Thứ Sáu, 11/05/2012 19:19

Chứng khoán Tuần 07 - 11/05: Tranh thủ chốt lời

Hiện tượng chốt lời nhanh chóng lan rộng nhằm bảo toàn mức sinh lợi hấp dẫn có được trước đó. Tâm điểm xả hàng vẫn là những cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua.

 

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 07 – 11/05/2012

Giao dịch: VN-Index tính tổng cộng cả tuần tăng 0.79% và đang ở mức 480.10 điểm, HNX-Index tăng 0.38% lên 81.58 điểm. VS 100 tăng mạnh 2.3% đang ở 79.78 điểm và VN 30 tăng 1.00% đứng tại 547.94 điểm.

VS-Micro Cap tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 4.72%, tiếp theo là VS-Small Cap tăng 3.55%, VS-Mid Cap tăng 3.15%, VS-Large Cap tăng 1.51%.

Thanh khoản thị trường gia tăng nhẹ trong tuần qua khi khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình phiên trên HOSE tăng 8% so với tuần trước đó, đạt 112.7 triệu đơn vị; khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên HNX cũng tăng 2% so với tuần trước đó, đạt 93 triệu đơn vị.

Vượt ngưỡng kháng cự thành công trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cùng với các chính sách vĩ mô được nới rộng đã tạo niềm tin cho giới đầu tư về chu kỳ tăng trưởng mới. Thị trường đã nhanh chóng bật tăng mạnh mẽ trong các phiên giao dịch đầu tuần.

Như thường lệ thì nhóm cổ phiếu Chứng khoán, Khai khoáng vẫn là tâm điểm trong các phiên giao dịch bứt phá.

Bên cạnh đó, sự khởi sắc của hàng loạt cổ phiếu dầu khí ”P” cũng khiến giới đầu tư chú ý. Có thể cú hích tư việc PVGas sẽ niêm yết trên HOSE vào ngày 21/5 là động lực cho các cổ phiếu cùng ngành.

Khác với kỳ vọng của giới đầu tư, thị trường đã không thực sự bứt phá mạnh như mong đợi mà nhanh chóng đi vào điều chỉnh. Có thể thấy đợt điều chỉnh bắt nguồn từ đà giảm của nhóm cổ phiếu chủ chốt.

Việc nhóm cổ phiếu này sụt giảm đã kéo theo đà giảm của thị trường và khiến tâm lý thận trọng của giới đầu tư quay trở lại. Hiện tượng chốt lời nhanh chóng lan rộng nhằm bảo toàn mức sinh lợi hấp dẫn có được trước đó. Tâm điểm xả hàng vẫn là những cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian qua.

Biên độ dao động của thị trường trong các phiên điều chỉnh khá mạnh. Điều này cho thấy sự phân vân của cả bên bán và mua. Bên cạnh đó, sự rung lắc của thị trường cũng giúp hoạt động trading ngắn hạn thu được các kết quả tích cực.

Mặc dù thị trường diễn biến xấu đi, nhưng giao dịch vẫn giữ được những tín hiệu khá tích cực như thường thấy gần đây:

(1) Ngân hàng, Bất động sản cùng các nhóm ngành liên quan như SX Tôn thép, SX Vật liệu xây dựng đã lần lượt nổi sóng làm trụ đỡ cho thị trường trong các phiên giảm điểm.

(2) Lực cầu duy trì sự tích cực khi đã thể hiện tính hấp thụ cổ phiếu khá cao trong các phiên điều chỉnh. Điều này cho thấy các nhà đầu tư dài hạn và đến sau không ngần ngại gia tăng nắm giữ cổ phiếu trong các phiên giảm điểm của thị trường.

Phiên cuối tuần tiếp tục giảm điểm đã khiến các chỉ số đã rớt về sát ngưỡng kháng cự trước đây. Tuy vậy, đáng chú ý là một số cổ phiếu Chứng khoán và Khai khoáng đã tăng điểm tích cực trở lại.

Nhà đầu tư nước ngoài: Giới đầu tư nước ngoài vẫn duy trì qua điểm mua vào trong tuần qua. Mặc dù có sự dè dặt trong các phiên tăng điểm đầu tuần, nhưng họ đã rủ bỏ sự thận trọng để đẩy mạnh mua ròng trên HOSE trước xu hướng chốt lời trong phiên giao dịch cuối tuần.

Tính tổng cộng, giá trị mua ròng tuần qua trên HOSE của khối ngoại đạt 193.7 tỷ đồng. Họ mua ròng mạnh nhất HAG với gần 1.8 triệu cổ phiếu, tương ứng với 53.7 tỷ đồng. Tiếp theo là HPG với 36.5 tỷ đồng và STB với 34.2 tỷ đồng. Trong khi đó, họ bán ròng mạnh nhất PHR với 39.1 tỷ đồng và VIC với 21.4 tỷ đồng.

Giá trị mua ròng của khối ngoại trên HNX đạt 30.3 tỷ đồng. Họ gom ròng mạnh nhất PGS với 30.1 tỷ đồng và HBB với 18.8 tỷ đồng; trong khi bán ròng mạnh nhất KLS với 19.9 tỷ đồng và BVS với 17 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý: Chỉ có 3/24 ngành giảm điểm trong tuần qua. Bảo hiểm giảm mạnh nhất với mức giảm 2.73%. Tiếp theo là Dược phẩm giảm 1.11%, Nông – Lâm  – Ngư giảm 1.03%.

DV Lưu trú – Giải trí bất ngờ tăng điểm mạnh với mức tăng 10.23%. Tiếp theo là SX Vật liệu xây dựng tăng 8.40% - mức tăng mạnh của ngành này có thể xuất phát từ việc được hưởng lợi từ gói hỗ trợ sắp tới của Chính phủ

Bất chấp các phiên cuối tuần đảo chiều, các ngành nóng đều tăng khá tốt: Ngân hàng tăng 5.12%, Chứng khoán tăng 3.42%, Khai khoáng tăng 3.26%, Bất động sản tăng 1.48%; trong khi đó Xây dựng tăng nhẹ 0.53%.

Nhóm cổ phiếu giao dịch tích cực trong tuần qua gồm có: HOSE: NVT tăng 25%, VOS tăng 23.08%, HVG tăng 20.33%; và HNX: BVG tăng 34.88%, UNI tăng 33.64%, S99 tăng 28.95%.

NVT tăng 25% có thể xuất phát từ thông tin kết quả kinh doanh quý 1/2012, khi lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.02 tỷ đồng. Mặc dù ít nhưng cũng khả quan hơn khi KQKD hợp nhất 6 quý gần đây của NVT đều mang dấu âm.

Tuy nhiên, cần để ý rằng nguồn lợi nhuận có được trong quý 1 chủ yếu đến từ doanh thu tài chính 2.57 tỷ đồng, trong khi doanh thu hoạt động chính trong quý 1 là 0 đồng.

Năm 2012, NVT đặt kế hoạch khá khiêm tốn với tổng doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 190 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất chỉ vỏn vẹn 3.2 tỷ đồng.

VOS tăng 23.08%. Kết quả kinh doanh quý 1/2012 của VOS không khả quan khi doanh thu đạt gần 554 tỷ đồng giảm 19.12% so với cùng kỳ năm ngoái, và lợi nhuận sau thuế lỗ gần 60 tỷ đồng. Như vậy, việc VOS tăng mạnh trong tuần qua có lẽ xuất phát chủ yếu từ yếu tố đầu cơ nhắm vào các cổ phiếu có thị giá nhỏ đang diễn ra gần đây.

HVG tăng mạnh 20.33%. Việc HVG được đẩy mạnh mua vào nhiều khả năng xuất phát từ KQKD quý 1 khả quan, khi doanh thu thuần đạt 1,813 tỷ đồng tăng nhẹ 2.9% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 121.5 tỷ đồng, tăng tới 14.5% so với cùng kỳ năm 2011. Ngày 17/5 tới đây, HVG sẽ chốt quyền nhận cổ tức 10% bằng tiền mặt. Gần đây, HVG cũng cho biết sẽ thâu tóm FBT -  điều này cho thấy nguồn lực tài chính của HVG đang khá dồi dào.

BVG tăng mạnh 34.88%. Việc BVG tăng mạnh có lẽ không xuất phát từ KQKD quý 1/2012 khi BVG lỗ 1.55 tỷ đồng.

Nhiều khả năng việc tăng trưởng của giá cổ phiếu BVG xuất phát từ (1) dòng tiền đầu cơ tập trung vào các cổ phiếu có thị giá nhỏ và chưa tăng mạnh trong thời gian qua (2) kỳ vọng từ gói hỗ trợ của chính phủ trong thời gian sắp tới.

UNI tăng 33.64%. Qúy 1/2012, doanh thu của UNI đạt 13.3 tỷ đồng, tăng mạnh 2.1 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 3.4 tỷ đồng, tăng gần 3.9 lần. Với KQKD khá ấn tượng trong quý 1/2012, không quá khó hiểu khi cổ phiếu này tăng mạnh trong thời gian qua.

S99 tăng mạnh 28.95%. Việc tăng mạnh của S99 cũng có thể xuất phát từ KQKD quý 1/2012 khá ấn tượng. Doanh thu đạt 22.1 tỷ đồng tăng 29.2% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 1.3 tỷ đồng tăng 44.4 %.

Ở phía giảm điểm trên HOSE, nhóm cổ phiếu Khai khoáng bị xả hàng mạnh sau một thời gian dài tăng nóng: KSA giảm 20.18%, KSB giảm 15.09%, BMC giảm 9.03% (và BKC trên HNX giảm 15.54%); bên cạnh đó là PTC giảm 13.79%.

Trên HNX, VIGTHV giảm điểm mạnh cùng 17.14%, BKC giảm 15.54%.

Trước áp lực chốt lời gia tăng thì việc nhóm cổ phiếu Khai khoáng giảm mạnh trong tuần qua là điều không qúa khó hiểu đối với giới đầu tư; khi mức sinh lời của nhóm cổ phiếu này đạt được là rất cao trong thời gian qua .

PTC giảm 13.79%. PTC giảm mạnh một phần xuất phát từ xu hướng điều chỉnh khi cổ phiếu này đã tăng mạnh nhưng tuần trước đây. Ngoài ra, có lẽ KQKD quý 1 không thực sự tốt cũng khiến cho giới đầu tư thất vọng. Doanh thu quý 1 của PTC đạt 6.09 tỷ đồng chỉ bằng 24.8% so với cùng kỳ, lợi nhuận chỉ đạt 0.161 triệu đồng.

VIG giảm 17.14%. Với việc có tên trong danh sách bị kiểm soát đặc biệt thì không quá khó hiểu khi VIG bị các nhà đầu tư xả hàng mạnh. Bên cạnh đó, KQKD quý 1 của VIG cũng không mấy khả quan khi lỗ tiếp 85.7 tỷ đồng.

THV giảm 17.14%. Việc THV chỉ thu được 6 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế âm 53 tỷ đồng trong quý 1/2012 thì cổ phiếu này bị xả hàng là điều có thể nhận biết được.

Việc tiến hành đại hội cổ đông của THV cũng không mấy suôn sẻ khi đại hội lần 1 bất thành với chỉ 52.67% cổ đông tham dự.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK

FINFONET

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật