Thứ Sáu, 06/04/2012 15:32

Tìm vốn cho hạ tầng - Kỳ 2:

Khó “lãi suất”, tắc “đền bù”

Ngoài những dự án bị trả lại, hàng loạt dự án cầu đường khác dù đã lên kế hoạch xây dựng từ khá lâu nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy, nhà đầu tư án binh bất động do lo ngại ôm nợ...

* Kỳ 1: Đẩy rủi ro cho Nhà nước

Sau nhiều dự án BOT bị “chết yểu”, việc thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng trên địa bàn TP.HCM càng gặp nhiều khó khăn hơn, khi TP đang cạn dần quỹ đất sạch để đổi đất lấy hạ tầng theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao).

Hơn 10 năm, dự án vẫn dở dang

"Nhà đầu tư chỉ nên lo xây dựng công trình giao thông, còn đền bù giải tỏa thì Nhà nước phải lo chứ khâu này vượt quá khả năng của nhà đầu tư do tiền đền bù quá lớn..."

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm (giám đốc đầu tư kinh doanh CII)

Nhiều người dân hiện rất ngán ngại khi chạy xe đến giao lộ ngã năm đài liệt sĩ (cũ - đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm và quốc lộ 13, Q.Bình Thạnh), một trong những điểm nóng ùn tắc giao thông ở TP.HCM. Đường chật hẹp, xe tải và container đông, chưa kể tám chốt đèn tín hiệu giao thông, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe.

Nút giao thông này (một phần trong dự án BOT cầu Bình Triệu 2) đã bị đình đốn hàng chục năm nay. Tương tự, giao lộ quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân - ga Bình Triệu cũng thường xuyên ùn tắc do quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư ga Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước) - một phần trong dự án cầu Bình Triệu 2 - chưa được mở rộng từ 32m lên 53m như thiết kế.

Được khởi công tháng 2-2001 nhưng đến cuối năm 2003, dự án BOT xây dựng cầu đường Bình Triệu 2 chỉ hoàn thành một số hạng mục gồm cầu Bình Triệu 2, mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ Nguyễn Xí đến cầu Bình Triệu cũ, mở rộng đường Đinh Bộ Lĩnh từ cầu Bình Triệu đến Nguyễn Xí.

Tuy nhiên, trong thời gian tiến hành giải tỏa mở rộng quốc lộ 13 (ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Lợi) lên 32m, TP lại có chủ trương tiếp tục mở rộng lên 53m, vốn đầu tư tăng, dự án bị đội từ 341 tỉ đồng lên 1.600 tỉ đồng, nhà đầu tư đã xin tạm dừng thi công. Tháng 4-2006, UBND TP chấp thuận cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) mua lại dự án BOT này để tiếp tục đầu tư. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn đang ì ạch, trong khi vốn đầu tư bị đẩy lên gấp nhiều lần.

Khó khâu đền bù giải tỏa, lãi suất cao

Kiến nghị nhiều cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư

Trong báo cáo dự thảo tổng kết thực hiện các dự án giao thông bằng hình thức hợp đồng BOT, BT và PPP gửi UBND TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM kiến nghị TP.HCM ban hành các chính sách ưu đãi như miễn giảm thuế, thưởng hoàn thành trước tiến độ, được hưởng chênh lệch lợi nhuận nếu tiết kiệm chi phí xây dựng...để thu hút nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, tham gia đầu tư hạ tầng giao thông. Ngoài ra, cần có chính sách bảo lãnh doanh thu theo hướng nếu nhà đầu tư kinh doanh không đạt doanh thu thì Nhà nước sẽ bù khoản thiếu hụt này cho các dự án BOT, PPP, BTO có thời gian hoàn vốn dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro (lưu lượng xe, lãi suất vay có thay đổi)...

Ngọc Ẩn

Thực trạng đình đốn của một số dự án làm ảnh hưởng không nhỏ đến những dự án khác đã đưa vào khai thác. Điển hình là cầu Phú Long (Q.12, TP.HCM và thị xã Thuận An, Bình Dương) đã khánh thành đầu tháng 2-2012 với thiết kế sáu làn xe cho phép xe siêu trường, siêu trọng lưu thông. Thế nhưng, chủ đầu tư chỉ dám cho xe 20 tấn chạy qua vì sợ kẹt xe ở đường Hà Huy Giáp (Q.12) - hiện chỉ có thể cho hai làn xe lưu thông.

Ông Nguyễn Hồng Ninh, giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO - chủ đầu tư dự án đường song hành Hà Huy Giáp - cho biết đến nay vẫn chưa thực hiện vì gặp quá nhiều khó khăn. Dự án được TP.HCM có chủ trương xây dựng năm 2008, trước khi triển khai dự án cầu Phú Long, với số vốn dự kiến 1.000 tỉ đồng. Năm 2010, Thủ tướng ra văn bản đồng ý chấp thuận giao cho IDICO thực hiện dự án theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, dự án vẫn đang trục trặc ở khâu giải phóng mặt bằng, chưa kể phần đất được đổi nằm ở khu vực Q.12 không đảm bảo lợi nhuận cho chủ đầu tư. Ông Ninh tính toán vốn đền bù giải tỏa làm đường, vốn thực hiện xây lắp, vốn đầu tư xây dựng khu đô thị trên quỹ đất được giao... phải lên đến 10.000 tỉ đồng! Với lãi suất ngân hàng như hiện nay, doanh nghiệp khó thu hồi vốn nếu triển khai dự án.

Cũng phải trì hoãn khởi công là dự án cầu đường Bình Tiên, với thiết kế dài 3,21km, nối quốc lộ 50 vào trung tâm TP.HCM. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư bằng hình thức BT với vốn đầu tư khoảng 3.285 tỉ đồng, nhà đầu tư sẽ được hoàn trả bằng vốn ngân sách và các nguồn vốn khác. Dự kiến khởi công tháng 9-2011 nhưng đến nay nhà đầu tư cho biết vẫn đang trong quá trình đàm phán, chưa xác định thời điểm khởi công.

Nhà đầu tư chờ... đất sạch!

Một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư trì hoãn việc khởi công là do lãi suất ngân hàng quá cao, doanh nghiệp đi vay làm dự án sẽ chịu rủi ro lớn. Một số nhà đầu tư thừa nhận chỉ những dự án nào thật sự an toàn mới triển khai thực hiện, còn lại sẽ tạm thời “đắp chiếu”. Đặc biệt, gánh nặng đền bù giải phóng mặt bằng vẫn luôn là bài toán nan giải.

Theo các nhà đầu tư, Nhà nước giải phóng mặt bằng đã khó, doanh nghiệp làm còn khó hơn gấp nhiều lần. Ông Ninh cho biết doanh nghiệp vừa lo đền bù giải tỏa đường song hành Hà Huy Giáp, vừa lo đền bù các khu đất khác tại Q.12 để xây dựng khu đô thị mới là chuyện bất khả thi. Trong khi TP lại giao hoàn toàn việc thương lượng với dân về giá đền bù nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiều nhà đầu tư đề nghị chủ đầu tư sẽ lo toàn bộ tiền đền bù giải tỏa, còn việc thực hiện đền bù giải tỏa cần giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP thực hiện. Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vay được vốn với lãi suất rẻ hơn để đảm bảo có tiền đền bù giải phóng mặt bằng và không bị thua lỗ. Ông Ninh cho rằng với hình thức đầu tư đổi đất lấy hạ tầng, Nhà nước cần có các quỹ đất sạch, hoặc đất ở những vị trí đẹp hơn để doanh nghiệp có thể kinh doanh thuận lợi và đảm bảo phương án thu hồi vốn.

Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, giám đốc đầu tư kinh doanh CII, cho biết ở những khu vực đông dân cư, công trình và là khu đất có giá trị cao, tiền đền bù giải tỏa quá lớn, vượt quá khả năng của nhà đầu tư. Theo bà Trâm, TP.HCM có thể kiến nghị với trung ương cho giữ lại khoản thu vượt kế hoạch để thực hiện khâu đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó, TP cần thu hồi đất ở các dự án xây dựng khu đô thị mà các doanh nghiệp không triển khai và lấy đất này đưa vào quỹ đất kêu gọi nhà đầu tư các dự án giao thông.

Ngọc Ẩn - Bạch Hoàn

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Những giọt nước mắt... phá sản (06/04/2012)

>   Doanh nghiệp Việt Nam đã kiệt sức! (06/04/2012)

>   EVN xin bán vốn tại nhà máy điện lấy tiền đầu tư (06/04/2012)

>   “Đại gia” dầu lửa Nga sẽ cùng Petro Vietnam khai thác khí đốt (06/04/2012)

>   Ngành thủy sản lo vỡ nợ: Bên bờ phá sản (06/04/2012)

>   Hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD (05/04/2012)

>   Giải phóng hàng tồn (05/04/2012)

>   Las Vegas Sands nói gì về hai dự án casino ở Việt Nam? (05/04/2012)

>   Điện không lo thiếu vì doanh nghiệp 'chết' nhiều (05/04/2012)

>   Hơn 30 doanh nghiệp Pháp tìm kiếm hợp tác tại Việt Nam (05/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật