Doanh nghiệp chờ “bơm máu”
Con số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, ngừng thực hiện nghĩa vụ thuế có thể sẽ còn tăng cao trong năm nay
Bên cạnh tín hiệu tích cực từ sự giảm mạnh của lạm phát tháng 3 nói riêng và cả quý I/2012 nói chung, còn xuất hiện mối quan ngại từ hiện tượng giá các sản phẩm nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng, trong khi giá các sản phẩm tiêu dùng lại giảm.
“Cơn khát” kéo dài
Hệ quả của hiện tượng này đối với doanh nghiệp (DN) có thể là chi phí sản xuất sẽ tăng lên nhưng doanh thu không tăng tương xứng, lợi nhuận giảm dẫn đến khả năng thua lỗ. Như vậy, con số DN phá sản, ngừng hoạt động, ngừng thực hiện nghĩa vụ thuế có thể sẽ còn tăng cao trong năm nay.
Trong rất nhiều giải pháp được đề xuất Chính phủ tháo gỡ cho khu vực sản xuất, vốn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu vì tín dụng cho DN không khác gì máu nuôi cơ thể.
|
Doanh nghiệp rất cần vốn lãi suất thấp để sản xuất kinh doanh. |
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy đa số DN nhỏ và vừa có vốn dưới 5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, quản trị nội bộ DN còn hạn chế nên chưa có khả năng xây dựng được các dự án, phương án sản xuất kinh doanh đủ thuyết phục ngân hàng cho vay vốn. Trong điều kiện như vậy, để ít phát sinh nợ xấu, phần lớn ngân hàng Việt Nam thường nhìn vào tài sản đảm bảo để quyết định cho vay chứ không dựa vào kết quả thẩm định dự án đầu tư của DN. Ngay cả khi có kế hoạch triển khai nhiều khoản vay tín chấp không cần tài sản bảo đảm, các ngân hàng rất thận trọng “khoanh vùng” để không áp dụng cho vay đối với các DN có doanh thu hằng năm nhỏ.
Đặc biệt, với lãi suất vay vốn 18%-20%/năm kéo dài hơn 2 năm nay, các DN càng không có khả năng hấp thụ vốn. TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết lợi nhuận của DN trung bình khoảng 10%-15% thì làm ra không đủ trả lãi ngân hàng. Đây là nguyên nhân rất quan trọng khiến tỉ lệ DN phá sản, ngừng hoạt động tăng nhanh trong năm 2011 và đầu năm nay. Cả quý I năm nay, tăng trưởng tín dụng âm, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 15%-17%. Con số này cho thấy các DN đang trong tình trạng khó khăn, không hấp thụ được vốn.
Ngân hàng bắt đầu “để mắt” đến doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo bà Đỗ Thị Nhung, Vụ phó Vụ Chính sách Tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cơ quan này đang tích cực nghiên cứu nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh. Đó là tiếp tục cung ứng vốn qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và nghiệp vụ tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại.
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để điều tiết vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu với chủ trương tạo điều kiện tối đa để DN nhỏ và vừa là những đối tượng được ưu tiên về vốn vay. Riêng đối với hình thức cho vay không có tài sản bảo đảm, NHNN đã có những quy định, căn cứ vào đó, các ngân hàng thương mại triển khai thực hiện cho phù hợp.
Về lãi suất, NHNN tiếp tục “giữ lời hứa giảm lãi suất” bằng việc sẽ điều chỉnh trần lãi suất huy động VNĐ về 12%/năm, giảm thêm 1% so với trần lãi suất hiện hành vốn đã được điều chỉnh từ giữa tháng 3. Đồng thời, trong những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục xu hướng mỗi quý giảm thêm 1% lãi suất để đưa lãi suất huy động xuống quanh mức 10%/năm, từ đó thiết lập mặt bằng lãi suất 13% - 14%/năm, nếu lạm phát tiếp tục được kiềm chế hiệu quả.
Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã coi DN nhỏ và vừa là khách hàng tiềm năng và thiết kế các gói sản phẩm dịch vụ dành riêng cho đối tượng khách hàng này.
Cả nước hiện có khoảng 600.000 DN đang hoạt động, trong đó 97% DN có quy mô nhỏ và vừa. Các DN nhỏ và vừa sử dụng 50% số lao động, đóng góp tới 40% GDP hằng năm nhưng chỉ tiếp cận được khoảng 30% vốn của các ngân hàng thương mại. |
Phương Anh
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|