Thứ Bảy, 07/04/2012 16:08

Thanh tra Chính phủ "khoan" trúng "mỏ dầu"!

Sau những "thăm dò", lần này Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã quyết định dúi "mũi khoan" vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Một "mỏ dầu" có trữ lượng lớn được phát lộ. Nhưng buồn thay, đó là "dầu bẩn" làm hại nền kinh tế nước nhà.

Có nhiều người đã đặt câu hỏi: Sao đến tận bây giờ TTCP mới dúi mũi khoan làm bục "mỏ dầu bẩn" này? Phải chăng, dầu khí mãi tít tận ngoài khơi, đường đến đầy bão tố, nếu không thận trọng, sóng to, tàu chìm, chỉ làm mồi cho cá dữ? Mà thôi, mọi người có quyền đặt câu hỏi, còn với chức năng của mình, TTCP đã làm được một việc khiến dư luận hết sức phấn khởi (dù sau đó là đau xót) bởi nhiều người nghĩ nơi đó là "vùng đặc quyền".

Lại có người nghĩ, khi Tập đoàn Vinashin vỡ, ối người đã giật mình thon thót, TTCP đã nhanh nhạy vác mũi khoan vào PVN và chả phải vô tình khi ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin và 8 "lính" của mình vừa lĩnh án thì cũng là lúc TTCP công bố kết luận về những sai phạm "động biển" ở PVN?

Được coi là "anh cả" của các Tập đoàn kinh tế nước nhà, hay nói dân dã là "đại gia của những đại gia", có lẽ vì thế mà PVN cũng tiêu tiền đúng kiểu đại gia và đương nhiên sai phạm cũng thuộc top đại gia. Khoản tiền vi phạm lên tới hơn 18.000 tỉ đồng ở PVN mà TTCP "khui" ra là minh chứng cho điều đó.

18.000 tỉ đồng tương đương với khoản thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân một năm của 600.000 xe ô tô mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đang "kêu gọi" mọi người hưởng ứng. Và cũng nên biết, trước khi ngồi ghế Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Thăng là Chủ tịch PVN.

Khoan hãy bàn đến chuyện ông Thăng có trách nhiệm gì trong việc sai phạm thời còn làm ở PVN hay không, bởi điều đó chỉ cơ quan có chức năng mới có thể kết luận. Giờ hãy xem PVN "tiêu" 18.000 tỉ đồng thế nào. Trong khoản 18.000 tỉ này, "nặng" nhất là 1.647 tỉ mà TTCP kiến nghị Thủ tướng giao cho các ngành chức năng có liên quan thu hồi. Đấy chính là khoản tiền mà  PVN đã ứng vốn xây dựng các công trình ngoài hàng rào Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và một số công trình ở các địa phương khác. Mặc dù PVN đã ứng vốn từ lâu nhưng các địa phương đều không có kế hoạch trả nợ hoặc không có khả năng thanh toán.

Năm 2009, PVN cho phép TCty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) chuyển nhượng tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 giá trị 29 triệu USD với phương thức trả tiền trong 5 năm không tính lãi. Nhưng cho đến thời điểm thanh tra, vẫn chưa có đợt thanh toán nào được thực hiện. Năm 2010, PVN và các đơn vị thành viên chuyển nhượng dự án khách sạn du lịch Thái Bình với giá trị 111 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thu được khoản tiền này.

Không chỉ phóng tay tiêu tiền trong nước, PVN còn vung tay thể hiện đại gia Việt khi "làm ăn" với nước ngoài mà phi vụ mua tàu địa chấn 2D là một ví dụ. Năm 2006, Thủ tướng cho phép PVN đóng mới tàu địa chấn 2D nhưng sau đó PVEP lại ký hợp đồng mua tàu cá Pavlovsk được hoán cải thành tàu địa chấn với giá 30 triệu USD. Tàu này được đóng từ năm 1983, quá 10 năm so với quy định đăng kiểm (không quá 15 năm tuổi). "Tàu cá" giá 30 triệu USD, để các "ngư dân" PVN "khai thác". Mấy "ông" Tây bên Na Uy khi bán được "tàu cá" này tha hồ vểnh râu và tâm đắc câu: Tiền nhiều như nước biển!

Tiêu tiền "khỏi phải nghĩ", PVN cũng tỏ rõ "hào phóng" trong việc chỉ định thầu, và "mũi khoan" của TTCP đã dò đúng vào "vỉa" được cho là rất màu mỡ này. Theo qui định của pháp luật, Chính phủ cho phép PVN được phép chỉ định các nhà thầu là đơn vị thành viên PVN nhằm phát huy nội lực và kích cầu các dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, PVN đã chỉ định cho nhà thầu không phải là thành viên 2 gói thầu có giá trị hơn 32.000 tỉ đồng. Các đơn vị thành viên chỉ định thầu 4 gói với giá trị 743,060 tỉ đồng, 110,49  triệu USD, 0,606 triệu Euro là chưa đúng với với quy định của Thủ tướng về chỉ định thầu cung cấp dịch vụ cho các dự án của tập đoàn. Có thể khi làm việc này PVN chỉ nghĩ mong sao cho tiến độ được đẩy nhanh, chứ đấu thầu mất thời gian lắm, nên đừng ai đặt câu hỏi: Có bao nhiêu % "hoa hồng" rơi vào túi những ai trước những cuộc chỉ định thầu này?

Trên đây chỉ là những vụ việc tương đối điển hình, còn rất nhiều sai phạm của PVN mà TTCP đã phát hiện. Dĩ nhiên điều mọi người quan tâm bây giờ là khi "mỏ dầu bẩn" này được phát hiện thì vấn đề xử lý các cá nhân sai phạm sẽ được thực hiện như thế nào? Liệu có ai đó phải "nối gót" cựu Chủ tịch Vinashin hay không?

Trách nhiệm là của người đứng đầu

"Trách nhiệm cụ thể của ông Đinh La Thăng (khi đó là Chủ tịch PVN) và các thành viên của HĐQT gắn với từng nội dung. Nhưng vì quy trình thanh tra là tiến hành rà soát các sai phạm, khuyết điểm, từ đó mới quay ngược lại xem trách nhiệm của ai đến đâu. Vì bây giờ đang trong quá trình rà soát nên chưa có đánh giá chính thức về trách nhiệm cụ thể của cá nhân.

Nguyên tắc chung trong các cuộc thanh tra là có cuộc chỉ rõ luôn trách nhiệm của cá nhân sai phạm. Nhưng với cuộc thanh tra lớn thì chưa làm rõ ngay được. Đương nhiên, trách nhiệm là của người đứng đầu và nhân viên của ông làm sai thì ông phải có trách nhiệm. Nhưng sai đến đâu thì phải làm rõ"- ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ trả lời báo chí sáng 5-4.

Hùng Sơn

Pháp luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   Minh bạch hóa thông tin, doanh nghiệp mới vay được vốn' (07/04/2012)

>   3 bệnh hiểm nghèo khiến DN 'tử vong' nhanh (06/04/2012)

>   Doanh nghiệp vận tải lo "sốt vó" vì phí! (06/04/2012)

>   Luật phá sản là “cửa tử” khó qua! (06/04/2012)

>   Khó “lãi suất”, tắc “đền bù” (06/04/2012)

>   Những giọt nước mắt... phá sản (06/04/2012)

>   Doanh nghiệp Việt Nam đã kiệt sức! (06/04/2012)

>   EVN xin bán vốn tại nhà máy điện lấy tiền đầu tư (06/04/2012)

>   “Đại gia” dầu lửa Nga sẽ cùng Petro Vietnam khai thác khí đốt (06/04/2012)

>   Ngành thủy sản lo vỡ nợ: Bên bờ phá sản (06/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật