Những 'con bệnh' ngân hàng
Tại sao gần đây dư luận mới được biết có đến "mươi" ngân hàng thuộc diện yếu kém? Phải chăng các ngân hàng này đã "ủ bệnh" từ lâu mà không được kiểm tra toàn diện?
Sát hạch toàn diện để bắt bệnh
Nhiều năm qua, những thông tin về "bệnh tình" của các ngân hàng thường không được công bố công khai, chỉ đến khi cơn bệnh bộc phát, phải cấp cứu thì xã hội mới biết. Gần đây, NHNN có lần công bố một ngân hàng thương mại có tỉ lệ nợ xấu cao hay tính thanh khoản của ngân hàng khác yếu, khiến cơ quan này phải bơm vốn hỗ trợ bằng hình thức tái cấp vốn, thông qua BIDV là đại diện cho NHNN. Tuy nhiên, nguyên nhân thực chất gây ra các hệ quả này đối với từng ngân hàng hiếm khi được công bố chính thức.
|
Trở lại câu chuyện phân loại các ngân hàng qua tiêu chí tăng trưởng tín dụng, việc NHNN không công bố danh tính các ngân hàng bị xếp vào nhóm 4 có thể hiểu là cách cơ quan này tránh tạo ra hoang mang trong dư luận xã hội và gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngân hàng. Nhưng, điều cốt yếu không phải là giấu, bởi khó có thể giấu trước sức ép từ các luồng thông tin khác. Thay vào đó, NHNN cần công khai căn bệnh của từng ngân hàng là gì, nguyên nhân nào và "thuốc chữa" ra sao, cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người gửi tiền. Điều này cũng giống như việc khám, công bố và chữa cho một bệnh nhân.
Trong tình hình nhạy cảm như hiện nay, nói ra sự thật là điều nên làm. Hơn nữa, chữa bệnh phải chấp nhận đau. Bất cứ sự thay đổi nào (tái cấu trúc) cũng sẽ dẫn đến những điều không mong muốn, nhưng buộc phải làm. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, NHNN nên tiến hành một cuộc sát hạch (stress test) triệt để toàn bộ các ngân hàng thương mại. Mục đích nhằm đo lường sức khỏe của từng ngân hàng, tương tự như hành động của chính phủ Mỹ hồi đầu năm 2009, khi hệ thống tài chính Mỹ rơi vào khủng hoảng.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, đây là việc cần làm và NHNN có thể làm được. Thực tế, sức khỏe nhiều ngân hàng đã quá kém trong thời gian qua, nhưng thông tin lại chưa được công bố. Điều này ảnh hưởng không tốt đến tâm lý người gửi tiền và cổ đông nhỏ. "NHNN cần đo lường một cách chính xác "sức khỏe" của từng ngân hàng thì mới có thể kê đơn, bốc thuốc đúng liều và đủ liều. Cần phân loại từng ngân hàng theo các tiêu chí: phải cấp cứu, thay máu (tức ngân hàng phải hợp nhất, sáp nhập); có thể dùng kháng sinh hay phải tiêm thuốc trợ lực (tức bơm vốn hỗ trợ thanh khoản). Thậm chí có ngân hàng phải cho phá sản và nên coi điều này là bình thường trong một nền kinh tế", ông Thành nói. Tiến sĩ Trần Vinh Dự từ Công ty TNK Capital Partners cho rằng, việc sát hạch toàn diện sẽ cho phép chính phủ hiểu được tình hình sẽ tiến triển trong tương lai thế nào trong các kịch bản kinh tế khác nhau. Các kịch bản này cần phải được tính đến và đề xuất các giải pháp tương ứng nhằm tránh cho nền kinh tế không bị rơi vào tình huống bị động.
Chịu đau để trị bệnh
Nhiều ý kiến cho rằng, NHNN cần đóng vai trò như một vị bác sĩ phẫu thuật, phải cắt bỏ những khối u vốn đã di căn mà không thể dùng thuốc kháng sinh để chữa. Nhiều năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đối diện với hàng loạt các loại rủi ro: tín dụng, thị trường, đạo đức. Cho vay bất động sản và chứng khoán không được kiểm soát chặt chẽ, đã đẩy nhiều ngân hàng vào thế phải gánh chịu những khoản nợ xấu rất lớn. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp do dựa vào mối quan hệ thân quen đã tiếp cận được những khoản tín dụng dễ dãi nên đầu tư ồ ạt, mang nặng tính đầu cơ, khi thị trường còn đang hứng khởi. Giờ đây, khi thị trường khó khăn, tín dụng bị siết chặt, những mảng tối mới dần hé lộ và gây ra nhiều hệ lụy cho cả nền kinh tế."Không thể nương nhẹ, cứu vớt những ngân hàng cố tính phớt lờ các quy định của NHNN về CAR (hệ số an toàn vốn tối thiểu), tăng trưởng tín dụng, nợ xấu... Nếu họ bị bệnh thì cũng do họ đã không biết giữ gìn, để liên lụy cả hệ thống. Vì thế, phải mạnh tay với những ngân hàng này", một chuyên gia không muốn nêu tên tâm sự với DOANH NHÂN.
Phải thừa nhận, một số ngân hàng rơi vào tình trạng yếu kém như hiện nay là do một thời gian dài không nằm trong tầm kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Trong đó, tình trạng mất thanh khoản là một căn bệnh trầm kha. Cuối năm ngoái, BIDV đã phải thay mặt NHNN bơm 3.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Bắc Á và 5.000 tỷ đồng cho Ngân hàng GP qua các thỏa thuận hợp tác, nhưng thực chất là tái cấp vốn. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng thương mại cũng phải đương đầu với tình trạng "nợ dưới chuẩn" rất cao. Theo số liệu từ NHNN, chỉ tính đến hết tháng 8/2011, nợ dưới chuẩn hay nợ xấu (nhóm 3,4,5) của toàn ngành ngân hàng đã là trên 76.000 tỷ đồng. Đây chính là hệ quả của tình trạng đình trệ về kinh tế và khủng hoảng trên thị trường bất động sản. Ông Trần Vinh Dự phân tích: "Việc các doanh nghiệp không trả được nợ buộc các ngân hàng này phải liên tục cho đảo nợ và vốn hóa cả lãi suất thành nợ gốc đã khiến tăng trưởng tín dụng trong hệ thống có thời điểm cách đây vài năm lên tới 50%/năm mặc dù rất ít khoản vay mới được giải ngân. Nó cũng khiến các ngân hàng "khô máu" và mất thanh khoản. Điều đó dẫn tới cuộc chạy đua lãi suất huy động, mà hệ quả là mức lãi suất này có lúc bị đẩy lên tới trên 20%/năm.
Cũng theo ông Dự, sáp nhập các ngân hàng yếu với nhau sẽ không có tác dụng. Theo quan điểm của ông, nhà nước vì lẽ đó phải sử dụng đồng loạt cả 3 biện pháp sau đây:
Một, khuyến khích các ngân hàng lớn, mạnh mua lại hoặc lấy lại các ngân hàng nhỏ, yếu. Thậm chí, với các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt, nhà nước phải quyết liệt chỉ định để các giao dịch này xảy ra. Năm 2008 và 2009, Chính phủ Mỹ đã chỉ đạo và gây sức ép buộc Wells Fargo phải mua Wacovia, còn Bank of America (BoFA) phải mua lại Merrill Lynch. Tất nhiên, nhà nước có thể cam kết một số bảo đảm cho các ngân hàng lớn khi đứng ra mua lại ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn, nếu giao dịch mua lại khiến họ khó khăn thì nhà nước sẽ trợ giúp bằng nhiều biện pháp, công cụ. Lợi thế của cách làm này, theo ông Trần Vinh Dự, là nó làm giảm chi phí của nhà nước trong các gói ứng cứu cho các ngân hàng, trong khi các ngân hàng tư nhân vẫn có thể tự làm.
Hai, cho phép quốc hữu hóa một số ngân hàng có chọn lọc, vực dậy một thời gian, sau đó khi thị trường tốt lên nhà nước sẽ bán lại cho tư nhân. Việc quốc hữu hóa này trong nhiều trường hợp là chuyển nhượng miễn phí. Có nghĩa là chủ ngân hàng phải chịu mất trắng vốn chủ sở hữu. Điều này là cần thiết, bởi một số ngân hàng làm ăn không nghiêm túc gây tác hại cho cả hệ thống ngân hàng, người gửi tiền và cổ đông, song vẫn bán được vốn chủ sở hữu của họ và thu nhiều tiền.
Ba, NHNN có thể cho phép (trong sự thận trọng cần thiết và đã cân nhắc kỹ các hệ quả) phá sản một số ít ngân hàng quá nhỏ. Mục đích là giảm gánh nặng chi phí ứng cứu của nhà nước, lại phát đi thông điệp rõ ràng: Chính phủ sẽ không chìa tay cứu giúp bằng mọi giá đối với ngân hàng không tự cứu mình bằng cách làm ăn nghiêm chỉnh. Tâm lý không cần tự thay đổi có vẻ đã hình thành ở một số ngân hàng, như một hiệu ứng tâm lý đối với quyết tâm chính trị của NHNN: không để bất cứ ngân hàng nào sụp đổ.
Một giải pháp tái cơ cấu mang tính toàn diện và đồng bộ trong lĩnh vực ngân hàng cần tính đến việc cho phép thành lập thị trường mua bán nợ. Lý do là, nếu không mua bán được nợ, các ngân hàng không có cách nào tự làm sạch các bảng cân đối tài sản và tăng tính thanh khoản trong hoạt động của họ.
Thành Trung
diễn đàn doanh nghiệp
|