Vốn rẻ chỉ dành cho lĩnh vực ưu tiên
Nhiều ngân hàng vừa đưa ra các gói tín dụng dành cho doanh nghiệp (DN) với lãi suất ưu đãi hơn trước. Song chỉ các DN ở lĩnh vực ưu tiên mới tiếp cận nguồn vốn vay này.
Theo Chỉ thị 01/2012/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, những doanh nghiệp nông nghiệp - nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động thuộc diện được ưu tiên vay vốn với lãi suất ưu đãi của ngân hàng.
Trong những ngày gần đây, không ít ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất khẩu.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa đưa ra gói 2.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vay, với lãi suất thấp hơn 2% - 2,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường (18-19%/năm). Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB nhận định, hiệu quả sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp phản ánh thực trạng hoạt động của ngân hàng, nên việc tìm các giải pháp để cung ứng nguồn vốn với lãi suất hợp lý là mục tiêu của ngân hàng. Đó cũng là lý do OCB đưa ra gói tín dụng ưu đãi trên.
Sacombank cũng dành 1.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp từ nay đến ngày 6/4 hoặc khi nguồn vốn đã sử dụng hết (tùy theo điều kiện nào đến trước).
Lãi suất áp dụng cho các khoản vay của chương trình này tối thiểu là 16,5%/năm, với thời hạn vay tối đa 4 tháng. Những khách hàng được hưởng lãi suất ưu tiên cho vay cũng là doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.
Mới đây, ACB đã triển khai chương trình tín dụng 100 triệu USD ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo, thủy sản, điều, xăng dầu, nhựa, sắt thép…
Ông Đỗ Minh Toàn, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, với chương trình trên, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, khi có nhu cầu bổ sung vốn lưu động, sẽ được ACB tài trợ vốn vay bằng USD với lãi suất ưu đãi. “Việc điều chỉnh trần lãi suất huy động VND về 13%/năm là điều kiện tốt để ngân hàng cắt giảm dần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trước mắt, lãi suất cho vay thỏa thuận chưa thể giảm mạnh, vì các khoản vốn huy động ở mức trần cũ trước đó cũng phải có thời gian để tiêu thụ hết. Do đó, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tại ACB hiện dao động 18 - 18,5%/năm”, ông Toàn nói.
Tổng giám đốc Sacombank, ông Trần Xuân Huy cho rằng, trước mắt, lãi suất cho vay ở mức 16,5%/năm tại Sacombank được xem là ưu đãi nhất và nguồn vốn cũng chỉ cung ứng cho các doanh nghiệp có chọn lọc. Còn trong thời gian tới Sacombank sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất trên cơ sở theo dõi diễn biến của thị trường.
Trần lãi suất huy động giảm được xem là điều kiện tốt nhất cho các ngân hàng giảm dần lãi suất cho vay thỏa thuận. Từ đó, các ngân hàng từng bước kích cầu tăng trưởng dư nợ tín dụng, nhất là khi hoạt động cho vay trong 2 tháng qua dường như không tăng.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cũng cho hay, lãi suất cho vay thỏa thuận sau Tết Nguyên đán đã giảm dần. Tuy nhiên, tín dụng vẫn khó tăng trưởng. Một phần mặt bằng lãi suất cao vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, đồng thời, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phải kiểm soát chặt trong năm nay, nên các ngân hàng cũng khó đẩy mạnh vốn cho vay. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng tỏ ra thận trọng khi vay vốn ngân hàng với lãi suất còn cao, trong khi đầu ra sản phẩm chưa được cải thiện nhiều.
“Lãi vay áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp ở lĩnh vực xuất khẩu tại HDBank hiện là 17- 18%/năm, giảm 1%/năm so với trước. Ngân hàng sẽ điều chỉnh tiếp cho phù hợp, nhưng khả năng sớm nhất cũng chỉ về 16 - 18%/năm”, ông Long nói.
Thùy Vinh
đầu tư
|