có gần 300 mã chứng khoán giảm sàn, trong số hơn 500 mã giảm giá. VN-Index mất hơn 8.4 điểm, tương đương 1.75% và lùi sâu về 471.78 điểm. Trong khi đó, HNX-Index đánh mất 3% xuống 79 điểm và xu hướng vẫn còn tiếp tục.
Ngay cả VCB, và CTG cũng không giữ được mức tăng trên 4% mà cũng đang thụt lùi về gần mốc tham chiếu.
Thị trường chứng kiến hàng loạt mã chủ chốt giảm sàn như CII, PVD, ITA, QCC, VSH, DIG, KDH, DPM, BVH. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, khai khoáng tại sàn HNX cũng bị nhà đầu tư bán mạnh trên đường tháo chạy.
Trước đó, nhận định ngay sau kết thúc buổi sáng, các chuyên gia của Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS) cho rằng: "Mặc dù hai hỗ trợ được hình thành do tính đảo vai trò của kháng cự - hỗ trợ (và do đó được coi là hỗ trợ yếu), điều này cũng đưa ra tín hiệu cảnh báo thận trọng".
Theo các chuyên gia này, nhà đầu tư nên có đánh giá thận trọng hơn, nên theo dõi mức dừng lỗ của các cổ phiếu trong danh mục và giảm rủi ro nếu các mức này bị xâm phạm.
Buổi sáng: Thủng ngưỡng hỗ trợ, giải chấp sắp xuất hiện?
Thị trường tỏ ra hết sức bi quan vào cuối buổi sáng bất chấp lực kéo từ các mã CTG, VCB. VN-Index và HNX-Index đều giảm khá sâu. Thanh khoản chỉ bằng 2/3 so với các phiên trước.
Các ngưỡng hỗ trợ gần nhất lần lượt bị chọc thủng, nhà đầu tư đang lo ngại về làn sóng giả chấp sẽ xuất hiện nếu tâm lý bi quan vẫn còn.
Các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giảm giá rất mạnh khiến thị trường lùi về mức sâu nhất từ lúc mở cửa.
Quan sát thấy, chỉ số Mid Cap giảm đến 2.79%, Small Cap và Micro Cap lần lượt tụt 2.62% và 2.54%. Còn lại nhóm Large Cap giảm đáng kể, với 0.49%.
Tại HOSE, 224 mã giảm giá, trong đó gần ½ giảm kịch sàn mà hầu hết là cổ phiếu đầu cơ, có cả một vài mã vốn hóa lớn như CII, PVD, QCG, DIG. PVD giảm sàn sau khi công bố mức chia cổ tức 2011 chỉ có 15% dù lợi nhuận vượt xa kế hoạch, cũng như kế hoạch phát hành 40 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp này.
Toàn sàn chỉ có 31 mã tăng giá, VCB tăng sát giá trần (+4.68%) và CTG tăng 3.56% nhưng cũng như muối bỏ bể trước áp lực giảm giá quá mạnh.
Kết quả là VN-Index mất 4.56 điểm, tương đương 0.95% xuống 475.54 điểm. Mức thấp nhất của thị trường trong phiên.
Giao dịch giảm mạnh so với các phiên trước, đạt trên 60 triệu đơn vị, tương đương 947.45 tỷ đồng. Các mã như MBB, CTG, LCG, SSI, ITA được gom mạnh nhất, nhưng chỉ có MBB và CTG vượt qua mốc 2 triệu đơn vị.
Lượng giao dịch tại HNX thấp hơn nhiều, chỉ có 45.83 triệu đơn vị, trị giá có 495.84 tỷ đồng, nhưng chỉ số HNX-Index mất đến 1.67 điểm, tức 2.05% xuống 79.91 điểm cho thấy thị trường chỉ có bên bán mà bên mua rất thấp. Những cổ phiếu hàng đầu của sàn này như HBB, PVX, VND, KLS, SCR, PVS, SHS, SHB, VCG… đều giảm giá, trừ ACB tăng nhẹ nhưng không thể hỗ trợ được nhiều.
10h50: VCB, CTG cứu thị trường
Trong khi lực cung có dấu hiệu hạ nhiệt, thì VCB và CTG lại đồng loạt tăng trần, cùng với mức tăng nhẹ của MSN và VIC tăng giá, Vn-Index đảo chiều tăng trên 480 điểm chỉ trong nháy mắt.
Đến 10h50, VN-Index bật lên 481.44 điểm sau khi đi lên từ “đáy vực thẳm” 475 điểm. Như vậy, độ rộng của chỉ số này một lần nữa mở lên đến hơn 6 điểm. Trên sàn vẫn có hơn 200 mã giảm, và chỉ có 40 mã tăng.
Giao dịch đạt gần 43 triệu đơn vị, giá trị gần 670 tỷ đồng. CTG được giao dịch mạnh với 1.71 triệu đơn vị. Tiếp theo là MBB, LCG, NVT, ASM đều được nhà đầu tư quan tâm.
Trong khi đó, HNX –Index không được khởi sắc như VN-Index, trái lại chỉ số này vẫn giảm 0.8 điểm, tức 0.97% xuống 80.79 điểm.
Dấu hiệu khởi sắc đang trở lại?
Sau 10h00, VN-Index có lúc mất gần 5 điểm rớt xuống sát 475 điểm và thanh khoản vẫn không bật mạnh, nhưng ít phút sau đó, đà giảm có phần hạ nhiệt. Dấu hiệu của sự khởi sắc dần xuất hiện từ sau 10h30.
Những đồn thổi về việc tăng giá điện, thêm vào đó tâm lý chốt lời vẫn chiếm chủ đạo khiến lực bán ra ngày càng mạnh. Bên mua lại khá thận trọng, thay vì ồ ạt mua vào như các phiên trước.
Áp lực bán chủ chốt rơi vào nhóm cổ phiếu đầu cơ vừa và nhỏ đã tăng giá quá mức trong thời gian qua. Điều này thể hiện qua các chỉ số như Mid Cap mất 1.79%, Small Cap rớt 2.14%, Micro Cap xẹp đi 1.96% còn Large Cap chỉ giảm nhẹ 0.24% do hầu hết các mã tứ trụ đã quay về mốc tham chiếu tính đến 10h30.
Điểm đáng lo ngại là thị trường vẫn còn đến gần 430 mã giảm giá, trong đó 130 mã giảm kịch sàn. Số lượng tăng giá chưa đến 100 mã ở cả hai sàn.
Giao dịch vẫn khá èo uột tính từ đầu tháng trở lại đây, với 36.6 triệu đơn vị tại HOSE, tương đương 553.44 tỷ đồng và 26.6 triệu đơn vị tại HNX, trị giá 285 tỷ đồng.
9h48: Cổ phiếu bất động sản giảm sàn hàng loạt
Thị trường yếu dần do nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra. Đáng chú ý cổ phiếu bất động sản, xây dựng và một số ngành liên quan bị bán sàn hàng loạt.
Thị trường yếu dần và chính thức “gục ngã” lúc 9h48 khi VN-Index đảo chiều giảm 0.45 điểm và một lần nữa đánh mất ngưỡng 480 điểm dù VCB và CTG vẫn giữ được mức tăng trên 4%.
Trái lại, BVH, MSN, VNM và hàng loạt mã chủ chốt đều đảo chiều giảm, cho dù mức giảm là không lớn.
Một loạt cổ phiếu bất động sản cùng những ngành liên quan giảm kịch sàn như HBC, TDH, HQC, NTB, VNI, PTC, CII, LGL, LCG, VRC, UDC, CDC, PXT… tổng cộng có hơn 40 mã. Cổ phiếu đầu cơ cũng có mức giảm không kém với lệnh bán ra chiếm áp đảo.
Cổ phiếu ngành vận tải biển cũng giảm khá mạnh như VST, VTO, VNA, VOS…
Thanh khoản thị trường giảm đáng kể so với các phiên do nhà đầu tư thận trọng mua vào ở thời điểm này. Cụ thể, giao dịch chỉ đạt 16.5 triệu đơn vị, tương đương 255 tỷ đồng.
Nhìn chung, xu hướng giảm vẫn còn tiếp tục do lực bán ngày càng lớn.
