Thứ Năm, 19/04/2012 21:55

Sẽ không có gói cứu trợ doanh nghiệp toàn diện như 2009

Dù không có gói cứu trợ toàn diện như năm 2009 nhưng Chính phủ cũng đang có những chính sách để doanh nghiệp không bị “ngất” trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực để tạo rủi ro thành cơ hội.

TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay ở mức 6% sẽ không đạt, còn kiềm chế lạm phát dưới 10% thì có thể đạt được. - Hình: SGTT

Không có gói cứu trợ toàn diện như 2009

Nhìn nhận về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương cho rằng, nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ, đình đốn. Điều này thể hiện rất rõ khi trong quý 1, nhập khẩu xăng dầu giảm và tình trạng thừa điện diễn ra, đồng thời sức mua giảm liên tục trong 7 tháng qua, khiến hàng tồn kho tăng liên tục. Đây có thể là thời điểm đáy của sản xuất kinh doanh trong năm 2012.

Với tình hình này, ông cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay ở mức 6% sẽ không đạt, còn kiềm chế lạm phát dưới 10% thì có thể đạt được.

Cũng tại Diễn đàn kinh doanh thường niên lần thứ 3 do báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức sáng 19/04, TS Thành cho biết, trong tuần qua đã có 3 cuộc họp ở cấp Chính phủ bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, giảm thuế cho doanh nghiệp. Thứ hai, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với trái phiếu chính phủ, nguồn vốn ODA. Đồng thời, xem xét bỏ trần lãi suất, giảm lãi suất. Dự kiến trong tháng 5 sẽ xử lý xong 9 ngân hàng đang bị Ngân hàng nhà nước giám sát. Khi đó, trần lãi suất có thể được xóa bỏ. Ngoài ra, có thể khoanh nợ, cơ cấu nợ, tạo dựng quỹ ngân sách để bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện cơ quan quản lý cũng đang xem xét mở room cho nhà đầu tư nước ngoài trên mức 49%.

Như vậy, “chắc chắn sẽ không có một gói giải cứu cho doanh nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và đầy đủ bởi nguồn lực của Chính phủ không như năm 2009” – TS Thành cho biết.

Cùng nhận định với TS Thành, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: “Chưa bao giờ thị trường vốn khó khăn, méo mó và phức tạp như bây giờ bởi ba tác động kinh tế như lạm phát cao 2008, giảm phát 2009 và bây giờ thiểu phát cao".

Năm 2011-2012, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… và đã thành công khi kiềm chế lạm phát và chắc chắc đạt được mục tiêu 8-9%. Tuy  nhiên do tập trung cao vào lạm phát nên chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh, dẫn đến hệ lụy mới là thanh khoản ngân hàng, thanh khoản doanh nghiệp và toàn thị trường thiếu hụt trầm trọng, các loại chi phí tăng lên, tồn kho tăng mạnh, số doanh nghiệp phá sản ngày càng tăng khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể “ngất”. Như vậy cần nhìn nhận việc kiềm chế lạm phát có quá đà không, hay phản ứng phụ nên phải chấp nhận và giải quyết.

Như vậy, vấn đề này cần giải quyết thế nào? Theo ông, nếu sang năm lạm phát được kéo về 9% thì vẫn còn gấp 3 lần thế giới. Còn nếu để tăng trưởng dưới 5% thì vấn đề xã hội lớn nhất là việc làm.

Chính phủ cũng cần khắc phục, giải quyết nút thắt nền kinh tế đồng bộ, triệt để cụ thể là:

- Chống lạm phát để giảm lãi suất, giải quyết tồn kho cho doanh nghiệp. Lãi suất tiền vay đưa về 13-14%, bỏ lãi suất trần huy động và cho vay, cố gắng giữ tỷ giá như hiện nay.

- Tiến hành miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp có điều kiện đầu tư (bên cạnh việc vẫn tiếp tục giãn, hoãn thuế).

- Giảm phí, điều chỉnh giá đầu vào cho doanh nghiệp, như thế doanh nghiệp mới có thể giảm tồn kho tạo nên sức mua…

- Đi vào vấn đề cốt lõi là thị trường bất động sản, chứng khoán, hàng tiêu dùng. Cho xì bong bóng tài chính theo đúng ý đồ.

“Dò đá qua sông” và kèm cây vợt

Trong bối cảnh đó, theo ông Lý Xuân Hải – Tổng Giám đốc ACB, bức tranh kinh tế đang u ám, nhưng doanh nghiệp phải biết chiến thắng sự sợ hãi. “Dò đá qua sông” và kèm cái vợt để dành lấy nhiều cơ hội.

Ông Hải cũng chia sẻ thêm, theo khảo sát, 30-35% doanh nghiệp vừa và nhỏ được vay vốn khi tiếp cận ngân hàng, 35% gặp khó khăn, 30% không thể tiếp cận nguồn vốn.

Trong đó, lý do doanh nghiệp không tiếp cận được vốn là thủ tục rườm rà, tài sản thế chấp không đủ, không chứng minh được thu nhập, lãi suất cao, không có khả năng tạo thu nhập trả nợ, tâm lý không tự tin vào tương lai nên không muốn mở rộng kinh doanh…

Như vậy, yếu tố lãi suất không phải là trọng yếu mà là thủ tục, tài sản đảm bảo và dòng tiền thu nhập là rào cản lớn đối với doanh nghiệp.

Ông cho rằng, doanh nghiệp thiếu sự minh bạch về thông tin tài chính cũng như trong các thông tin khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh và không khoa học về quản lý tài chính. Doanh nghiệp cũng không thẳng thắn nói ra những điểm yếu trong kinh doanh mà chủ yếu nói về điểm mạnh, đôi khi thổi phồng năng lực tài chính. Đồng thời không có định hướng và năng lực xây dựng các chương trình kinh doanh dài hạn. Sự uyển chuyển trong kinh doanh bị lẫn lộn với thiếu ngành nghề cốt lõi và tính cơ hội trong đầu tư. Doanh nghiệp cũng thiếu kỷ luật trong cam kết tài chính và tùy tiện trong quản lý dòng tiền.

Theo TS Thành, doanh nghiệp phải bươn chải và trưởng thành. Nghĩa là phải thay đổi cách nhìn, có ý tưởng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thân thiện với xã hội. Bởi lòng tin của người tiêu dùng rất quan trọng với doanh nghiệp để từ đó có thể dễ dàng huy động vốn. Ngoài ra, nếu muốn cạnh tranh, doanh nghiệp phải giữ lấy ý tưởng, thông tin và người lao động. Phải có sự kết nối, chia sẻ và chuỗi giá trị thì sẽ gia tăng sức mạnh.

Hiện doanh nghiệp đang thờ ơ với công cụ phòng chống rủi ro, vì thế cần giảm tính bất định và tăng tính xác định.

Cuối cùng là doanh nghiệp phải hiểu bong bóng tài chính, phải biết sống với nợ nần và phải chứng minh có khả năng trả nợ.

Còn theo ông Kiêm, doanh nghiệp phải dự báo, quan sát được tình hình để xác định chiến lược kinh doanh, khắc phục những yếu điểm và phát huy thế mạnh kinh doanh… tranh thủ chớp thời cơ, ý thức hoạt động cộng đồng để tạo hiệu ứng đối với xã hội và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý phải hợp tác với doanh nghiệp để cùng “chạy”, tức tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường, điều kiện tốt để phát huy sản xuất.

Thanh Nụ (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   TPP và Việt Nam: Kinh tế hay chiến lược? (19/04/2012)

>   Chông chênh... pháp lý (19/04/2012)

>   Ngành nhựa có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8/2012 (19/04/2012)

>   Lỗ hổng chính sách và câu chuyện loại bỏ độc quyền! (19/04/2012)

>   Doanh nghiệp Nhà nước phải theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu (19/04/2012)

>   2012: Dệt may sẽ tăng trưởng 25%? (19/04/2012)

>   Nhiều đơn hàng nhựa chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam (19/04/2012)

>   Quảng Ngãi khởi động lại dự án thép 4,5 tỉ USD (19/04/2012)

>   Khánh thành nhà máy phong điện đầu tiên tại Bình Thuận (19/04/2012)

>   Trung tâm bán lẻ và những “cái chết” được báo trước (19/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật