Thứ Năm, 19/04/2012 10:45

Lỗ hổng chính sách và câu chuyện loại bỏ độc quyền!

Cuộc họp thông báo kết quả sản xuất - kinh doanh quý I của Tập đoàn Dầu khí (PVN) sáng 9/4 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi người dân muốn biết Tập đoàn giải trình như thế nào về kết luận thanh tra đối với PVN vừa được cơ quan Thanh tra Chính phủ công bố trước đó.

Điều đọng lại sau cuộc họp này là nhiều vi phạm được cho là do thiếu các quy định, chế tài để giám sát việc sử dụng vốn tại các DNNN. Cũng bởi thiếu chế tài, nên việc quy trách nhiệm và xử lý sau sai phạm trở nên rất khó khăn. Điểm lại hàng loạt kết luận của Thanh tra Chính phủ thời gian qua đều cho thấy kiến nghị xử lý tài chính rất lớn như Tập đoàn Sông Đà sai phạm lên đến 10.676 tỷ đồng; Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng bị phát hiện mắc nhiều sai phạm trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và quản lý tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có số lỗ lớn kỷ lục: 10.162 tỷ đồng (năm 2010) và hàng loạt vụ lùm xùm nội bộ khác. Những vụ việc tương tự cũng đang diễn ra ở Tập đoàn Hóa chất, Agribank… Số tiền sai phạm do Thanh tra Chính phủ phát hiện ở các tập đoàn được thông báo trong cuộc họp mới đây (chưa kể 86.000 tỷ đồng của Vinashin) đã lên đến trên 30.000 tỷ đồng.

Song giải trình của các tập đoàn đều nhấn mạnh, những khiếm khuyết mà kết luận thanh tra nêu lên không phải là những sai phạm mang tính chất tham nhũng, làm thất thoát vốn nhà nước, mà là do chưa thực hiện đầy đủ quy trình, thẩm quyền.

Trong khi quyền lực của các tập đoàn hiện rất lớn, trong đó có toàn quyền sử dụng vốn nhà nước, thì lại chưa có cơ chế quy trách nhiệm rõ ràng khi có khuyết điểm, sai phạm. Trừ khi các vụ việc bộc lộ rõ tính chất tham nhũng, làm thất thoát vốn nhà nước, có cơ quan điều tra vào cuộc, việc sử dụng sai vốn nhà nước dẫn tới lãng phí hiện nay chưa có chế tài xử lý.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, các tập đoàn kinh tế nhà nước được hưởng nhiều đặc quyền như quản lý và sử dụng vốn của Nhà nước, khai thác tài nguyên của đất nước, có vị thế độc quyền trong kinh doanh và nhiều ưu đãi khác… lẽ ra phải có hiệu quả kinh doanh khả quan. Đằng này, khi thanh tra ở đâu, phát hiện thấy khiếm khuyết ở đó, chứng tỏ cơ chế quản lý và vận hành có vấn đề. Cơ chế quản lý, giám sát của Nhà nước còn chưa chặt chẽ, hiệu lực chưa cao. Cụ thể, các cơ quan giám sát, quản lý thị trường thuộc bộ, mà bộ đó lại có xu hướng bảo vệ cho các tập đoàn, tổng Cty có liên quan nên dễ dàng bỏ qua. Hoặc, đại diện chủ sở hữu trong DNNN, Bộ Tài chính quản lý cũng là chủ DN; bộ chuyên ngành cũng quản lý DN; thậm chí, hội đồng quản trị cũng một phần đại diện chủ sở hữu rồi cử một vài cá nhân làm đại diện chủ sở hữu. Cuối cùng, DNNN vẫn là sở hữu chung, không có trách nhiệm rõ ràng. Do đó, khi có sự việc xảy ra thường đổ lỗi cho nhau. Vấn đề công khai minh bạch cũng chưa có quy chế chặt chẽ, nghiêm khắc để các DNNN thực hiện.

Vì vậy, các tập đoàn kinh tế, DNNN dễ tự tung, tự tác mà không sợ chịu trách nhiệm. Kinh doanh thua lỗ đã có Nhà nước bù, hoặc xin tăng giá, không sợ phá sản DN. Cũng xuất phát từ cơ chế xin - cho cùng các mối quan hệ trên - dưới đã tạo cơ hội cho nạn tham nhũng phát triển. Theo đó, tài sản, tiền vốn của Nhà nước bị lợi dụng, thất thoát ngày một lớn vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Chính vì thế, việc tái cơ cấu DNNN, theo các chuyên gia, trước hết là phải loại bỏ mọi đặc quyền. Đồng thời, chỉ giữ lại một số DNNN then chốt ở một số ngành nhất định, chuyển những ngành, lĩnh vực kinh doanh còn lại cho các thành phần kinh tế khác tham gia, trên cơ sở có cơ chế quản lý, giám sát, kiểm soát của Nhà nước chặt chẽ, minh bạch, có hiệu lực. Có như vậy, mới tạo ra sự bình đẳng, lành mạnh giữa DNNN với DN ngoài Nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.

Công luận

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp Nhà nước phải theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu (19/04/2012)

>   2012: Dệt may sẽ tăng trưởng 25%? (19/04/2012)

>   Nhiều đơn hàng nhựa chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam (19/04/2012)

>   Quảng Ngãi khởi động lại dự án thép 4,5 tỉ USD (19/04/2012)

>   Khánh thành nhà máy phong điện đầu tiên tại Bình Thuận (19/04/2012)

>   Trung tâm bán lẻ và những “cái chết” được báo trước (19/04/2012)

>   Ế ẩm: Dân buôn ôtô cũ lỗ nặng (19/04/2012)

>   Xuất khẩu đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ gần 5,5 tỉ USD (19/04/2012)

>   Ra cửa xuất khẩu là gặp rào cản! (19/04/2012)

>   4 doanh nghiệp đầu mối đề nghị tăng giá xăng dầu (18/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật