Chủ trương giảm lãi suất của Việt Nam là hợp lý
Về chủ trương hạ lãi suất của Ngân hàng nhà nước, Trưởng đại diện thường trú của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam nhận định, các điều kiện thị trường đã đầy đủ, nhưng sẽ phải mất một khoảng thời gian để chính sách thực sự giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.
Phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh đã có cuộc phỏng vấn ông Sanjay Kalra, đại diện IMF tại Việt Nam.
Với chính sách hạ lãi suất được NHNN Việt Nam đưa ra, quan điểm của ông thế nào? Theo ông, các điều kiện thị trường lúc này đã đủ để giảm lãi suất hay chưa?
Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam: Tôi nghĩ, chính sách hạ lãi suất nhìn chung khá hợp lý ở thời điểm này, khi mà kinh tế vĩ mô đã được cải thiện, tỷ giá hối đoái cũng được cải thiện trong vài tháng qua và áp lực lạm phát không còn căng thẳng nữa. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các bước cải thiện điều kiện của hệ thống ngân hàng, giúp các ngân hàng thương mại giải quyết những vấn đề của họ, bằng cách kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến kết luận rằng, đây là thời điểm hợp lý để hạ lãi suất.
Lãi suất ấn định của ngân hàng Nhà nước đã được giảm 1%, nhưng liệu mặt bằng lãi suất cho vay có được kéo thực giảm không? Theo ông sẽ mất bao lâu để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ?
Ông Sanjay Kalra: Chúng ta sẽ còn phải chờ đợi và theo dõi xem điều đó xảy ra như thế nào. Hiện tại thì ngân hàng Nhà nước đang phải giải quyết các vấn đề của hệ thống ngân hàng, còn các ngân hàng thì cũng đang thận trọng với lãi suất cho vay, ngay cả khi đã hạ trần lãi suất.
Sẽ mất một khoảng thời gian để chính sách hạ trần lãi suất thực sự chuyển hóa thành các khoản cho vay giá rẻ. Nhưng động thái của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có ảnh hưởng đến khả năng hạ lãi suất cho vay. Bởi khi trần lãi suất huy động được hạ xuống, sẽ sinh ra tỷ lệ lợi nhuận biên của các ngân hàng tăng lên. Đây là cơ sở để hạ lãi suất cho vay.
Về trần lãi suất huy động, ngay cả khi được ấn định ở 14% thì các ngân hàng yếu cũng đã chật vật với thanh khoản. Vậy thì nay khi mà lãi suất trần được hạ xuống 13%, thì có cơ sở nào để tin rằng tính thanh khoản của nhóm ngân hàng này sẽ được cải thiện, thưa ông?
Ông Sanjay Kalra: Thực ra vấn đề của hệ thống ngân hàng, đặc biệt nhóm các ngân hàng yếu nằm ở những chênh lệch nghiêm trọng trong quan hệ tài sản - công nợ. Một số ngân hàng do chỉ có nguồn huy động ngắn hạn nhưng lại chấp nhận cho vay trung dài hạn cho một số dự án có rủi ro, thì dĩ nhiên sẽ gặp rủi ro thiếu thanh khoản tại một số thời điểm và phải lo đi “chạy tiền” trên thị trường liên ngân hàng.
Tôi cho rằng hạ trần lãi suất huy động thực ra không ảnh hưởng gì đến nhóm các ngân hàng yếu, bởi vì họ đang có những vấn đề nội tại về bảng cân đối tài sản. Và để thuyết phục được Ngân hàng nhà nước hay thị trường, thì các ngân hàng thương mại này cần phải chứng minh được sức khỏe của họ tốt lên.
Việt Cường
vtv
|