Nhịp đập Thị trường 11/04:
Bất động sản tăng trần hàng loạt, tín hiệu mới của thị trường?
Thị trường đã rất háo hức trong phiên giao dịch buổi chiều 11/04 ngay sau khi Thống đốc NHNN có những giải thích về việc nới tín dụng bất động sản. Và động thái dễ thấy nhất của thị trường là hàng trăm cổ phiếu bất động sản, xây dựng tăng kịch trần trên cả hai sàn.
Thống kê thị trường sẽ thấy rất rõ điều đó, tại HOSE có 237 mã tăng giá thì có 116 mã tăng trần. HNX cũng có xấp xỉ 100 mã kịch trần trong số 257 mã lên giá. Cổ phiếu xây dựng, sản xuất tôn thép và bất động sản tăng giá mạnh nhất trên thị trường với 4.73%, 4.28% và 3.88%.
Liệu đây là sự kỳ vọng của nhà đầu tư về sự phục hồi của các ngành kinh doanh nói trên hay chỉ là sự hưng phấn nhất thời sau những quyết định về vĩ mô của NHNN thì vẫn cần thêm thời gian để xác định.
Sự hưng phấn của các ngành này lan rộng đến cổ phiếu của rất nhiều ngành khác, trái ngược hẳn với diễn biến lình xình và giằng co của buổi sáng.
Giá cổ phiếu và các chỉ số liên tục tăng cùng với lệnh đua trần của nhà đầu tư. Kết quả, VN-Index tăng 7.89 điểm, mức tăng cao nhất phiên, tương ứng 1.75% so với tham chiếu, đạt 458.74 điểm.
Chỉ số VN30 còn tăng mạnh mẽ hơn, với 10.23 điểm, tương ứng 1.98% lên 527.63 điểm nhờ sự hỗ trợ của hầu hết cổ phiếu trong nhóm này, đặc biệt là SJS, HAG, KDH, REE, DIG, OGC, IJC, QCG… những cổ phiếu bất động sản đều tăng kịch trần. Bất chấp việc MSN và HVG giảm nhẹ xuống 132,000 đồng và 65,000 đồng/cp, cũng như VNM đứng ở giá tham chiếu.
Giao dịch toàn phiên đạt xấp xỉ 100 triệu đơn vị, tương ứng 1,562.84 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 1 giờ 30 phút buổi chiều, giá trị giao dịch đã chiếm hơn 50% của phiên buổi sáng.
Nhà đầu tư nước ngoài mặc dù không mua vào cực mạnh nhưng cũng đạt trên 4.57 triệu đơn vị, tập trung vào các mã MBB, REE, HPG, VNS, VCB, STB, KDH…
Trên sàn Hà Nội, giao dịch toàn sàn cũng gia tăng mạnh so với buổi sáng, đạt trên 98.45 triệu đơn vị, trị giá 956.79 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng HBB và PVX đã chiếm 21.5 triệu cổ phiếu. HBB chỉ thực sự khởi sắc cuối phiên, nhưng mới đạt mức tăng 4.41% lên 7,100 đồng/cp. PVX, VCG, SCR, SHN, PVL, IDJ, DCS, IGC, SDD… đều tăng tăng kịch trần, trong khi VND, KLS và các mã cổ phiếu chứng khoán khác tăng giá, nhưng không đồng loạt lên trần.
Với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bất động sản, khoáng sản, ngân hàng, chứng khoán, HNX-Index bật tăng 2.1 điểm, tức 2.78% lên 77.51 điểm.
Buổi chiều: Tiền đang ồ ạt chảy vào thị trường
* Cổ phiếu bất động sản tăng trần hàng loạt
Mở cửa phiên buổi chiều, thị trường đã phản ứng tích cực với những phát biểu về chính sách tiền tệ do Thống đốc NHNN công bố vào cuối sáng. Bên cạnh đó, một thông tin được tiết lộ là dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt 17 tỷ USD, xấp xỉ với mức trước khủng hoảng 2008, càng làm cho nhà đầu tư nức lòng.
Sau 15 phút mở cửa, VN-Index tăng vọt hơn 6 điểm, tức khoảng 1.4% đạt trên 457 điểm. Gần 200 mã cổ phiếu tăng giá, trong đó 80 mã tăng kịch trần, bao gồm cả những cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu ngân hàng.
Giao dịch đạt trên 76 triệu đơn vị, trị giá 1,161 tỷ đồng. Những cổ phiếu như SAM, LCG, HPG, IJC, REE, NVT, HQC, OGC, PXL, TNT, VNE, PTL, QCG, KTB… tiếp tục tăng trần và lực cầu mạnh mẽ, trong khi dư mua trống rỗng.
Nhìn chung, dòng tiền đang đổ vào mạnh mẽ, còn bên bán tạm ngưng cung hàng để chờ giá lên.
Tương tự, tại sàn Hà Nội, lực cầu cũng gia tăng mạnh, với hơn 213 mã tăng giá, trong đó 59 mã tăng kịch trần. Trong đó, có cả những mã cổ phiếu chủ chốt như SCR, SHN, PXL, VCG và sắp đến lượt VND, KLS, PVX, PVS… Nhóm cổ phiếu chứng khoán bắt đầu nổi sóng trở lại.
HNX-Index sau 15 phút mở cửa đã vọt tăng gần 2 điểm, tức khoảng 2.65% đạt 77.4 điểm. Giao dịch tăng lên đáng kể với gần 68 triệu đơn vị, trị giá 669 tỷ đồng.
|
Tiền đang đổ vào cổ phiếu chứng khoán, bất động sản và tôn thép |
Buối sáng: Đón tin tốt, thị trường vẫn chưa thực sự lạc quan
Sắc xanh vẫn được duy trì cho đến hết phiên giao dịch buổi sáng, tuy nhiên tâm lý phấn khởi không còn nhiều, thay vào đó là sự thận trọng về áp lực bán có thể mạnh dần lên vào buổi chiều.
Nhân cơ hội thị trường đón nhận tin tốt lành về việc hạ lãi suất, bên mua đẩy mạnh bán ra với giá cao, trong khi bên mua thiếu sự quyết liệt, đặc biệt những nhà đầu tư lớn chưa quay lại nâng đỡ các mã bluechips, đặc biệt là nhóm tứ trụ tại HOSE. Điều này làm cho thị trường khó có thể bật mạnh.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng thị trường giằng co khi sắp tiếp cận các ngưỡng kháng cự mạnh. Do đó, mặc dù có thông tin tốt, nhưng dòng tiền chưa đủ mạnh để đẩy thị trường lên cao.
Thống kê cuối phiên buổi sáng, nhóm cổ phiếu Mid Cap bật tăng 1.48%, cùng các nhóm Small Cap và Micro Cap lần lượt tăng 1.47% và 0.93%. Trong khi nhóm Large Cap có các mã BVH, MSN, VNM, CTG, KDH… đứng giá hoặc giảm nhẹ nên chỉ tăng 0.45%.
Chỉ số VN-Index tạm ghi nhận mức tăng 3.54 điểm, tương ứng 454.39 điểm. Toàn sàn có hơn 160 mã tăng giá. Còn lại gồm 41 mã giảm và 78 mã đứng yên.
Tuy vậy, thì trường cũng ghi nhận nhiều mã cổ phiếu tăng trần, trong đó có nhiều mã thuộc nhóm bất động sản, sắt thép, khoáng sản và xây dựng như SAM, LCG, DTA, VPH, HQC, NTB, KSH, ITA, DXG, KHA, UIC, DIC, ITC, QCG, PTC, HSG… số lượng cũng vài chục mã.
Tính chung toàn sàn có 64.36 triệu đơn vị, trị giá 1,000 tỷ đồng, mức khá cao trong vài phiên trở lại đây. Đáng chú ý là việc STB có giao dịch thỏa thuận hơn 5 triệu cổ phiếu, đều ở mức giá dưới tham chiếu.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 0.99 điểm cuối buổi sáng, tương ứng 1.31% đạt 76.4 điểm. Giao dịch đạt xấp xỉ 54.5 triệu đơn vị, tương đương 540 tỷ đồng.
Nhìn chung, thị trường vẫn tích cực với 180 mã tăng giá, còn lại gồm 56 mã giảm và 162 mã đứng yên. Trong đó, 5 mã có khối lượng giao dịch nhiều nhất chiếm hơn 21 triệu đơn vị gồm HBB, PVX, VND, KLS và SCR.
11h00: Dấu hiệu đuối sức hay chỉ là sự điều chỉnh?
Thị trường yếu dần về cuối phiên giao dịch buổi sáng. Tâm lý hồ hởi đầu phiên đã được thay bằng sự thận trọng, do bên mua xả hàng ngày càng nhiều. Giao dịch dù tăng đáng kể nhưng vẫn trở lại mức lình xình như vài phiên gần đây.
Đến khoảng 11h00, VN-Index chỉ còn tăng nhẹ 2.27 điểm, tức khoảng 0.5%, thấp hơn nhiều so với đầu giờ sáng. Chỉ số HNX-Index cũng thu hẹp mức tăng còn 0.71 điểm, tức khoảng 0.94%.
Mặc dù trên cả hai sàn, số lượng mã tăng giá vẫn chiếm ưu thế (152 mã tại HOSE và 168 mã tại HNX), tuy nhiên số lượng cổ phiếu bluechips tăng giá không còn nhiều như trước.
Lần lượt các mã như BVH, SBS, REE, KDC, HVG quay đầu giảm hoặc VIC, VNM, EIB, CTG… trở về mốc tham chiếu. Các mã tăng như MSN, STB, SSI, HPG, OGC… cũng chưa đến 1%.
Tương tự, đà tăng của VND, PVX, KLS, ACB, SCR… tại HNX cũng khá yếu… thậm chí HBB trở mức tham chiếu. Các mã ngành chứng khoán cũng không tăng mạnh vì thiếu lực cầu.
Thanh khoản hai sàn vượt 100 triệu đơn vị, trị giá khoảng 1,355 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch tại HOSE chiếm đa số với 56.57 triệu đơn vị, tương đương 883.5 tỷ đồng.
10h00: Bên mua chưa quyết liệt, thị trường vẫn tiếp tục giằng co
Mặc dù được hỗ trợ bởi một loạt thông tin vĩ mô khá tốt, nhưng bên bán vẫn có xu hướng xả hàng mạnh trong khi bên mua chưa thực sự gom hàng một cách quyết liệt. Điều này tạo nên sự giằng co trên thị trường trong khoảng 1 giờ mở từ khi mở cửa.
Thiếu lực cầu mạnh, và bên bán liên tục xả hàng làm cho đà tăng mạnh của thị trường khó giữ vững.
Tính đến 10h00, VN-Index chỉ còn tăng 3.54 điểm, tức 0.79% tạm giữ ở 454.39 điểm. Giao dịch đạt trên 32 triệu đơn vị, tương đương 480 tỷ đồng. Đáng chú ý, mã STB có hơn 3 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận với giá dưới tham chiếu, dù trên sàn giá cổ phiếu này vẫn tăng 0.81%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch vẫn khá ảm đạm. Lần lượt VCB, CTG, EIB đều quay về mức tham chiếu, các mã khác cũng chỉ tăng nhẹ.
VIC, MSN, BVH dù giữ sắc xanh để hỗ trợ cho thị trường nhưng mức tăng khá yếu.
SAM vẫn dẫn đầu về thanh khoản, với 1.55 triệu đơn vị, kế đến là NVT tăng trần phiên thứ 3, và giao dịch đạt hơn 1.44 triệu đơn vị.
Toàn sàn dù có khoảng 160 mã tăng giá, nhưng số mã tăng trần chỉ chiếm 36 mã tăng trần cũng đủ thấy sự “quyết liệt” của bên mua đến mức nào.
|
Giá các cổ phiếu đang giảm dần |
Trên sàn Hà Nội, tình hình cũng khá ảm đạm với khoảng 160 mã tăng giá, nhưng cũng chỉ có 26 mã tăng trần. Các mã chủ chốt như VND, KLS, PVX, SHB, HBB, PVS, ACB… dù tăng nhưng biên độ nhưng biên độ không đáng là bao. Điều này làm cho HNX-Index thu hẹp mức tăng còn 1.38%, tạm giữ ở 76.45 điểm.
Giao dịch chậm dần, với gần 30 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương đương 292 tỷ đồng. HBB vẫn dẫn đầu về giao dịch, nhưng chỉ có 3.9 triệu cổ phiếu chuyển nhượng. Tiếp đến là PVX, KLS, VND, SCR…
Mở cửa: Chứng khoán hồ hởi với tin hạ lãi suất
Thông tin giảm lãi suất, cùng gói điều hành thị trường tiền tệ của NHNN đã làm nức lòng giới đầu tư chứng khoán. Bằng chứng là thị trường đã bật mạnh ngay những phút đầu mở cửa. Giao dịch sôi động trở lại sau vài phiên lình xình ở mức thấp.
Chỉ trong vòng 15 phút mở cửa, VN-Index đã tăng 6.71 điểm, tương ứng 1.49% đạt 457.56 điểm, mức tăng khá mạnh trong vài phiên trở lại đây. Thị trường được hỗ trợ bởi lực cầu khá mạnh giúp hàng loạt mã chứng khoán tăng giá. Trong nhóm bluechips, ngoại trừ VIC giảm nhẹ 0.54%, phần lớn các mã khác đều tăng, ít nhất cũng giữ tại mốc tham chiếu như PNJ, HVG, VNM.
Chỉ số VN30 cũng tăng đến 7.31 điểm, tức khoảng 1.41% đạt 524.71 điểm.
Giao dịch khá sôi động với khoảng 8 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, trị giá 96 tỷ đồng. Toàn sàn có hơn 150 mã tăng giá, trong đó 42 mã tăng kịch trần.
Một loạt cổ phiếu đầu cơ và cổ phiếu tăng kịch trần như ITA, NVT, HQC, UDC, NTB, PTL. Nhóm cổ phiếu khoáng sản ở sàn này cũng bật mạnh với KTB, KSA…
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index vượt qua mốc 77 điểm, tương ứng mức tăng trên 2%. Giao dịch đạt khoảng 9 triệu đơn vị, tương đương 87 tỷ đồng.
Dù có khoảng 120 mã tăng giá, nhưng chỉ có khoảng 26 mã tăng kịch trần, cho thấy lực cầu vẫn chưa thực sự quyết liệt.
Chỉ có một vài mã bluechips tăng trần như SCR, PVL.. còn lại chỉ đạt mức tăng từ khoảng 4% trở lên.
Thống kê theo ngành cho thấy, nhóm cổ phiếu chứng khoán, xây dựng, khai khoáng, nông-lâm-ngư nghiệp và bảo hiểm dẫn đầu thị trường về mức tăng giá.
Viết Vinh (Vietstock)
FINFONET
|