Thứ Năm, 19/04/2012 08:19

Trung tâm bán lẻ và những “cái chết” được báo trước

Thông tin siêu thị điện máy WonderBuy ở TP HCM vừa tuyên bố phá sản do lỗ đến 52 tỉ đồng trong vòng một năm hoạt động gióng thêm một hồi chuông cảnh báo đối với các DN phân phối bán lẻ của Việt Nam.

Danh sách các DN phân phối bán lẻ phá sản có thể sẽ còn nối dài trong tương lai gần

Trước đó Fivimart đã phải đóng cửa siêu thị cuối cùng (tại quận 7- TP HCM). Xa hơn, siêu thị Satra Bàu Cát đã ngưng hoạt động trong năm 2011. Có tính hệ thống hơn nữa là sự sụp đổ G7 Mart. Mặc dù được chuẩn bị rất kỹ và đặt kỳ vọng rất lớn là sẽ hỗ trợ mạnh mẽ chiến lược phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa làm đối trọng với các tập đoàn phân phối nước ngoài nhưng chỉ sau một thời gian ngắn nó đã biến mất trên thị trường.

Bài học từ siêu thị và mía đường

Chưa dừng tại đó, nhiều siêu thị lớn khác cũng đang trong tình trạng “cầm hơi” khi mà hàng tồn kho đang chất đống. Và như vậy rất có thể danh sách các DN phân phối bán lẻ phá sản sẽ còn nối dài trong tương lai gần.

Trái ngược với bức tranh đầy u ám của các nhà phân phối, bán lẻ trong nước là viễn cảnh sáng lạn của các nhà phân phối, bán lẻ nước ngoài đang có mặt tại VN. Không nói đến yếu tố vốn, kinh nghiệm, công nghệ… mà một trong những khâu then chốt quyết định thành công đó là vị trí cũng đã bị các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài thâu tóm nên việc họ “bách chiến bách thắng” là điều dễ hiểu.

Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng những “cái chết” đang và sẽ của các DN phân phối bán lẻ trong thời gian gần đây có vẻ như đều rất tức tưởi. Nhưng nếu xem xét kỹ lại thấy đây là “cái chết được báo trước”. 

Theo cam kết WTO, từ ngày 1/1/2009,  VN đã  mở cửa hoàn toàn ngành thương mại bán lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi đó, thậm chí là trước đó, rất nhiều DN trong lĩnh vực phân phối và các chuyên gia đã cảnh báo về khả năng “thua” trên chính sân nhà nếu như chúng ta không có những chính sách phù hợp thúc đẩy hệ thống thương mại nội địa phát triển. Nhưng với thực trạng các địa phương ồ ạt cho các tập đoàn phân phối bán lẻ vào chiếm lĩnh những vị trí đắc địa thì rất nhiều người đã hình dung về một kết quả không có hậu cho các DN phân phối bán lẻ của VN.

Một lĩnh vực cũng đang chịu tác động rất lớn từ cam kết WTO đó là mía đường. Năm 2012 các DN  trong nước đăng ký mua hơn 200.000 tấn đường sản xuất tại VN. Tuy nhiên, lượng đường đăng ký nhập khẩu lên đến 268.000 tấn. Trong khi đó  giá đường nhập khẩu đang có xu hướng rẻ hơn giá đường trong nước. Giá đường nhập khẩu rẻ là do thuế nhập khẩu giảm khi gia nhập khu vực mậu dịch tự do khiến các DN sản xuất đường trong nước lao đao. Hiện, chỉ có 5% và tiến tới 0% trong năm 2013. Khả năng đường nội bị hạ “đo ván” trên sân nhà là rất lớn. Việc giảm thuế chúng ta có lộ trình, nhưng có vẻ như các DN vẫn bất ngờ hay nói cách khác là các DN chẳng thể tự xoay sở được tình thế.

Kế hoạch muộn đến bao giờ?

Không phải chúng ta không biết vì sao chúng ta thất bại, thậm chí những thất bại đó đã được tiên lương trước. Bản thân ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại đã từng thừa nhận: Thất bại lớn nhất trong suốt hai nhiệm kỳ tôi làm bộ trưởng là không xây dựng và phát triển được hệ thống phân phối nội địa. Đã là quá muộn trong việc xây dựng đề án phát triển ngành thương mại nội địa. Nhưng muộn còn hơn không! Kinh nghiệm cho thấy, nếu không có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành chức năng thì đề án sẽ khó thành hiện thực.

Ông Tuyển đã dám nhìn thẳng vào sự thật dù đó là một sự thật đáng buồn. Vậy nhưng gửi gắm của người tiền nhiệm về chiến lược xây dựng phát triển hệ thống phân phối bán lẻ đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ là ý tưởng. Chúng ta có lộ trình nhưng lại không xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai lộ trình đó.

Vài tháng nữa, VN sẽ tròn 5 năm là thành viên chính thức của WTO. Vẫn biết sự thất bại hay thành công của DN phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân DN. Nhưng nếu chỉ là nguyên nhân từ phía DN thì nó cũng chỉ là những thất bại đơn lẻ còn với “cái chết hàng loạt” mang tính hệ thống của các DN phân phối bán lẻ thì quả đáng là điều để các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ.

Trong một cuộc hội thảo về WTO cách đây không lâu, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: 5 năm vừa qua trong một điều kiện không bình thường với nhiều cú sốc từ bên ngoài cho đến những sai lầm chính sách bên trong đã giúp bộc lộ rõ thực chất của nền kinh tế VN hơn. Điều đầu tiên mà chúng ta nhận ra đó là: Hội nhập là cần thiết, không thể thiếu nhưng đây chỉ là đều kiện cần nhưng chưa đủ của tiến trình phát triển bền vững mà phải kết hợp với cải cách bên trong.

Một câu hỏi rất lớn được đặt ra là chúng ta đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập nếu như các nhà hoạch định chính sách và quản lý không có trách nhiệm đối với các cam kết cũng như lộ trình đã vạch ra?

Phan Nam

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Ế ẩm: Dân buôn ôtô cũ lỗ nặng (19/04/2012)

>   Xuất khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ gần 5,5 tỉ USD (19/04/2012)

>   Ra cửa xuất khẩu là gặp rào cản! (19/04/2012)

>   4 doanh nghiệp đầu mối đề nghị tăng giá xăng dầu (18/04/2012)

>   Gỡ khó cho các doanh nghiệp xây lắp (18/04/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp chưa biết cách tự vệ (18/04/2012)

>   Hứa hẹn dòng vốn nước ngoài vào ngành dệt, nhuộm (18/04/2012)

>   Tập đoàn Nhật tham gia dự án thép tại Dung Quất (18/04/2012)

>   TKV: Lượng than tồn kho đã vượt mức 7 triệu tấn (18/04/2012)

>   Đói vốn xuất khẩu cá tra (18/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật