Nhịp đập thị trường 11/05:
Chứng khoán giảm mạnh nhất từ đầu tháng 5
Thị trường đóng cửa phiên cuối tuần trong sắc đỏ ngập tràn, đây cũng là phiên điều chỉnh thứ 3 liên tiếp. Các chỉ số quay về sát mốc đã đạt được ở cuối tuần trước, thanh khoản có giảm đôi chút do bên mua có dấu hiệu ngại rủi ro.
Đây là phiên điều chỉnh mạnh nhất của thị trường tính từ đầu tháng trở lại đây. Tuy nhiên, theo nhận định của giới đầu tư thì đây là sự điều chỉnh hợp lý bởi thị trường đã có một đợt tăng nóng từ cuối tháng 3 đến nay. Thậm chí có người còn tin ra đà giảm còn kéo dài sang tuần kế tiếp.
Tuy vậy, các ngưỡng hỗ trợ 480 điểm của VN-Index và 80 điểm của HNX-Index đã phát huy tác dụng giúp thị trường chặn đà rơi. Khép phiên, VN-Index mất 5.97 điểm, tương ứng 1.23% xuống 480.1 điểm, còn HNX-Index rớt 1.65 điểm, tương đương 1.98% xuống 81.58 điểm.
Khác với các phiên trước, thị trường không rớt điểm vì đè giá của các mã chủ chốt, thay vào đó các mã từ vốn hóa vừa trở xuống bị chốt lời mạnh, trong khi bên mua ngại rủi ro nên không tiếp tục lao vào bắt đáy. Các chỉ số như Mid Cap giảm 1.79%, Small Cap mất 1.58% và Micro Cap giảm 1.6% cho thấy điều đó. Nhóm vốn hóa lớn giảm ít hơn, với 0.97%.
Trong số 192 mã giảm tại HOSE, với 71 mã giảm sàn và tại HNX con số này là 229 và 78 mã chủ yếu là các mã vốn hóa vừa và nhỏ. Các mã trụ cột như BVH, MSN, VIC, STB, MBB, HAG… HBB, PVX, VND, KLS, PVS, ACB… đều chỉ giảm nhẹ, thâm chí còn có một số mã bật tăng như SHS, BVS, WSS.
Tổng giao dịch tại HOSE đạt 114.3 triệu đơn vị, tương đương 1,698.62 tỷ đồng. Trong đó, NVT và VOS có tổng giao dịch trên 13 triệu đơn vị, đồng thời giữ được mức giá trần cho đến hết phiên. Trong khi đó, ở HNX có gần 92 triệu đơn vị, trị giá 992.2 tỷ đồng thì các mã HBB, PVX, VND dẫn đầu với hơn 4 triệu đơn vị mã.
13h30: Ngưỡng 480 điểm đang bị đe dọa
Áp lực bán quá mạnh, trong khi bên mua vẫn từ tốn khiến các chỉ số đồng loạt giảm sâu. VN-Index có lúc rớt mất ngưỡng 480 điểm và HNX-Index tiền về gần ngưỡng 81 điểm.
Giao dịch tăng trưởng, nhưng khá chậm, cho thấy lực cầu bắt đáy vẫn chưa thực sự mạnh. Theo đó, HOSE có 100 triệu đơn vị chuyển nhượng lúc 13h34, trị giá 1,458 tỷ đồng và HNX có 67.85 triệu đơn vị, tương đương 745 tỷ đồng. Số lượng mã chứng khoán giảm giá chiếm áp đảo, với hơn 200 mã tại HOSE và trên 240 mã tại HNX.
Thống kê cổ phiếu theo vốn hóa sẽ thấy nhóm Large Cap vẫn giữ giá nên chỉ giảm 0.82%, các nhóm khác như Mid Cap và Small Cap giảm đến 2%. Nhóm Micro Cap cũng mất 1.76%.
13h25: Sợ giảm sâu, bên bán đẩy mạnh chốt lời
Tiếp theo đà sụt giảm buổi sáng, cùng với thanh khoản xuống thấp, nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra do lo ngại thị trường có thể điều chỉnh sâu càng làm cho sắc đỏ lan rộng. Các chỉ số theo đó cũng sụt giảm mạnh.
Các mã chủ chốt từ giá tham chiếu chuyển sang đỏ như BVH, MSN, HAG, SBT… tại HOSE và VND, KLS, PVX, PVS, ACB, SCR… tại HNX làm cho các chỉ số giảm khá sâu.
Ngay cả những cổ phiếu đấu cơ như PVT, HT1 cũng ngấp nghé mức giá đỏ, rất nhiều mã khác bắt đầu giảm kịch sàn như ASP, ATA, AGD, ACC, BT6, BSI, CDC, FDC… tổng cộng gần 60 mã, nhưng chỉ có 17 mã tăng trần.
Đến 13h25, VN-Index mất 4.64 điểm, tương ứng 0.95% xuống 481.43 điểm và xu hướng vẫn còn tiếp tục.
Với HNX-Index còn giảm mạnh hơn, với mức giảm gần 2% xuống sát mốc 81 điểm.
Thanh khoản hai sàn có tăng, nhưng chưa vượt 100 triệu đơn vị mỗi sàn. Theo đó, HOSE đạt gần 90 triệu đơn vị, tương đương 1,305 tỷ đồng và HNX 61.35 triệu đơn vị, trị giá 673.5 tỷ đồng.
Thanh khoản giảm, điều gì sắp xảy ra buổi chiều?
Thị trường vẫn tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch buổi sáng mặc dù mức giảm không lớn, nhưng sắc đỏ là màu chủ đạo trên các bản điện tử, thanh khoản cũng giảm đáng kể so với các phiên trước.
Đà giảm này không nhắm vào nhóm cổ phiếu chủ chốt mà rơi vào nhóm cổ phiếu hạng vừa và nhỏ. VIC, VNM cùng với CTG, VCB, EIB tăng giá nhẹ tạo lực đỡ nhất định cho VN-Index. Do vậy, cuối buổi sáng dù có 154 mã giảm nhưng chỉ số chỉ mất 0.13 điểm, tương ứng 0.03% tạm dừng ở 485.94 điểm.
Một số mã đầu cơ vẫn còn giữ được mức giá trần như NVT, VOS, KTB, KSS, HSG, BGM, VID, CSG, BMI… tổng cộng 23 mã.
Giao dịch toàn sàn đạt khoảng 75.5 triệu đơn vị, tương đương 1,084 tỷ đồng. Trong đó riêng các mã NVT, VOS, PVT, HT1, KMR đã có gần 17 triệu đơn vị. Các mã vốn hóa lớn đều có giao dịch khá thấp.
Thanh khoản ở HNX chỉ ở mức thấp với 47.35 triệu đơn vị, tương đương 522.42 tỷ đồng. Số lượng mã giảm giá chiếm áp đảo, với hơn 170 mã, còn lại chỉ có 88 mã tăng và 139 mã đứng giá. Các mã giao dịch nhiều nhất là VND, HBB, SCR cũng chỉ có khoảng 2 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Với đà giảm này, HNX-Index mất 0.55 điểm, tương ứng 0.66% xuống 82.66 điểm.
Sau 10h00: Dồn dập mua cổ phiếu “hot” bất chấp rủi ro
Tin tưởng vào triển vọng của thị trường, bên mua đã đẩy mạnh lực cầu với những cổ phiếu đã có sóng mạnh bất chấp rủi ro, đặc biệt tại sàn HOSE giúp thị trường đảo chiều tăng điểm.
Những cổ phiếu như NVT, VOS, PVT, KSA, HT1, KMR, SSI, ASM, KSS, HSG, FMC… vẫn được nhà đầu tư săn đuổi khá nhiều, khiến lượng giao dịch tăng lên chóng mặt. NVT lúc 10h24’ đã có hơn 8 triệu cổ phiếu khớp lệnh với giá trần và dư mua trần hơn 560 ngàn đơn vị, VOS cũng khớp lệnh hơn 3.7 triệu đơn vi và PVT gần 2 triệu đơn vị.
Dù mới có 78 mã tăng giá, trong khi vẫn còn 136 mã giảm, VN-Index vẫn tăng nhẹ 0.27 điểm lên trên 486 điểm và xu hướng vẫn tiếp tục, trong khi các mã tứ trụ vẫn đứng yên tại mốc tham chiếu.
Những mã tạo lực đỡ cho VN-Index lúc này có VCB, VSH, GMD, CTG, HPG, HAG, đặc biệt là SBT tăng giá sau vài phiên giảm sàn liên tục.
Thị trường có 53 triệu đơn vị chuyển nhượng, trị giá hơn 725 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu thuộc VN30 chỉ chiếm gần 8.6 triệu đơn vị, xấp xỉ 220 tỷ đồng.
Trái ngược với tâm lý của nhà đầu tư, một số môi giới ở các công ty chứng khoán cho rằng thị trường đang có nhiều rủi ro. Do vậy thời điểm này nhà đầu không nên tham gia ồ ạt, nếu có chỉ nên lựa chọn một số mã cơ bản tốt để đầu tư dài hạn.
9h45: Áp lực bán tăng, cổ phiếu giảm chiếm đa số
Áp lực bán ra lại gia tăng khiến cả thị trường đảo chiều giảm điểm. Số mã tăng giá không còn áp đảo như các phiên trước. Nhà đầu tư dường như lo ngại bởi thông tin xem xét tăng giá điện của Bộ Tài chính.
Sau 9h30, lần lượt HNX-Index rồi VN-Index đều đảo chiều giảm điểm. Trong đó, HNX-Index giảm điểm khá mạnh. Đến 9h45, VN-Index mất hơn 1 điểm, tức khoảng 0.21% lùi về 485.05 điểm, trong khi HNX giảm 0.6 điểm, tương ứng 0.72% lùi về 82.63 điểm. Nhìn chung, xu hướng điều chỉnh chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Giao dịch tại HOSE vẫn duy trì mức khá với gần 28.5 triệu đơn vị tương đương 365 tỷ đồng và nhanh chóng nâng lên hơn 33 triệu đơn vị, với trên 420 tỷ đồng. Ở HNX, giao dịch khá lình xình, với 16.45 triệu đơn vị lúc 9h45, và nâng lên hơn 18 triệu đơn vị sau 5 phút, trị giá khoảng 200 tỷ đồng.
Trên hai sàn, số mã giảm đều lấn át số lượng tăng giá. Cụ thể, ở HOSE là 126/80 mã và HNX là 131/74, xu hướng này đang dần nới rộng cùng với áp lực bán gia tăng.
Thống kê cho thấy, các mã chủ chốt như BVH, MSN, VNM, VIC, CTG, EIB, REE, HPG… và một loạt mã vốn hóa lớn ở HNX như VND, KLS, PVX, ACB, PVS… lần lượt quay về mốc tham chiếu, trong khi SSI, DPM, CII, SJS, PVD, HAG… điều chỉnh giảm.
Cổ phiếu khoáng sản không tăng trần như trước mà có sự phân hóa đáng kể với BMC, KTB giảm biên độ tăng, KSS, BGM vẫn tăng trần, còn KSA tiếp tục bị bán sàn. Trong khi đó, NVT vẫn giữ mức tăng kịch trần và dư bán đang dần được vét sạch, VOS, HT1, KMR, FMC… duy trì mức tăng nhẹ.
Mở cửa: Xả hàng cổ phiếu “hot”, khoáng sản lại đua trần
Thị trường ngày cuối tuần mở cửa trong sắc xanh, tuy nhiên cả bên bán và bên mua đều hết sức thận trọng. Các chỉ số tăng nhẹ chủ yếu nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn hỗ trợ, trong khi có khá nhiều mã giảm và đứng giá. Giao dịch trên thị trường cũng không đủ mạnh.
Khoảng 15 phút mở cửa, thị trường có dấu hiệu giằng co nhẹ, tuy nhiên nhờ mức tăng của BVH, MSN, CTG, VCB và một vài mã cổ phiếu vốn hóa lớn tại HOSE giúp VN-Index ghi nhận mức tăng 1.61 điểm, tương ứng 0.33% lên 487.68 điểm. Giao dịch đạt khoảng 7 triệu đơn vị, tương đương 80 tỷ đồng.
Đáng chú ý, những mã đầu cơ mạnh vài ngày qua đã không còn tăng trần, điển hình như NVT đã có hơn 2.5 triệu đơn vị bán ra với giá trần, dư mua trần được tiêu thụ hết khi cổ phiếu này chạm mốc 5,000 đồng/cp. Tương tự, mã KMR, HT1 cũng chỉ tăng nhẹ, và không còn dư mua trần. Một vài mã khác có dấu hiệu chốt lời.
Trong khi đó, một vài mã khoáng sản trở lại đua trần sau vài phiên điều chỉnh giảm sàn, điển hình là KTB, KSS, BMGG. Một số mã khác cũng tăng hết biên độ gồm CSG.
HNX-Index nhích nhẹ 0.13 điểm, tương ứng 0.16% lên 83.36 điểm. Giao dịch đạt khoảng 4.3 triệu đơn vị, trị giá gần 39 tỷ đồng. Thị trường được hỗ trợ bởi ACB, VND, BVS và một vài mã cổ phiếu lớn khác tăng nhẹ.
Các mã cổ phiếu khoáng sản tại sàn này vẫn chưa bật trở lại ngoại trừ CMI tiếp tục với xu hướng tăng trần, còn BKC cũng tăng hết biên độ sau 3 phiên điều chỉnh dù trước đó công ty này và cả kế toán trưởng đều công bố một lượng lớn cổ phiếu BKC.
Viết Vinh (Vietstock)
FINFONET
|