Ông Vũ Viết Ngoạn: Chính sách phải linh hoạt hơn
Chẳng hạn như ở lĩnh vực BĐS nên có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng tiếp tục triển khai dự án, sản phẩm dự án có thể tiêu thụ được... bằng cách cho giãn nợ, cơ cấu lại nợ và cho vay mới.
Chiều 11-4, trao đổi với Tuổi Trẻ sau thời gian đi thực tế, làm việc với một số địa phương và các hiệp hội về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, ông Vũ Viết Ngoạn, chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết:
- Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay kêu lãi suất cao, đầu ra khó khăn. Tôi lấy ví dụ như lĩnh vực bất động sản (BĐS), không riêng gì TP.HCM mà nhiều địa phương khác tình hình này đang rất nghiêm trọng. Tất cả phân khúc thị trường đều gặp khó, sản phẩm ế ẩm... đã tác động đến nhiều lĩnh vực khác liên quan trực tiếp và gián tiếp với BĐS, kể cả đến người lao động trong các lĩnh vực này. Nói như vậy để thấy rằng nền kinh tế VN đang có dấu hiệu trì trệ, cần có giải pháp kinh tế vĩ mô để thúc đẩy nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Nhưng các giải pháp nào đi nữa cũng phải hài hòa với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, nhưng đồng thời tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp.
* Sau ba buổi làm việc tại TP.HCM, ông đã có những ghi nhận gì về tình hình kinh tế TP.HCM nói chung và khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng, thưa ông?
- Có thể nói so với các địa phương khác, TP.HCM vẫn chưa khó khăn bằng. Tuy nhiên, những thông tin bước đầu chúng tôi ghi nhận được là tình hình kinh tế, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Đó là sản lượng công nghiệp sản xuất tăng trưởng chậm, xuất khẩu ở một số lĩnh vực không tăng mà thậm chí còn giảm, số lượng công ăn việc làm được giải quyết ít hơn... Đặc biệt là BĐS và các lĩnh vực khác liên quan đến BĐS như vật liệu xây dựng (ximăng, sắt thép...), xây lắp... đang cực kỳ khó khăn. Thị trường BĐS đóng băng, thanh khoản kém, không chỉ doanh nghiệp BĐS mà ximăng, sắt thép... cũng bị vạ lây.
* Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sẽ có những kiến nghị nào với Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thưa ông?
- TP.HCM là đầu tàu của kinh tế cả nước, nếu kinh tế TP.HCM gặp khó khăn, chắc chắn nền kinh tế chung cũng bị ảnh hưởng. Do đó, dù muốn hay không, Chính phủ cũng phải có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, không riêng gì cho TP.HCM mà trên phạm vi cả nước. Nếu không có chính sách kịp thời để tạo động lực cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh tốt hơn, góp phần giải quyết công ăn việc làm và duy trì tăng trưởng kinh tế, thì tới đây sẽ càng khó khăn hơn trong việc giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, các chính sách cụ thể như thế nào còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trên bình diện cả nước nên tôi chưa thể nói cụ thể được. Cái mà tôi có thể nói là chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách linh hoạt hơn. Chẳng hạn như ở lĩnh vực BĐS nên có chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp có khả năng tiếp tục triển khai dự án, sản phẩm dự án có thể tiêu thụ được... bằng cách cho giãn nợ, cơ cấu lại nợ và cho vay mới.
Sẽ có giải pháp kích thị trường bất động sản
Đó là kết luận của ông Vũ Viết Ngoạn sau một buổi “bắt bệnh” các doanh nghiệp bất động sản của TP.HCM ngày 11-4. Theo đó, Chính phủ đang xem xét có chính sách cho phép các doanh nghiệp bất động sản mà sản phẩm có thể tiêu thụ được tiếp tục được vay vốn, sau khi giãn nợ, cơ cấu lại nợ. Ngoài ra, sẽ có chính sách cho người thu nhập thấp, người tái định cư vay tiền để mua nhà, qua đó hỗ trợ đầu ra cho phân khúc thị trường nhà giá thấp.
Thị trường ế ẩm khiến hàng loạt cửa hàng vật liệu xây dựng rơi vào cảnh mua bán cầm chừng. Trong ảnh: kho của bà S. (Q.Tân Bình, TP.HCM) trước đây nhập về cả ngàn tấn thép nhưng nay sức mua giảm mạnh, bà chỉ dám nhập về chưa tới 100 tấn - Ảnh: Đình Dân
Theo khẳng định của ông Ngoạn, không chỉ TP.HCM mà trên phạm vi cả nước, thị trường bất động sản đang cực kỳ khó khăn, cần phải có giải pháp để hỗ trợ. Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ như thế nào đều phải trên cơ sở đảm bảo được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
K.Yên |
Hải Đăng thực hiện
Tuổi trẻ
|