Khách sạn Duxton Sài Gòn khánh kiệt vì thuế
Khách sạn Duxton Sài Gòn, một trong những khách sạn 4 sao, có vị trí đẹp ở TP.HCM (63, Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, quận 1) đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Lý do là vì Công ty TNHH Vinametric (Singapore), chủ sở hữu Khách sạn, đang ở trong tình trạng bị cưỡng chế trích tiền gửi ngân hàng nộp ngân sách nhà nước.
Xác nhận thông tin này, ông Đặng Di Nghĩa, Tổng giám đốc Khách sạn Duxton Sài Gòn cho biết, Công ty vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP.HCM đề nghị được bỏ cưỡng chế trích tiền gửi ngân hàng để nộp thuế.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, thì tổng số nợ thuế của Duxton, theo như quyết định cưỡng chế trích tiền gửi lần đầu của Cục Thuế TP.HCM là trên 110,4 tỷ đồng, bao gồm hơn 68,78 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp theo kỳ tính thuế giai đoạn 2006 - 2007 và 2008 - 2009. Và sau 3 quyết định cưỡng chế bằng hình thức trích toàn bộ tiền gửi ngân hàng của Cục Thuế TP.HCM, thì chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 12/2011 đến thời điểm ngày 19/3/2012, Vinametric đã bị truy thu tổng cộng trên 44,9 tỷ đồng. Và giờ, là quyết định cưỡng chế thứ tư.
“Vì tất cả tài sản ngân hàng bị cưỡng chế từ tháng 12/2011, toàn bộ nguồn thu của Khách sạn đều dồn vào Kho bạc Nhà nước, chúng tôi bắt buộc phải nợ các nhà phân phối để có thể tiếp tục duy trì hoạt động của Khách sạn. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn toàn trong tình trạng khánh kiệt. Nợ lương thưởng và bảo hiểm nhân viên từ tháng 2/2012 lên đến trên 4 tỷ đồng. Nợ nhà phân phối đến trên 11 tỷ đồng”, văn bản mà Công ty Vinametric gửi các cơ quan chức năng nêu rõ.
Trong danh sách các nhà phân phối mà Vinametric đang nợ, có những cái tên như Metro Cash & Carry Việt Nam, Pepsi Co Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam, Tập đoàn Phú Thái…
Vấn đề nằm ở chỗ, theo Công ty Vinametric, số nợ thuế mà Cục Thuế TP.HCM tính toán nêu trên chủ yếu liên quan đến phí quản lý trả cho công ty quản lý lĩnh vực trò chơi điện tử có thưởng, mà lĩnh vực này, thì Công ty đã ngừng hoạt động vào tháng 4/2010.
“Số thuế truy thu theo quyết định của Cục Thuế TP.HCM, bao gồm cả phạt chậm nộp, lớn vượt quá khả năng thanh toán hiện tại của doanh nghiêp. Và vấn đề cốt lõi dẫn đến số thuế phát sinh là do tại thời điểm trên, Công ty và Cục Thuế TP.HCM có cách tính thuế không thống nhất. Việc này Công ty cũng chỉ được rõ khi Cục Thuế TP.HCM thực hiện thanh tra thuế tại doanh nghiệp vào thời điểm năm 2010”, Vinametric bày tỏ quan điểm và đề nghị Bộ Tài chính khoanh vùng số thuế phải nộp, tháo bỏ cưỡng chế trích tiền gửi ngân hàng để Công ty có thể tiếp tục hoạt động.
“Có thể trích thu thuế trên con số còn tồn đọng, tuy nhiên dành lại một phần kinh phí cho doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh, trả nợ nhà phân phối và trả lương cho nhân viên. Chúng tôi cần tồn tại để có thể tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước, tránh để chúng tôi đi vào tình trạng mất khả năng chi trả, vỡ nợ, ảnh hưởng đến môi trường kinh tế của TP.HCM và Việt Nam. Chúng tôi cam kết sẽ trả thuế trong khả năng thực tế của Công ty và sẵn sàng hợp tác để giải quyết khúc mắc trên”, văn bản gửi Bộ Tài chính của Vinametric, do Tổng giám đốc Đặng Di Nghĩa ký nêu rõ.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, Cục vẫn bảo lưu quan điểm về việc sẽ tiếp tục cưỡng chế thuế đối với Vinametric.
Theo ông Dương, pháp luật về thuế quy định, nếu doanh nghiệp nợ thuế quá 90 ngày thì phải cưỡng chế thuế và trong các bước cưỡng chế, có việc được phát lệnh thu thông qua ngân hàng.
“Khách sạn Duxton chưa nộp đủ thuế, số lượng nợ thuế rất lớn, nên việc Cục Thuế TP.HCM cưỡng chế thuế là đúng. Vinametric đang có đơn kiến nghị lên Bộ Tài chính, nhưng pháp luật về thuế đã quy định rõ, trong thời gian khiếu kiện, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế. Do vậy, sẽ không có chuyện gỡ bỏ việc cưỡng chế thuế”, ông Dương nói.
Liên quan tới kiến nghị của Vinametric về việc tính thuế, ông Dương cho biết, do có sự không thống nhất trong áp dụng các văn bản pháp quy, Bộ Tài chính sẽ xem xét và có câu trả lời.
P.V
đầu tư
|