Bài học pháp luật về cho vay bằng ngoại tệ
Trong phiên xử phúc thẩm mới đây, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên tịch thu sung công quỹ gần 60 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Thu Tr., trú ở phường Tân Lập, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đó là khoản tiền lãi thu được từ việc cho vay bằng ngoại tệ trái pháp luật.
Theo hồ sơ vụ kiện, bà Nguyễn Thị Thu Tr. cho bà Trần Thị Minh Ch., trú ở phường Phương Sơn, TP Nha Trang vay nhiều lần bằng tiền Việt và USD. Hai bên thỏa thuận mỗi tháng bên vay phải trả lãi suất đối với tiền Việt 3% và Mỹ kim 2%. Và sau một thời gian trả nợ không dứt điểm, bà Tr. đã khởi kiện bà Ch. ra tòa đòi 710 triệu đồng và 15.000 USD tiền gốc cùng với tiền lãi.
Khi xử sơ thẩm ngày 19/7/2011, TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bà Ch. phải trả cho bà Tr. tổng số tiền nợ gốc và lãi gần 1,227 tỷ đồng. Trong đó khoản nợ gốc tiền Việt và Mỹ kim đã được quy đổi theo tỷ giá tại thời điểm xét xử là 1,019 tỷ đồng và gần 208 triệu đồng tiền lãi.
Ngày 15 và 25/8/2011, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định kháng nghị và bổ sung kháng nghị Bản án sơ thẩm số 17/DSST ngày 19/7/2011 của TAND tỉnh Khánh Hòa. Đề nghị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng: Tuyên bố hợp đồng vay tài sản ngày 10-10-2007 giữa bà NguyễnThị Thu Tr. và Trần Thị Minh Ch. vô hiệu một phần. Buộc bà Ch. trả lại cho bà Tr 15.000 USD nhưng phải quy đổi thành tiền Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm và 710 triệu đồng tiền Việt cộng với lãi phát sinh từ tháng 1/2010 đến khi xét xử vụ án.
Đối với khoản tiền lãi phát sinh từ khoản vay 15.000 USD mà bà Ch. đã trả cho bà Tr., buộc phải tịch thu sung công quỹ nhà nước. Theo Viện KSND Khánh Hòa, theo quy định pháp luật, các giao dịch phát sinh giữa các cá nhân về vay ngoại tệ có lãi đều là hợp đồng vô hiệu.
Khi có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết, thì tòa án phải áp dụng Điều 137 Bộ luật Dân sự buộc bên vay phải trả lại bên cho vay số tiền nợ gốc tính thành tiền Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Tiền lãi phát sinh từ việc cho vay ngoại tệ mà bên cho vay đã nhận cần phải tịch thu sung công quỹ nhà nước.
Tại phiên xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, cấp phúc thẩm đã sửa một phần án sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng vay ngoại tệ là vô hiệu, đồng thời phán quyết tịch thu sung công quỹ gần 60 triệu đồng mà bị đơn Trần Thị Minh Ch. đã trả cho bà Nguyễn Thị Thu Tr..
Từ vụ án này, những người có nhu cầu giao dịch ngoại tệ cần phải thấy rằng, theo quy định điều 22 Pháp lệnh ngoại hối 2005 quy định "Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng. Các trường hợp thanh toán thông qua trung gian, bao gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép".
Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP ngày 20/10/2011 về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, các hành vi cho vay, cho thuê tài chính, trả nợ trong nước, mua, bán, thanh toán ngoại tệ, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng pháp luật đều bị xử lý hành chính.
Ngoài ra, tang vật là tiền ngoại tệ, tiền Việt do các hành vi vi phạm mua, bán, thanh toán ngoại tệ, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng pháp luật đều bị tịch thu
Hữu Toàn
Công an nhân dân
|