HNX-Index giảm từ ít phút trước, và hiện giờ đang thụt lùi 0.25 điểm, tương đương 0.31% xuống 81.33 điểm. Giao dịch chỉ vỏn vẹn 11 triệu đơn vị, trị giá 118.73 điểm.
9h29: Ngân hàng bất ngờ khởi sắc, VN-Index vượt 482 điểm
Dù số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm áp đảo, nhưng việc VCB tăng kịch trần, CTG cũng tăng sát mức giá này khiến VN-Index từ giảm chuyển thành tăng và vượt qua ngưỡng 480 điểm.
Chỉ trong vòng vài phút, VN-Index từ mức 477 điểm vọt lên 482.34 điểm lúc 9h29, tức độ rộng lên đến hơn 5 điểm, còn so với tham chiếu, chỉ số này tăng 2.24 điểm, tương đương 0.47%.
Các mã chủ chốt lần lượt trở về mốc tham chiếu như BVH, MSN, VNM, VIC…
Với sự khởi sắc này, HNX-Index cũng đảo chiều tăng nhẹ 0.1 điểm, cũng nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bao gồm các mã như ACB, HBB, SHB…
Giao dịch hai sàn lúc này đạt khoảng 14 triệu đơn vị, trị giá trên 180 tỷ đồng, trong đó HOSE chiếm gần 7.7 triệu đơn vị, 121 tỷ đồng.
Mở cửa: Vn-Index mất ngưỡng 480 điểm
Thị trường mở cửa hết sức thận trọng trong phiên đầu tuần khi các ngưỡng hỗ trợ được cho là khá yếu. Lệnh bán chốt lời chiếm đa số, trong khi bên mua tỏ ra dè dặt. Điều này làm cho giao dịch trở nên lình xình, thanh khoản giảm đáng kể.
Cổ phiếu chủ chốt trên cả hai sàn nhìn chung đều giảm hoặc đứng giá nên lực đỡ cho thị trường gần như không có. Cổ phiếu đầu cơ cũng không còn tăng trần mạnh mẽ như trước, chỉ có một vài mã có dư mua trần với khối lượng lớn như CMI, HPC, CMS, GGG, LTC tại HNX và DRC, VOS, NVT…
Điểm đáng lưu ý là một vài mã cổ phiếu ngân hàng có sự khởi sắc như VCB, CTG, EIB chủ yếu nhờ các thông tin hỗ trợ. Cụ thể, VCB sắp niêm yết bổ sung hơn 1 tỷ cổ phiếu, CTG phát hành 250 triệu USD trái phiếu quốc tế thành công, đồng thời trong quý 1, ngân hàng mẹ CTG lãi sau thuế 1,394.6 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi EIB vừa tổ chức xong ĐHCĐ 2012, với nhiều vấn đề xung quanh việc thâu tóm STB được đưa ra ánh sáng.
Trên sàn HNX, mã ACB tăng nhẹ, trong khi SHB, HBB vẫn giảm nhẹ.
Đáng chú ý, sau đợt khớp lệnh mở cửa, NVT đảo chiều giảm 2%, tương tự có PVT, giảm sàn, DDM về mốc tham chiếu. Chỉ còn lại DRC có dư mua trần với gần 500 ngàn đơn vị, đây là phiên chốt quyền nhận cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50% của DRC.
Toàn sàn HOSE chỉ có 39 mã tăng giá, nhưng có đến 108 mã giảm, với khoảng 20 mã giảm kịch sàn.
VN-Index mất 2.37 điểm, tương ứng 0.49% xuống 477.73 điểm, giá trị giao dịch khoảng 51 tỷ đồng, tương ứng 3 triệu đơn vị chuyển nhượng.
Sàn HNX, chỉ số giảm 0.07 điểm, lùi về 81.51 điểm. Giao dịch cũng chỉ hơn 3 triệu đơn vị, tương đương 31 tỷ đồng.
Cổ phiếu giảm giá cũng chiếm ưu thế, với 63 mã, còn lại là 51 mã tăng và 284 mã đứng yên. HPC, SHN bất ngờ tăng trần, trong khi VND, PVS, KLS, SHB… đều giảm nhẹ
Viết Vinh (Vietstock)
FINFONET
|