Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình công bố sẽ giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi thêm 1%, nhiều ngân hàng cũng đã hưởng ứng hạ lãi suất cho vay.
Cụ thể, từ ngày 7-3, OceanBank cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, lâm, ngư, diêm nghiệp vay với mức lãi suất giảm 2% - 3%/năm so với lãi suất các khoản tín dụng thông thường. Ngân hàng An Bình (ABBank) cũng có chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh trả góp hoặc vay bổ sung vốn lưu động. ABBank sẽ giảm ngay 1,5% lãi suất so với lãi suất ban hành của sản phẩm từng thời kỳ trong kỳ lãi đầu tiên ngay khi giải ngân đối với khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh cá thể.
Ngoài việc giảm lãi suất, ABBank cũng cho vay tối đa lên đến 80% giá trị đảm bảo, thời hạn vay tối đa 120 tháng. LienVietPostBank cũng giảm lãi suất cho vay VNĐ với mức giảm tối đa 1%/năm đối với khách hàng vay vốn lưu động, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả và mục đích sử dụng vốn vay vào các ngành và lĩnh vực kinh tế như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ… Tùy điều kiện cụ thể, khách hàng có thể được vay vốn với lãi suất 17%/năm.
Chiều 8-3, Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết ngân hàng này đang dành hạn mức tín dụng lên đến 7.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho đối tượng là khách hàng cá nhân và gia đình. Với hạn mức tăng trưởng tín dụng 17% do Ngân hàng Nhà nước cho phép, trong năm 2012, ACB sẽ tập trung nguồn vốn để đẩy mạnh cho vay phục vụ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của các cá nhân/hộ kinh doanh/doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nhu cầu về nhà để ở của khách hàng cá nhân.
Để thực hiện mục tiêu này, ngày 7-3, ACB đã giảm lãi suất cho vay trung bình đến 1,5%/năm so với lãi suất đang áp dụng từ đầu năm 2012.
Ngày 8-3, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố triển khai chương trình áp dụng lãi suất ưu đãi đặc biệt, thấp hơn trung bình 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường đối với các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống.
Cụ thể, VIB sẽ dành nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp của hai ngành này. Không chỉ hỗ trợ về nguồn vốn, VIB còn có các chính sách ưu đãi hấp dẫn cho các doanh nghiệp thuộc ngành thực phẩm và đồ uống như: giảm 30% phí chuyển tiền trong nước khi doanh nghiệp chuyển tiền cho đối tác/bạn hàng hoặc chuyển tiền trong nước qua ngân hàng trực tuyến; giảm 10% các phí dịch vụ L/C và nhờ thu, phí chuyển tiền đi, đến quốc tế; miễn phí trả lương năm đầu tiên và giảm 30% phí trả lương năm thứ 2; ưu đãi lắp đặt máy ATM khi doanh nghiệp sử dụng “Gói trả lương đa tiện ích” với tối thiểu 300 tài khoản trả lương...
H.Nhung - M.Thi - B.Minh
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|