Thứ Ba, 20/03/2012 07:15

Lãi suất vượt trần: Không thèm tố cáo

Hiện vẫn còn những ngân hàng huy động lãi suất vượt trần. Tuy nhiên, khác với trước đây, các ngân hàng hiện cũng không ai thèm quan tâm, tố cáo việc thỏa thuận lãi suất của các ngân hàng nhỏ. Đó cũng là cái cách làm ngơ để ngân hàng nhỏ qua cơn hoạn nạn.

Cuối tuần, ngân hàng G trên đường Kim Mã đã đồng ý nhận tiền gửi 1 tỷ đồng của chị Thắm làm việc ở Núi Trúc với lãi suất lên đến 17%.

Theo chị Thắm, không biết bằng cách nào ngân hàng biết mình đang có tiền nhàn rỗi liền gọi điện mời chào. Ra tận nơi nhân viên ngân hàng cho biết, gửi tối thiểu 1 tỷ với kỳ hạn một tháng mới,  lãi suất 17%.

Lãi suất sẽ thấp hơn nếu gửi ít hơn hoặc dài hạn hơn. Tuy nhiên, thời hạn dài nhất mà các ngân hàng này nhận gửi là 3 tháng với lãi suất 14%.

Không khỏi băn khoăn về những cảnh báo ngân hàng khó khăn sẽ phải huy động lãi suất cao thì ngay lập tức nhân viên ở đây "đánh bài ngửa": "Đúng là bọn em có khó khăn nhưng đã lo được hết cả rồi. Bây giờ chỉ cần huy động nhiều tiền, em được thưởng cao em chia lại cho chị có sao đâu. Hơn nữa, nếu ngân hàng có khó khăn cũng chả sao, vì chả ai chết cả, chả ai mất tiền cả. Nhà nước lo hết rồi".

Thấy có lý, chị Thắm chấp nhận gửi tiền với đòi hỏi lấy phần phụ trội ngay. Nhân viên ở đây đồng ý đưa khoản tiền của chị vào tiết kiệm có thưởng với lãi suất 13%. Đồng thời đưa ngay cho chị Thắm mấy chiếc thẻ cào với giá trị tương đương phần phụ trội. Chị Thắm chỉ cần ký nhận, cào thẻ là chắc chắn trúng thưởng. Nhận đủ số tiền phụ trội của mình.

Trong khi đó, ngay đầu tuần này, anh Thanh ở Nam Đồng cũng đã liên hệ để gửi khoản tiền 500 triệu với lãi suất 16,5% ở ngân hàng P trên phố Trần Đại Nghĩa.

Tuy nhiên, ngân hàng này khá cẩn thận nên anh Thanh đã phải liên hệ qua người bạn làm ngân hàng, rồi được xác nhận là người thân thì ngân hàng mới đồng ý nhận tiền gửi.

Theo đó, nếu món tiền 1 tỷ trong 1 tháng sẽ được 17%, nếu 500 triệu sẽ là 16,5%. Gửi dài hơn 1 tháng giảm 1%. Thời hạn tối đa nhận gửi là 3 tháng, món tiền tối thiểu được thỏa thuận phải 200 triệu.

Tại Ngân hàng này, nhân viên ở đây cũng trấn an khách hàng bằng tấm băng rôn treo ngay trong phòng giao dịch về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 17% như khẳng định chất lượng của ngân hàng mình. Tuy nhiên, để trấn an khách hàng, nhân viên ở đây cũng nói thẳng: "Bên em lo được 17% rồi nên mọi khó khăn sẽ được giải quyết hết. Mà có sáp nhập hay tái cơ cấu sẽ có Ngân hàng Nhà nước lo hết".

Tại đây, khoản tiền phụ trội, khách hàng sẽ được nhận vào cuối kỳ, được hợp thức hóa dưới dạng một khoản tiền nộp tài khoản, cuối kỳ sẽ rút ra cùng lãi của tiền gửi.

Nhiều người trong giới ngân hàng cho biết, tình trạng huy động lãi suất vượt trần vẫn đang tồn tại ở một số ngân hàng nhỏ. Đó là những ngân hàng thực sự đang khó khăn thanh khoản. Họ chỉ cần thêm nguồn tiền để khắc phục khó khăn hiện tại. Câu chuyện này sẽ sớm kết thúc trong thời gian tới.

Điều đáng nói là việc huy động vượt trần lãi suất đã tồn tại và đến khi hạ trần lãi suất vẫn tiếp tục diễn ra nhưng không khí quản lý ráo riết của Ngân hàng Nhà nước giờ biến mất, và các ngân hàng xem ra cũng không còn quan tâm đến việc này.

Theo lý giải của trưởng ban nguồn vốn của một ngân hàng lớn, nếu trước đây tình trạng vượt trần diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng đến các ngân hàng lớn về khả năng huy động vốn nên các ngân hàng bức xúc. Được thể khi có quy định mới của Ngân hàng Nhà nước thì việc phát hiện và tố cáo cũng làm mạnh để dằn mặt nhau.

Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng hầu hết đã thoát khỏi khó khăn trước mắt, các ngân hàng lớn dư vốn để cho vay nên không còn lo lắng bị ngân hàng hút mất vốn. Vả lại, hiện tượng này cũng chỉ còn ở một số ngân hàng nhỏ không thể gây ảnh hưởng cho toàn thị trường nên các ngân hàng có biết cũng chẳng ai thèm quan tâm chuyện tố cáo lẫn nhau.

Hơn thế, một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, thực sự cũng phải thông cảm với các ngân hàng này, họ đang rất khó khăn mới phải làm thế để qua giai đoạn hoạn nạn. Bây giờ mà tố cáo, bị xử lý thì cũng coi như bị dồn vào chân tường. Làm ngơ coi như chừa cho một đường sống.

Đặc biệt, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, đợt cuối năm ngoái, một số ngân hàng cũng ra mặt tố cáo các ngân hàng vượt trần. Đối thủ bị xử lý nhưng người tố cáo cũng chịu nhiều điều tiếng không hay trong giới kinh doanh. "Cùng làm ăn cả nên cũng phải làm ngơ để còn qua lại nhìn mặt nhau", ông này nói.

Phước Hà

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Giằng co bỏ trần lãi suất (20/03/2012)

>   Chủ trương giảm lãi suất của Việt Nam là hợp lý (19/03/2012)

>   “Lỗ hổng” nghiệp vụ nhìn từ những vụ trục lợi nhiều tỷ đồng (19/03/2012)

>   Chính sách tiền tệ đang thắt lại (19/03/2012)

>   Giảm lãi suất, để không chỉ là hô hào (19/03/2012)

>   Ngân hàng zombie và “tài sản độc hại” (19/03/2012)

>   Lối đi nào cho sáp nhập ngân hàng Việt Nam? (19/03/2012)

>   Khởi động vốn cho bất động sản (19/03/2012)

>   Khuyến mãi nước ngoài bao nhiêu là đủ? (18/03/2012)

>   Bài học pháp luật về cho vay bằng ngoại tệ (18/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật