Thứ Hai, 09/04/2012 08:54

“Doanh nghiệp ốm đau què quặt thì cứu làm gì?”

Đều nhấn mạnh khó khăn đặc biệt của doanh nghiệp trong bối cảnh không mấy sáng sủa của nền kinh tế, song tại một diễn đàn kinh tế đang diễn ra tại Đà Nẵng, các chuyên gia kinh tế đều không thể chắc chắn cả về tình trạng lẫn con số doanh nghiệp đang thực sự nguy cấp.

"Ngay như tình trạng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, mỗi bộ đánh giá một kiểu, Chính phủ cũng không nắm rõ, còn tôi cứ hỏi người ta nói thế nào thì tôi nói thế, mà đánh giá không đúng là biện pháp trật ngay", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm phát biểu.

Trước đó, trong tham luận của mình, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên cũng đã dành khá nhiều động từ mạnh để nói về tình thế "thật sự gay go" của cộng đồng doanh nghiệp.

Khác với những năm trước, tình trạng đình đốn sản xuất đã khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng như của nhiều doanh nghiệp suy giảm mạnh. Sau một thời gian dài nền kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng, làm cho doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng lại phải thận trọng hơn trong hoạt động cho vay. Lạm phát và lãi suất cao kéo dài làm doanh nghiệp yếu đi rất nhiều, ông Thiên nói.

"Hiện nay, tình trạng khó khăn của thanh khoản của nền kinh tế gia tăng một phần quan trọng là do nhiều doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn vay cho dù các ngân hàng đã cải thiện khả năng cung ứng vốn và lãi suất có xu hướng hạ xuống một cách chắc chắn, tuy còn chậm. Có nghĩa là khi khó khăn thanh khoản của hệ thống ngân hàng bắt đầu được hóa giải thì dòng lưu chuyển vốn tiếp sức cấp cứu cho các doanh nghiệp vẫn bị cản trở mạnh mẽ", bản tham luận đưa ra phân tích.

Cho rằng chính tình trạng nguy hiểm này, xét trong triển vọng ngắn hạn, chứa đựng xu hướng mang tính nguy cơ cao là số lượng doanh nghiệp bị phá sản và đóng cửa đang tăng lên, Viện trưởng Thiên dẫn số liệu từ báo cáo chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/3/2012, trên 2,2 nghìn doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và khoảng trên 9,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng các nghĩa vụ thuế. Như vậy, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so cùng kỳ năm trước. Riêng số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể tăng 57%”.

Ông Thiên cũng đặc biệt lưu ý là gia tốc tăng lên của số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp vốn đã yếu thì hiện nay, đang tiếp tục giảm sút; khả năng cầm cự với lãi suất cao kém đi rõ rệt.

"Theo xu hướng đó, với đà giảm lãi suất rất chậm hiện nay, có thể dự đoán xu hướng tăng mạnh số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động trong các thời gian tới", ông Thiên lo ngại.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, khi đề cập đến sự giảm sút sức khỏe doanh nghiệp, điều quan trọng nhất chưa hẳn thể hiện ở số lượng doanh nghiệp phá sản hay đóng cửa. Cái đáng lo ngại hơn là tình trạng đa số doanh nghiệp đang phải cắt giảm công suất hoạt động với mức độ cắt giảm ngày càng tăng.

Đây mới đích thực là phần chìm của tảng băng khó khăn mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Rất tiếc là không có số liệu nào xác thực cho phép nhận diện chính xác trạng thái thực của tảng băng này. Song logic kinh tế cho phép xác nhận tình trạng “thật sự gay go” mà khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang lâm vào, ông Thiên nói

Bởi vậy, nằm trong các đề xuất về chương trình hành động cho năm 2012, Viện trưởng Thiên đã tô đậm nội dung "tập trung sức mạnh kinh tế quốc gia để “cứu” doanh nghiệp, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ giải cứu doanh nghiệp khỏi tình trạng đình đốn sản xuất - kinh doanh".

Phần trách nhiệm chính trong công cuộc này phải trao cho chính sách tài khóa với các nội dung cụ thể: giảm thuế doanh nghiệp từ mức 25% xuống 20%, miễn hoặc giảm đáng kể các loại thuế khác (ví dụ các loại thuế nhập khẩu) thay vì “hoãn nộp thuế”; tránh không áp dụng tùy tiện các loại phí, gây ra tình trạng “loạn phí”, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin xã hội, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đồng thời, phải có phương thức và lộ trình tích cực để hạ nhanh lãi suất chứ không thể theo lộ trình tuần tự chậm chạp (mỗi quý giảm 1% lãi suất), vừa không cứu được doanh nghiệp, vừa gây ra những kỳ vọng không phù hợp về lãi suất, dẫn đến chỗ lựa chọn hành động gây méo mó, làm chệch mục tiêu chính sách là cứu doanh nghiệp trên nền tảng kiềm chế lạm phát, Viện trưởng Thiên đề xuất.

Ví sức khỏe doanh nghiệp hiện nay như người huyết áp thấp, TS. Cao Sỹ Kiêm cũng "than thở" rằng nhiều doanh nghiệp quá yếu và rất thiếu động lực.

Đề nghị đầu tiên được ông Kiêm đưa ra là tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp qua các vấn đề: tín dụng cần đúng địa chỉ, cố gắng đến tháng 5, 6 thì bỏ trần lãi suất và xem xét việc "loạn phí"...

Đều thừa nhận và quan ngại trước thực tế đang rất khó khăn của doanh nghiệp, song ở góc nhìn khác, một số ý kiến cho rằng, số doanh nghiệp phá sản, giải thể cũng chưa hẳn là nhiều.

"Tôi nghe một số ý kiến lâm ly thống thiết là mấy chục ngàn doanh nghiệp chết, nhưng bản thân nó yếu kém thì tại sao phải cứu, cứu anh ốm đau què quặt cứu làm gì, bất cứ nước nào cũng có doanh nghiệp chết", Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá bình luận.

Một đại biểu khác, giám đốc nghiên cứu kinh tế của một ngân hàng cũng cho rằng, phải chấp nhận sự "ra đi" của các doanh nghiệp yếu kém, không chỉ ở thời điểm này.

Nguyên Thảo

tbktvn

Các tin tức khác

>   PetroVietnam trần tình về sai phạm hơn 18.000 tỷ đồng (09/04/2012)

>   Xuất khẩu cá tra: Đừng bỏ lỡ cơ hội! (08/04/2012)

>   Doanh nghiệp chờ “bơm máu” (08/04/2012)

>   Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang lùi xa? (08/04/2012)

>   Phá sản vì sống nhờ ngân hàng (08/04/2012)

>   Thanh tra Chính phủ "khoan" trúng "mỏ dầu"! (07/04/2012)

>   Minh bạch hóa thông tin, doanh nghiệp mới vay được vốn' (07/04/2012)

>   3 bệnh hiểm nghèo khiến DN 'tử vong' nhanh (06/04/2012)

>   Doanh nghiệp vận tải lo "sốt vó" vì phí! (06/04/2012)

>   Luật phá sản là “cửa tử” khó qua! (06/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật