Huy động vốn: Chờ hướng dẫn!
Cuối năm 2010, công ty X lên sở kế hoạch và đầu tư nộp hồ sơ tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phần riêng lẻ theo Nghị định 01/2010/NĐ-CP ngày 4-1-2010 (Nghị định 01), nhưng sở không nhận hồ sơ với lý do chưa có hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Điệp khúc... chờ!
Suốt từ đó đến nay, công ty X tiếp tục mang hồ sơ lên sở nhiều lần và đều phải mang hồ sơ ra về, vì được chuyên viên phòng đăng ký kinh doanh trả lời miệng “chưa có hướng dẫn”. Không chỉ riêng trường hợp công ty X, đã có nhiều công ty khác cũng đành phải ôm hồ sơ về như vậy.
Tương tự, kể từ khi Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14-10-2011 quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 90), các doanh nghiệp không còn tự do phát hành trái phiếu theo Nghị định 52/2006/NĐ-CP ngày 19-5-2006, mà phải thông báo và đăng ký phát hành trái phiếu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính đối với trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm theo chứng quyền. Kênh huy động vốn theo hình thức này cũng phải dừng lại, vì “chưa có hướng dẫn cụ thể”.
Trách nhiệm và lách luật
Các nghị định quy định hết sức chi tiết về hình thức phát hành, phương thức phát hành, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, của cơ quan quản lý doanh nghiệp đối với hoạt động huy động vốn này, kể cả ấn định chi tiết đến từng phụ lục mẫu quy định các tài liệu về công bố thông tin, và phương án phát hành.
Ở các nước trên thế giới, các doanh nghiệp có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi cơ quan nhà nước có trách nhiệm đã không ban hành văn bản luật đúng thời hạn, dẫn đến chậm trễ việc kinh doanh, hoặc hạn chế các quyền đầu tư được hiến định. |
Tuy nhiên, rắc rối nằm ở chỗ nghị định lại quy định Bộ Tài chính có nghĩa vụ “hướng dẫn cụ thể việc đăng ký phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, và “bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này”. Trong khi đó, các nghị định lại không quy định thời hạn Bộ Tài chính phải ban hành văn bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp, và trách nhiệm pháp lý đến đâu, nếu như Bộ Tài chính chậm trễ ban hành.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng không thấy điều khoản nào đề cập trách nhiệm pháp lý và thời hạn ban hành văn bản hướng dẫn đối với một cơ quan nhà nước, khi cơ quan này được chỉ định là nơi có trách nhiệm thực hiện các công việc trong văn bản pháp quy có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Chính vì nhà làm luật quy định không đầy đủ, không rõ ràng, không thống nhất về thời gian và không đồng bộ về quy trình soạn luật của cùng một vấn đề giữa các cơ quan nhà nước liên quan, nên cơ quan nhà nước thừa hành trực tiếp các nội dung của luật không đủ cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Điều này đã phần nào hạn chế quyền hoạt động và kinh doanh của doanh nghiệp, làm môi trường đầu tư kém hấp dẫn, góp phần tạo tâm thế luôn phải lách luật của nhà đầu tư.
Tuy nhiên việc lách luật không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nhất là khi luật hiện hành quy định nhiều thủ tục hành chính khá rắc rối và phức tạp. Nhà đầu tư lách luật phải thực hiện nhiều giao dịch phức tạp để đến đích huy động vốn, đồng thời gặp không ít rủi ro về minh bạch thông tin, các hồ sơ đăng ký kinh doanh, và công tác lưu trữ giấy tờ pháp lý của doanh nghiệp.
Bồi thường, tại sao không?
Ở các nước trên thế giới, chẳng hạn như Nhật Bản, các doanh nghiệp có quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi cơ quan nhà nước có trách nhiệm đã không ban hành văn bản luật đúng thời hạn, dẫn đến chậm trễ việc kinh doanh, hoặc hạn chế các quyền đầu tư được hiến định.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chứng minh thiệt hại tài sản là hậu quả trực tiếp của sự chậm trễ, hoặc tắc trách của cơ quan nhà nước. Các nhà làm luật đã dự liệu đầy đủ các khả năng, các tình huống pháp lý có thể xảy ra, để ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của cơ quan nhà nước liên quan.
Ở Việt Nam, chưa có tiền lệ nào về việc doanh nghiệp đi kiện, hay đòi một cơ quan nhà nước nào đó bồi thường thiệt hại khi cơ quan hướng dẫn luật thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp. Vì lẽ, luật không quy định trách nhiệm của các cơ quan này như thế nào. Đây là một câu hỏi cần mau chóng có câu trả lời.
Cao Huyền Trang, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt
TBKTSG
|