Ngưng hợp đồng bảo hiểm: Mất hơn 90% vốn!
Ngưng hợp đồng bảo hiểm, khách hàng chỉ được nhận lại gần 2 triệu đồng so với 28 triệu đồng đã đóng trong 2 năm. Hiểu luật, đọc kỹ hợp đồng trước khi ký là lời khuyên của các chuyên gia bảo hiểm.
Trong đơn gửi cơ quan truyền thông, khách hàng LHL có hợp đồng bảo hiểm số 7215… của một công ty bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trình bày: hơn 2 năm trước, chị có mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với thời hạn đóng phí 11 năm, được hưởng trọn vẹn quyền lợi 15 năm. Mỗi tháng, phí bảo hiểm phải đóng cho hợp đồng là hơn 1 triệu đồng và chị đã đóng được 28 triệu đồng.
Do không còn đủ khả năng tài chính tham gia hợp đồng, chị gửi đơn đến công ty xin ngưng hợp đồng và mong nhận lại số tiền phí bảo hiểm đã đóng trong 2 năm là 28 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty chỉ đồng ý trả lại cho chị số tiền gần 2 triệu đồng. Chị không chấp nhận số tiền ít ỏi nêu trên và cho rằng, công ty bảo hiểm có dấu hiệu lừa đảo. Bởi lẽ, khi mua hợp đồng bảo hiểm, chị đã không được đại lý bảo hiểm giải thích về rủi ro “mất vốn” khi ngưng hợp đồng sớm.
Trường hợp của chị LHL không phải là cá biệt trên thị trường bảo hiểm Việt Nam. Rất nhiều khách hàng đã sở hữu hoặc tiếp xúc với các hợp đồng bảo hiểm đều nhận xét, các quy định trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ rất chuyên môn và phức tạp, nhiều khi đánh đố khách hàng.
Tại một buổi giao lưu trực tuyến về các vấn đề bảo hiểm có sự tham gia của đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, độc giả nêu câu hỏi: “Hợp đồng bảo hiểm chỉ ghi: Khách hàng nhận bảo tức (lợi nhuận hàng năm mà công ty bảo hiểm chia cho khách hàng) trước khi đến hạn giải ước (hợp đồng bảo hiểm có giá trị giải ước khi người tham gia bảo hiểm đã đóng đủ 2 năm phí bảo hiểm; giá trị giải ước là số tiền mà người tham gia bảo hiểm có thể nhận lại khi hủy hợp đồng trước thời hạn) sẽ nhận được số tiền ít hơn. Câu này quá mơ hồ và mặc sức cho công ty bảo hiểm muốn trả cho người tham gia bao nhiêu cũng được. Tại sao Bộ Tài chính và công ty bảo hiểm có thể để một điều khoản của hợp đồng (in sẵn) đơn giản và gây thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm lớn như vậy?”.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam giải thích, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng trung và dài hạn, thường có thời hạn trên 5 năm. Thông thường, phí bảo hiểm sẽ được chi trả cho khách hàng khi đáo hạn hợp đồng hoặc xảy ra sự kiện bảo hiểm. Mặt khác, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải chi trả bảo tức cho người tham gia bảo hiểm, có nghĩa là các doanh nghiệp bảo hiểm phải đầu tư tiền phí bảo hiểm tạm thời nhàn rỗi vào nền kinh tế quốc dân sao cho có khả năng sinh lời cao nhất và an toàn nhất.
Vì những lý do trên, trong hai năm đầu đóng phí bảo hiểm, nếu người tham gia bảo hiểm hủy bỏ hợp đồng thì không được nhận một đồng nào, kể cả phí bảo hiểm và bảo tức. Điều này đã được ghi rõ trong Luật Kinh doanh bảo hiểm. Sở dĩ có quy định như vậy là vì số tiền phí mà khách hàng đã đóng được dùng để trả chi phí cho đại lý bảo hiểm, chi phí cho đầu tư, cho quản lý. Đặc biệt, rút vốn ra trước hạn đem lại rủi ro lớn cho những hoạt động đã đầu tư và phí bảo hiểm thu được trong hai năm đầu nói trên chỉ đủ trang trải cho các chi phí đã được mô tả.
Thực tế, để tránh thiệt thòi cho khách hàng khi không được trả giá trị hoàn lại, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp bảo hiểm, cho Nhà nước vì các khoản đầu tư trung - dài hạn như dự kiến ban đầu của hợp đồng bị chấm dứt, doanh nghiệp bảo hiểm đã có những giải pháp lường trước là giúp khách hàng có thể gia hạn thời hạn nộp phí cho đến khi nào khả năng tài chính trở lại bình thường để đóng đủ phí như trước; giúp khách hàng có thể vay chính công ty bảo hiểm bằng một số tiền thấp hơn số phí bảo hiểm mà khách hàng đã đóng để duy trì hợp đồng bảo hiểm, tiếp tục đóng phí bảo hiểm bằng số tiền vay nói trên; hoặc khách hàng có thể giảm số tiền bảo hiểm tương đương với giảm nghĩa vụ đóng phí hàng kỳ để duy trì hợp đồng.
Trở lại trường hợp của khách hàng LHL, trao đổi với ĐTCK, công ty bảo hiểm cho biết, bộ phận dịch vụ khách hàng sẽ có cuộc làm việc lại với khách hàng để lắng nghe và giải thích lại cho khách hàng hiểu những quy định có trong hợp đồng.
Bộ phận này cũng sẽ tư vấn cho khách hàng 2 phương án: để hợp đồng mất hiệu lực trong một thời gian, nhưng không quá 24 tháng và yêu cầu khôi phục lại hợp đồng khi điều kiện tài chính cho phép hoặc khách hàng yêu cầu giảm số tiền bảo hiểm để tiếp tục tham gia bảo hiểm với mức phí thấp hơn, phù hợp với khả năng tài chính trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, giải pháp này khiến khách hàng phải hủy một phần của hợp đồng bảo hiểm và sẽ có những thiệt hại ngoài mong muốn đối với phần hợp đồng bị hủy.
Ngọc Lan
đầu tư chứng khoán
|