Thứ Năm, 19/04/2012 21:55

TPP và Việt Nam: Kinh tế hay chiến lược?

Song song với hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – EU (FTA), hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP) là vòng đám phán thương mại quan trọng nhất mà Việt Nam hiện nay đang theo đuổi. Mục tiêu của hiệp định là kết nối mười nền kinh tế tại khu vực Thái Bình Dương bao gồm Úc, Brunei, Chile, Malaysia, Nhật Bản, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam thành một vòng cung khép kín với tự do mậu dịch đóng vai trò động cơ.

Dưới góc nhìn kinh tế, Việt Nam có thể là nước đạt được nhiều lợi ích nhất từ hiệp định TPP. Công trình “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và hội nhập châu Á Thái Bình Dương: đánh giá định lượng” của GS Peter Petri cùng các đồng sự, chỉ ra rằng tham gia TPP nước ta sẽ có năm lợi thế chính. Ba yếu tố đầu tiên (i) quan hệ thương mại mạnh với Mỹ, (ii) lợi thế cạnh tranh trong các ngành dệt may – giày dép, và (iii) tỷ lệ bảo hộ còn cao từ nước ngoài với hàng Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu khi TPP hình thành. Hai yếu tố tiếp theo (iv) tỷ lệ bảo hộ trong nước cao, và (v) phạm vi ảnh hưởng lớn đối với các ngành sản xuất chính sẽ giúp kích thích thu nhập từ sản xuất trong nước.

Dưới góc nhìn chiến lược, TPP là phép thử cho các mô thức phát triển khác nhau đang song song cùng tồn tại. Mà tiêu biểu nhất là ý tưởng xây dựng khối kinh tế “châu Á của người Á” và ý tưởng một khu vực kinh tế “châu Á – Thái Bình Dương mở rộng”. Trung Quốc đã đi đầu bằng nỗ lực thiết lập khu mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA, ASEAN China Free Trade Agreement) gây được chú ý đặc biệt, vì lưu chuyển một xung lực mạnh mẽ của kinh tế thế giới, cùng các con rồng, con hổ mới nổi trong vùng. Nhật Bản bước theo sau bằng con đường song phương “một kèm một”. Không kể người bạn hàng xóm Hàn Quốc, Chính phủ Tokyo đã ký kết hiệp định đối tác kinh tế toàn diện với bảy nước trong khối ASEAN bao gồm Brunei, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam. Bên cạnh đó là dòng chảy hội nhập tài chính tiền tệ giữa ASEAN và ba nước Đông Bắc Á: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sau khủng hoảng châu Á năm 1997, khiến cho nhiều ý kiến tin rằng kịch bản đầu tiên đang thắng thế.

Ý tưởng “châu Á của người Á” về mặt thực tế đụng phải một vấn đề chính. Trong mối tương quan được định hình bởi “sự bất đối xứng quyền lực” thì một hiện tượng rất thường xuyên xảy ra là “bất đối xứng trong mức độ tổn thương”. Hiểu nôm na là một quyết định của nước yếu hơn, nhỏ hơn chẳng có tác động gì ghê gớm đến nước lớn, trong khi đó một cái nhảy mũi, hay một cái hắt xì của anh khổng lồ, dù vô tình hay cố ý, có thể gây điêu đứng cho bạn láng giềng nhỏ kế bên. Á châu bao gồm nhiều nước mạnh, nhưng chưa có cơ chế liên kết mạnh, hay chưa có một quốc gia nào đủ mạnh (về khả năng, cũng như về ý chí) để thúc đẩy sự hoạt động các cơ chế. Dù cho đó là ASEAN, Nhật Bản hay cường quốc đang lên Trung Quốc, một đối lực bên ngoài giữ vai trò “người cân bằng xa bờ” là cần thiết.

Ở góc nhìn bên trong, đàm phán TPP có thể sẽ là một thách thức cho Việt Nam, khi – không chỉ giới hạn trong vấn đề cắt giảm thuế quan – nhiều đề nghị về việc mở rộng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay hạn chế vai trò doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế quốc doanh nằm trong lịch trình thảo luận chính. Đây là những vấn đề còn tồn tại sự lệch pha lớn giữa hai góc nhìn Việt Nam và các thành viên đàm phán khác, mà chủ yếu là với đối tác Mỹ. Trong phần giải thích của mình, phía Mỹ lập luận rằng thông qua quá trình đàm phán TPP sẽ thúc đẩy việc giảm bớt vai trò độc quyền của các tập đoàn quốc doanh, qua đó vun đắp cho khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ và tự do hơn.

Một kinh tế gia đã từng nói đại ý rằng, sức ép bên ngoài chỉ trở thành đồng thuận nếu nó tiệm cận với lợi ích mà cộng đồng bên trong đang theo đuổi. Trong bối cảnh nhu cầu tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước sau giai đoạn dài bộc lộ những yếu kém cốt lõi, quả thật lựa chọn TPP đối với Việt Nam đã vượt qua phạm trù thương mại – kinh tế đơn thuần.

Nguyễn Chính Tâm

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Chông chênh... pháp lý (19/04/2012)

>   Ngành nhựa có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8/2012 (19/04/2012)

>   Lỗ hổng chính sách và câu chuyện loại bỏ độc quyền! (19/04/2012)

>   Doanh nghiệp Nhà nước phải theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu (19/04/2012)

>   2012: Dệt may sẽ tăng trưởng 25%? (19/04/2012)

>   Nhiều đơn hàng nhựa chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam (19/04/2012)

>   Quảng Ngãi khởi động lại dự án thép 4,5 tỉ USD (19/04/2012)

>   Khánh thành nhà máy phong điện đầu tiên tại Bình Thuận (19/04/2012)

>   Trung tâm bán lẻ và những “cái chết” được báo trước (19/04/2012)

>   Ế ẩm: Dân buôn ôtô cũ lỗ nặng (19/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật