Thứ Hai, 19/03/2012 16:45

DN bảo hiểm: Điểm sáng và những hạt sạn

Bên cạnh những điểm sáng, Hội nghị ngành bảo hiểm vừa diễn ra ngày 16/3 đã chỉ ra những bất cập đòi hỏi các DN trong ngành phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh kinh doanh còn nhiều bất ổn.

Giữ tăng trưởng tốt

Màu sáng trong bức tranh toàn cảnh thị trường được phản ánh trực diện ở kết quả duy trì tốc độ tăng trưởng tốt so với năm 2010 của các DN bảo hiểm. Kèm theo đó là tính an toàn và ổn định trên cơ sở hầu hết DN đều đảm bảo khả năng thanh toán và duy trì được vốn chủ sở hữu cao hơn vốn pháp định.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2011, hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt so với năm 2010. Cụ thể, tổng doanh thu ngành ước đạt 46.817 tỷ đồng, tăng 23,2% so với năm 2010, đóng góp 1,85% vào GDP. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 36.594 tỷ đồng (tăng 19,5%); doanh thu hoạt động đầu tư ước đạt 10.223 tỷ đồng (tăng 32,8%). Trong tổng doanh thu phí, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 20.600 tỷ đồng (tăng 20,5%); còn bảo hiểm nhân thọ ước đạt 15.994 tỷ đồng (tăng 16%). Tổng phí bảo hiểm thu xếp được qua kênh môi giới bảo hiểm đạt 4.461 tỷ đồng (tăng 56%), chiếm gần 22% tổng số phí bảo hiểm phi nhân thọ.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm, trong năm 2011, có 27/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng về doanh thu phí bảo hiểm gốc so với năm 2010. Trong đó, một số DN có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao như Xuân Thành (tăng 130,79%), Groupama (126,44%); Samsung Vina (113,24%); PTI (56,3%). Các DN dẫn đầu về thị phần vẫn là Bảo  Việt (chiếm 23,73%), PVI (20,64%), Bảo Minh (10,36%) và PJICO (9,19%). Lợi nhuận kinh doanh của các DN bảo hiểm phi nhân thọ và tái bảo hiểm cải thiện đáng kể so với năm 2010. Cụ thể, có 23/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ và 2/2 DN tái bảo hiểm có lãi với tổng mức lãi tăng 82,4%.

Còn về bảo hiểm nhân thọ, năm 2011, đa số DN đều đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Về cơ cấu thị phần doanh thu phí bảo hiểm, Prudential và Bảo Việt nhân thọ vẫn duy trì thị phần dẫn đầu, tương ứng là 27% và 26% về doanh thu khai thác mới và 38% và 28% về tổng doanh thu.

Năng lực tài chính của khối này cũng vững mạnh, đáp ứng tốt các nghĩa vụ của mình; biên khả năng thanh toán đều cao hơn nhiều so với biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định.

Vẫn còn “sạn”

Tuy nhiên, số lượng DN phi nhân thọ không có lãi về hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã tăng lên.

Về môi giới bảo hiểm, kết quả kinh doanh của các DN môi giới giảm nhẹ so với năm 2010 (- 5,78%); 6/11 DN kinh doanh lỗ và 2 DN có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định. Một số DN môi giới trong nước vẫn chưa chú trọng xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu trên cơ sở chất lượng sản phẩm. Phần lớn DN môi giới bảo hiểm trong nước chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ môi giới, thiếu chuyên nghiệp trong tư vấn, chưa thực sự trở thành cầu nối giữa DN bảo hiểm và khách hàng.

Ngoài ra, vẫn còn một số DN chưa nghiêm túc thực hiện các quy định pháp luật. DN nhân thọ chủ yếu vi phạm ở khâu triển khai sản phẩm, trích lập dự phòng các quỹ, tách quỹ, phân chia thặng dư cho chủ hợp đồng tham gia chia lãi, sử dụng đại lý và chi hoa hồng đại lý… Còn DN phi nhân thọ chủ yếu vi phạm ở công tác quản trị, điều hành hoạt động DN, quản lý tài chính, hạch toán doanh thu… Đối với DN môi giới bảo hiểm, các vi phạm tập trung ở hoạt động báo cáo, quản trị, điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quản lý chi phí.

Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính

Chia sẻ của DN là cơ hội để đánh giá những hạn chế, xác định nguyên nhân để định ra lộ trình phát triển thị trường.

Trong năm 2012, Bộ sẽ chỉ đạo ngành cố gắng thực hiện căn bản công tác tái cấu trúc các DN bảo hiểm, bao gồm: tái cấu trúc quản trị, tài chính, sản phẩm, đầu tư… trong đó, trọng tâm là tái cấu trúc tài chính. Cơ quan quản lý sẽ ban hành 1 bộ chỉ tiêu an toàn tài chính mới, bám sát tình hình quốc tế hơn. Trên cơ sở đó, quyết định rõ biện pháp cưỡng chế thực thi để có cơ sở thực hiện hiệu quả. Thời gian tới, các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp và tín dụng xuất khẩu sẽ được quyết liệt triển khai.

Ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo Minh

Thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển, với 57 DN và môi giới bảo hiểm, ngành bảo hiểm thực sự là một lá chắn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần phải giải quyết.

Việc áp dụng công nghệ thông tin của các DN bảo hiểm phi nhân thọ còn kém, tình trạng ký khống đơn bảo hiểm ngày càng tràn lan, hoạt động kinh doanh lõi chưa được chú trọng… Vì vậy, tái cấu trúc ngành là cần thiết và cấp bách.

Chúng tôi cũng mong mỏi các cơ quan quản lý cần ngồi lại với nhau để đưa ra các giải pháp hướng thị trường tới sự cạnh tranh lành mạnh.

Bà Vũ My Lan, Tổng giám đốc Công ty Môi giới bảo hiểm Aon Việt Nam

Với sự cải tổ, hỗ trợ của cơ quan quản lý, thị trường ngày càng phát triển; sự quan tâm của người dân đối với bảo hiểm ngày càng tăng; các DN cũng đã có nhiều tiến bộ trong quản lý… Tuy nhiên, vẫn còn những điểm hạn chế cần được khắc phục. Từ phía DN môi giới, chúng tôi mong DN bảo hiểm nên có hình thức quản lý thông suốt từ trụ sở đến các chi nhánh, tránh tình trạng không nhất quán (như trong việc chào giá). Chúng tôi cũng mong cơ quan quản lý hoàn thiện hệ thống pháp lý để không có sự chồng chéo.

Ông Jack Howell, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam

Các doanh nghiệp bảo hiểm cần quan tâm đến các dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, cũng như việc lạm dụng đối với sản phẩm bảo hiểm sức khỏe, để từ đó tìm ra giải pháp xử lý.

Ngoài ra, trước tình trạng số lượng vụ hủy hợp đồng để chuyển sang doanh nghiệp khác do sự xúi giục của đại lý bảo hiểm cũng như số lượng khách hàng ngừng đóng phí ngày một tăng cao, các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải tăng cường sự hợp tác và chuyên nghiệp hoá trong hoạt động. Thị trường càng khó khăn, doanh nghiệp bảo hiểm càng nên hợp tác.

Diệu Minh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm: Giành giật tổng đại lý, cuộc chiến chưa có hồi kết (23/02/2012)

>   7 doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt gần 600 triệu đồng (18/02/2012)

>   Xóa bỏ độc quyền thị trường bảo hiểm (17/02/2012)

>   Đã có lộ trình tái cấu trúc ngành bảo hiểm (17/02/2012)

>   Prudential châu Á công bố thương hiệu mới  (14/02/2012)

>   Tái cấu trúc tài chính – bảo hiểm – ngân hàng (14/02/2012)

>   Tái cấu trúc tài chính – bảo hiểm – ngân hàng (14/02/2012)

>   Nhiều đại gia bảo hiểm muốn “tăng tốc” tại Việt Nam (12/02/2012)

>   Huy động vàng không phụ thuộc vào bảo hiểm (10/02/2012)

>   Năm 2012, chỉ tiêu thu các quỹ bảo hiểm là 135.317 tỷ đồng (09/02/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật