Thứ Sáu, 06/04/2012 16:55

Luật phá sản là “cửa tử” khó qua!

Khi Quốc hội thông qua Luật Phá sản (2004), kinh nghiệm về sự thất bại của Luật Phá sản doanh nghiệp (1993) đã được rút ra, vậy mà sai lầm vẫn tái diễn. Cho nên, sau gần 20 năm “đi vào cuộc sống”, giờ đây, trước tình hình kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, Luật Phá sản vẫn còn khá xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp.

Cả nước có trên 200.000 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, nhưng có rất ít doanh nghiệp trong số đó nộp đơn xin phá sản theo Luật Phá sản, vì nhiều lẽ...

Bị xem như “tội đồ”

Mục đích chính của Luật Phá sản là tạo lối thoát nhân đạo cho những doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh khó khăn tài chính, không còn khả năng trả dứt nợ. Nhưng trên thực tế, các quy định của luật này lại quá tập trung vào việc bảo vệ sự công bằng cho các chủ nợ nên thủ tục rối ren. Do đó, nhiều doanh nghiệp khi lâm vào cảnh vỡ nợ, phải phá sản, họ không muốn chọn Luật Phá sản để giải quyết, theo luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn.

Hiện tượng doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, nhưng không nộp đơn xin phá sản doanh nghiệp như luật định khá phổ biến. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có trên 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhưng hiện có chưa đến 400.000 doanh nghiệp kê khai thuế, theo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

Khi tòa án, doanh nghiệp phá sản và các chủ nợ coi việc phá sản là bình thường thì Luật Phá sản mới có thể đi vào cuộc sống.

Theo ông Kính, nếu chọn con đường phá sản thì khi được tuyên bố phá sản doanh nghiệp không phải lo lắng về các khoản nợ trước đó nữa (trừ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh). Không những vậy, nếu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp có khả năng phục hồi thì có thể được các chủ nợ tạo cơ hội để “chạy chữa”, vực dậy doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc phá sản doanh nghiệp theo Luật Phá sản không hề đơn giản.

Nếu chọn cách phá sản theo luật, doanh nghiệp sẽ đối diện với rất nhiều thủ tục nhiêu khê, rắc rối, khó thực hiện. Theo ông Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, nếu mọi việc trôi chảy thì từ khi mở thủ tục phá sản đến khi mở thủ tục thanh lý tài sản mất ít nhất là sáu tháng. “Nhưng từ khi có Luật Phá sản đến nay, chưa có trường hợp nào trơn tru như vậy; trường hợp nhanh nhất cũng hơn một năm”, ông nói.

Nhưng nặng nề, “nguy hiểm” nhất trong quá trình giải quyết doanh nghiệp phá sản theo Luật Phá sản đó là: những người điều hành doanh nghiệp dẫn đến phá sản bị pháp luật xem như những “tội đồ”. Thật vậy, theo quy định, chủ doanh nghiệp phá sản và những người quản lý doanh nghiệp đó sẽ bị tòa ra quyết định không được quyền thành lập cũng như cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

Đối với người giữ chức vụ quản lý, điều hành công ty 100% vốn nhà nước, người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp khác bị tuyên bố phá sản thì sẽ không được đảm đương chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, cũng như  doanh nghiệp nào có vốn nhà nước. “Luật quy định như thế không khuyến khích doanh nghiệp chọn cách phá sản theo luật”, ông Sơn nói.

Chủ nợ cũng sợ

Luật Phá sản chưa thật sự có lợi đối với doanh nghiệp sắp “chết” nên nhiều doanh nghiệp thường chọn cách tránh né nó. Dù theo quy định, khi nhận thấy doanh nghiệp của mình lâm vào tình trạng phá sản thì chủ doanh nghiệp đó phải có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nhưng nếu không nộp đơn thì doanh nghiệp cũng chẳng bị làm sao cả. Cho nên hiếm khi doanh nghiệp “tự chôn mình” bằng Luật Phá sản, ngoài một số trường hợp chủ doanh nghiệp bị chủ nợ đe dọa tính mạng; hoặc một số nhà đầu tư nước ngoài đã quen dùng đến luật...

Số liệu từ Tòa Kinh tế TPHCM cho thấy cả năm 2011 chỉ thụ lý 11 vụ phá sản doanh nghiệp; trong khi chỉ hai tháng đầu năm 2012 Cục Thuế TPHCM công bố có đến trên 3.100 doanh nghiệp ngừng kinh doanh và “chết”. Ông Phạm Xuân Thọ, nguyên Chánh tòa Kinh tế TPHCM, cho rằng TPHCM mỗi năm có hàng chục ngàn doanh nghiệp mất đi mà tòa chỉ thụ lý khoảng 10 vụ phá sản chứng tỏ doanh nghiệp sợ, trốn Luật Phá sản.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là, phần lớn những người chủ doanh nghiệp thường có cái nhìn rất tiêu cực về việc doanh nghiệp phá sản. Không ít người trong số đó có suy nghĩ rằng, phá sản doanh nghiệp đồng nghĩa với uy tín và danh dự của mình bị đánh mất. Cũng có trường hợp, thường đối với doanh nghiệp nhà nước, không muốn tuyên bố phá sản (dù doanh nghiệp đã thực sự phá sản) vì động cơ thành tích, tránh trách nhiệm bằng việc nghỉ hưu hay chuyển công tác...

Và, một hiện tượng có vẻ lạ đời nữa là ngay cả các chủ nợ cũng chẳng mặn mà gì với việc đưa đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đối với con nợ của mình. Nếu cân nhắc về lợi - hại thì họ cũng có cái lý của họ. Vì, theo quy định, khi doanh nghiệp mở thủ tục phá sản bắt buộc phải công khai cho tất cả các chủ nợ biết. Khi đó quyền lợi của chủ nợ A, Y, Z  là khác nhau nên nhiều chủ nợ có xu hướng chọn giải pháp đòi nợ bằng các vụ kiện dân sự.

Vì vậy, để Luật Phá sản là “bạn đồng hành” của các doanh nghiệp lúc lâm vào cảnh phá sản thì luật cần phải được chỉnh sửa. Theo luật sư Lê Thành Kính, phải sửa luật sao cho quan tòa, doanh nghiệp phá sản và cả chủ nợ thấy được rằng phá sản doanh nghiệp là chuyện bình thường trong nền kinh tế lành mạnh. Theo đó, tòa án cần có sự linh hoạt khi xử lý các vụ phá sản, chỉ cần kiểm tra tính hợp pháp của yêu cầu phá sản, không ngại việc (vì có những vụ phá sản kéo dài nhiều năm), cần rút gọn quy trình, thủ tục...

Nhưng điều quan trọng là Luật Phá sản phải được sửa sao để các doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản coi đây là lối thoát, là phương thức tốt nhất cho họ giải quyết nợ nần và bảo vệ quyền lợi của họ. Luật cũng phải cho doanh nghiệp thấy, khi không còn khả năng trả nợ đến hạn mà không tuyên bố phá sản thì các khoản nợ này cứ ngày một lớn lên cùng với lãi suất - khi đó doanh nghiệp càng lún sâu vào nợ nần - khó có thể dứt ra được.

Tất nhiên về phía chủ nợ cũng phải thay đổi cách nghĩ. Hiện nay nhiều chủ nợ không muốn con nợ phá sản mà nhờ đến tòa để đòi nợ bằng các vụ kiện dân sự hoặc cố gắng chứng minh con nợ lừa đảo. Có thể chủ nợ thắng kiện đấy! Nhưng nếu con nợ đã mất khả năng thanh toán thì nhiều khi để con nợ phá sản lại có lợi hơn - thoát ra khỏi những vụ kiện có thể lún sâu mà không đem lại kết quả gì lớn - thà chấp nhận “mất trước ít hơn mất sau”.

Khi tòa án, doanh nghiệp phá sản và các chủ nợ coi việc phá sản là bình thường thì Luật Phá sản mới có thể đi vào cuộc sống. Tất nhiên, bản thân Luật Phá sản cũng phải được điều chỉnh để các đối tượng nhìn nhận nó bình thường.

Thủ tục phá sản ở Hoa Kỳ

Mục đích cơ bản của Luật Phá sản Hoa Kỳ (LPSHK) là cho con nợ lương thiện một cơ hội làm lại từ đầu bằng cách làm nhẹ gánh nặng cho con nợ đối với hầu hết các khoản nợ, và giúp họ tuần tự trả cho các chủ nợ bằng tài sản có sẵn cho việc chi trả.

Thường thì một vụ án phá sản bắt đầu bằng việc con nợ nộp đơn ở tòa phá sản. Đơn do một cá nhân, một công ty, hay một cơ quan nộp ở tòa. Đơn yêu cầu có sẵn ở văn phòng thư ký các tòa phá sản hay ở các cửa hiệu văn phòng phẩm. Có một loạt các phí nộp đơn cho vụ phá sản, tùy thuộc vào chương nào của luật phá sản mà đơn đề nghị.

Tòa sẽ yêu cầu con nợ nộp bảng cân đối tài chính, liệt kê tài sản, thu nhập, chứng từ có giá, tên và địa chỉ  của tất cả chủ nợ với khoản nợ kèm theo. Làm thế này sẽ ngăn chặn việc siết nợ, các chủ nợ không thể kiện cáo, đòi lương, hay ngay cả gọi điện thoại đòi tiền. Thư ký tòa án sẽ gửi thư báo cho các chủ nợ cho biết là con nợ đã nộp đơn ở tòa phá sản.

Ở một số vụ phá sản con nợ được phép tổ chức lại sản xuất kinh doanh và lập kế hoạch trả nợ, trong khi một số vụ thì giải quyết việc thanh lý tài sản của con nợ. Có nhiều vụ phá sản mà bất động sản của con nợ không đủ trả cho các chủ nợ, mà chỉ đủ để thanh lý tài sản cho khách tiêu dùng cá nhân. Kết quả là ít xảy ra bất đồng hay tranh chấp, và con nợ thường được giúp thoát khỏi hầu hết các khoản nợ mà không gặp phải sự đối kháng.

Tuy nhiên, trong các vụ án phá sản khác thì các tranh chấp về yêu cầu nổi lên ở tòa phá sản khi con nợ có tài sản, sử dụng tài sản đó thế nào, giá trị tài sản đó bao nhiêu để trả cho một khoản nợ, liệu con nợ có thoát khỏi một số khoản nợ nào không, hay phải trả bao nhiêu tiền cho luật sư, kế toán, kiểm toán, hoặc các nhà chuyên môn khác. Sẽ có nhiều cách khác nhau như điều tra khám phá, tiền tố tụng, dàn xếp hòa giải, và xét xử sơ thẩm như trong tố tụng dân sự để giải quyết vụ án phá sản.

Quang Chung

tbktsg

Các tin tức khác

>   Khó “lãi suất”, tắc “đền bù” (06/04/2012)

>   Những giọt nước mắt... phá sản (06/04/2012)

>   Doanh nghiệp Việt Nam đã kiệt sức! (06/04/2012)

>   EVN xin bán vốn tại nhà máy điện lấy tiền đầu tư (06/04/2012)

>   “Đại gia” dầu lửa Nga sẽ cùng Petro Vietnam khai thác khí đốt (06/04/2012)

>   Ngành thủy sản lo vỡ nợ: Bên bờ phá sản (06/04/2012)

>   Hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD (05/04/2012)

>   Giải phóng hàng tồn (05/04/2012)

>   Las Vegas Sands nói gì về hai dự án casino ở Việt Nam? (05/04/2012)

>   Điện không lo thiếu vì doanh nghiệp 'chết' nhiều (05/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật