Thứ Năm, 19/04/2012 23:04

Dẹp “loạn” giấy phép con

Luật Doanh nghiệp ra đời, mở rộng cửa cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng giấy phép con vẫn sinh ra ào ạt, trở thành cản ngại lớn. Thế là những “đặc nhiệm” thi hành Luật Doanh nghiệp tiếp tục vào cuộc.

Các thành viên Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp (DN) nhớ lại: Vào thời điểm đấu tranh để luật này được thông qua, căng nhất là việc đưa thêm vào luật những nội dung mới để theo kịp thực tế cuộc sống, ví dụ công ty hợp danh - một loại hình khá xa lạ.

Quả ngọt từ Luật doanh nghiệp

Đây là loại hình công ty trách nhiệm vô hạn áp dụng cho các ngành dịch vụ chuyên môn, trong đó cuộc sống, sức khỏe… của khách hàng phụ thuộc nhiều vào chất lượng dịch vụ của bác sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư…

Phần thảo luận về loại hình công ty này ở Quốc hội khá căng thẳng. Số đại biểu đồng tình không nhiều. Giờ giải lao, các thành viên ban soạn thảo phải tranh thủ “vận động” Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và một số đại biểu, cuối cùng 12 điều của chương này rút còn 4 điều. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn kiên quyết không chịu. “Lúc đó, tôi ngồi trên bàn thư ký, vừa mệt vừa buồn nên quay sang nói với người bên cạnh: “Bỏ phần này thì tôi tiếc và buồn lắm!”. Do micro còn mở nên mọi người nghe được, một lúc sau đại biểu Nguyễn Thị Tâm Đan đứng dậy, nói: “Xin Quốc hội thông qua để anh Giá khỏi buồn!”. Mọi người cùng cười, thế là phần về công ty trách nhiệm vô hạn được biểu quyết thông qua” - TS Trần Xuân Giá, nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, vui vẻ kể.

Sau bao khó khăn, ngày 12-6-1999, Luật DN được Chủ tịch Quốc hội ký thông qua và sau đó Chủ tịch nước ký quyết định ban hành, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2000. Từ đó, mỗi năm, Việt Nam có thêm hàng vạn DN ra đời và đỉnh điểm đạt 60.000 DN mới vào năm 2007.

Cuộc chiến dai dẳng

Khi Luật DN đã được thông qua, ban soạn thảo kiến nghị thành lập một tổ công tác thi hành Luật DN trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, làm nhiệm vụ biên soạn nghị định hướng dẫn thi hành luật, được Thủ tướng chấp nhận. Để giải mã câu hỏi tại sao số DN thành lập vẫn ít, khó phát triển, tổ công tác tỏa xuống các cơ sở. Một cuộc khảo sát được thực hiện trên phạm vi cả nước. Kết quả: “Thủ phạm” chính là hơn 600 giấy phép con các loại đang tồn tại, làm cản trở việc thành lập DN. Những năm 2000-2001, đánh máy chữ thuê, vẽ tranh truyền thần, sửa đàn hay dụng cụ âm nhạc dân tộc, bán báo, thu mua ve chai…, tất cả đều phải có giấy phép!

Ông Trần Xuân Giá cho biết: “Cứ mỗi chiều thứ sáu, tổ công tác họp lại, phân tích và kiến nghị các cơ quan quản lý bỏ bớt những giấy phép không cần thiết. Trường hợp nào tổ công tác và các bộ không thống nhất được thì kiến nghị lên Thủ tướng nhờ can thiệp. Rất gian khổ! Nhưng chính nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, tổ “đặc nhiệm” chúng tôi đã xóa bỏ được 186 giấy phép”.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kể lại: “Ngày 3-2-2000, Chính phủ ban hành Nghị định 19 bãi bỏ 84 loại giấy phép con trái với tinh thần Luật DN. Chỉ vài ngày sau, các sở xây dựng, sở GTVT và phòng cấp phép vận tải ở các quận, huyện không còn cảnh chen lấn, chờ đợi xếp hàng xin giấy phép vận tải hoặc giấy phép xây, sửa nhà. Có những hôm điện thoại nhà tôi reo vang từ 5 giờ sáng. Ai đó vừa thoát khỏi cảnh khổ sở, chầu chực xếp hàng xin cấp phép ở cửa quan, mừng quá nên gọi điện đến cảm ơn tôi. Tuy nhiên, cũng có những đơn thư khiếu kiện gửi đích danh tôi với những lời lẽ rất đanh thép, cho rằng Luật DN có quá nhiều kẽ hở”…

Sát cánh bên cộng đồng DN hàng chục năm qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ: “Không khó để nhận biết sự chuyển biến lớn trong môi trường kinh doanh của Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Trước đây, giấy phép con là sản phẩm của tệ quan liêu nhưng ngày nay, đó là công cụ để sách nhiễu, tham nhũng. Nhiều cơ quan vẫn đấu tranh giữ lại cơ chế xin - cho nhằm dễ quản lý, để DN phụ thuộc vào họ nhiều hơn. DN vẫn luôn được coi là lực lượng có tiền, là nguồn thu nên trong xã hội vẫn có tư tưởng muốn gây khó dễ thêm nữa cho DN”. Vì thế, xóa bỏ giấy phép con trái Luật DN là một cuộc chiến thật sự gian nan và dai dẳng.

 

Thanh Nhân - Dương Quang - Tô Hà

người lao động

Các tin tức khác

>   Dự án gang thép Formosa tăng vốn lên 22 tỉ đô la Mỹ (19/04/2012)

>   Sẽ không có gói cứu trợ doanh nghiệp toàn diện như 2009 (19/04/2012)

>   TPP và Việt Nam: Kinh tế hay chiến lược? (19/04/2012)

>   Chông chênh... pháp lý (19/04/2012)

>   Ngành nhựa có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8/2012 (19/04/2012)

>   Lỗ hổng chính sách và câu chuyện loại bỏ độc quyền! (19/04/2012)

>   Doanh nghiệp Nhà nước phải theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu (19/04/2012)

>   2012: Dệt may sẽ tăng trưởng 25%? (19/04/2012)

>   Nhiều đơn hàng nhựa chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam (19/04/2012)

>   Quảng Ngãi khởi động lại dự án thép 4,5 tỉ USD (19/04/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật