Thứ Ba, 20/03/2012 15:51

Ngân hàng mếu dở với... tin đồn

Thời gian gần đây, đủ loại tin đồn trong lĩnh vực ngân hàng đua nhau mọc như nấm sau mưa. Điều gì đang diễn ra và ứng xử với chúng ra sao?

Buổi sáng, trên một trang web xuất hiện thông tin: ngân hàng A có khoản nợ xấu rất lớn do liên quan đến 1 vụ vỡ nợ tín dụng đen. Trang web này trích dẫn "một nguồn tin riêng" cho hay, khoản nợ khiến ngân hàng này mất trắng hàng trăm, thậm chí hơn nghìn tỉ đồng. Trong lúc ngân hàng chưa kịp phản ứng, Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra bình luận chính thức, buổi chiều một trang web khác lại đi sâu "phân tích" những khía cạnh tiêu cực liên quan đến vụ việc này.

Chính những dòng thông tin phi chính thống, cùng lối giật tít, hành văn lấp lửng kiểu như "theo giới thạo tin", đã tác động không nhỏ đến tâm lý người gửi tiền và các nhà đầu tư nhỏ - những người không có thông tin. Vẫn biết một số trang web (không phải báo điện tử) phải câu page view bằng những tin, bài dạng này hòng tăng lượng người truy cập, nhưng trong trường hợp này thay vì bỏ công sức kiểm tra ngược lại với chính ngân hàng A để ít nhất có một câu trả lời chính thức, thì nhiều website vẫn vô tư đăng lại của nhau.

Thông thường, tin không chính thức từ "các nguồn thạo tin" là loại tin được không ít tờ báo, kể cả báo in ưa thích. Bởi lẽ phóng viên thường rất khó có được văn bản hay xác nhận chính thức từ các tổ chức tín dụng liên quan đến các hoạt động nghiệp vụ của họ. Không lẽ để món ngon nguội lạnh mới dọn lên mâm phục vụ bạn đọc trong áp lực cạnh tranh khốc liệt giữa các báo? Vậy là bằng nhiều cách khác nhau, các trang web ra sức "biến con kiến thành con voi". Với những tin rỉ tai, truyền miệng kiểu như ngân hàng B thua lỗ và sắp bị sáp nhập, lẽ ra phóng viên phải kiểm tra với nhiều nguồn khác nhau kể cả NHNN, các chuyên gia ngân hàng và chứng khoán, rồi phân tích báo cáo tài chính thật kỹ lưỡng để đánh giá thông tin một cách khách quan và đúng đắn. Nếu truy đến cùng nguồn tin và làm việc nghiêm túc để tạo ra một sản phẩm có chất lượng cho độc giả chứ không vì mục đích câu khách hay mục đích khác, chắc chắn những tin đồn sẽ có một đầu ra khác.

Còn nhớ, sau khi NHNN công bố phân loại các tổ chức tín dụng thành 4 nhóm theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng không nêu tên cụ thể các ngân hàng, đã có một cuộc đua săn tin ngấm ngầm trong giới phóng viên tài chính. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến nói, có "mươi" ngân hàng bị xếp loại yếu kém, nhiều tờ báo đã nhan nhản dự đoán đó là những gương mặt nào.

Sau đó, khi một vài ngân hàng nhóm 1, 2 dần lộ diện, nhiều ngân hàng thuộc loại khá lớn xét về quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản, nhưng chưa công bố chính thức vì phải chờ thông báo từ NHNN, có tờ báo đã nhanh chóng đi trước bằng cách lập hẳn danh sách những ngân hàng nhóm 3,4. Danh tính các tổ chức tín dụng "bét bảng" được công khai phần nhiều dựa vào tin đồn, trong khi chủ trương của NHNN là không công bố vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động của những ngân hàng đã tạo ra nhiều hệ quả không tích cực.

Thứ nhất, nó có thể gây ra những phản ứng tiêu cực trong dân chúng, dư luận và người gửi tiền, từ đó ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ngân hàng đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu người gửi tiền ồ ạt đến rút tiền về do lo sợ ngân hàng Y (nhóm 4) không an toàn vì không được tăng trưởng tín dụng? Nếu nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu ngân hàng Z (đã niêm yết) vì lo ngại ngân hàng này sẽ bị thâu tóm, thị trường chứng khoán chắc chắn cũng bị ảnh hưởng.

Thứ hai, nó tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các ngân hàng nhóm đầu và nhóm cuối. Việc phân loại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo Chỉ thị 01 là chủ trương đúng của NHNN nhằm xếp loại các ngân hàng theo mức độ tăng tín dụng và hệ số an toàn của họ. Nhưng nếu giới truyền thông không cẩn trọng sẽ dễ tạo ra dư luận đây là một dạng chứng chỉ và có thể thi như lấy bằng xe máy. Điều này rất nguy hiểm.

Gần đây, giá cổ phiếu HBB (Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội - Habubank) bỗng dưng tăng kịch trần trong nhiều phiên liên tiếp với khối lượng giao dịch tăng đột biến. Từ đây một loạt tin đồn nảy sinh, rằng ngân hàng này đang bị thâu tóm giống trường hợp của Sacombank. Một số báo còn viết: Ngân hàng TMCP SHB đang tiến hành mua lại Habubank và đã được NHNN nhất trí về chủ trương. Điều này đã buộc Habubank phải chính thức phát đi thông cáo báo chí ngày 13/3/2012, trong đó khẳng định rằng, "các thông tin này không chính xác và không có cơ sở, làm ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động bình thường của ngân hàng chúng tôi". Phía Habubank đề nghị các tờ báo đã đăng tin phải công khai cải chính về thông tin này.

Nhưng, lòng tin của thị trường và nhà đầu tư sẽ bị thử thách nếu những tuyên bố đó của HBB rồi đây sẽ không phải như vậy. Và liệu thị trường có còn tin tưởng vào những tuyên bố kiểu như thế của các ông chủ ngân hàng trong tương lai nữa không, như thương vụ Sacombank?

Suy cho cùng, ứng xử với tin đồn đòi hỏi một chiến lược toàn diện với sự chỉ đạo từ NHNN. Trước kia, các ngân hàng ACB và Phương Nam đã lao đao vì tin đồn và mất rất nhiều công sức để xử lý khủng hoảng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý khủng hoảng cho doanh nghiệp, trong trường hợp một ngân hàng bị tung tin thất thiệt nhằm hạ uy tín hay cạnh tranh không lành mạnh, cách tốt nhất là lãnh đạo ngân hàng đó nên công khai đưa thông tin ra càng sớm càng tốt để trấn an dư luận, dù tin đồn có đúng hay sai. NHNN và Hiệp hội Ngân hàng cũng cần có biện pháp kịp thời để bảo vệ các ngân hàng trước các tin đồn.

Thành Trung

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Tái diễn lãi suất kỳ hạn... ngày (20/03/2012)

>   Lãi suất và hàm ý phần trăm (20/03/2012)

>   VCB và ngân hàng Việt Nga bị một doanh nghiệp "chơi xỏ" (20/03/2012)

>   20% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng (20/03/2012)

>   Lãi suất vượt trần: Không thèm tố cáo (20/03/2012)

>   Giằng co bỏ trần lãi suất (20/03/2012)

>   Chủ trương giảm lãi suất của Việt Nam là hợp lý (19/03/2012)

>   “Lỗ hổng” nghiệp vụ nhìn từ những vụ trục lợi nhiều tỷ đồng (19/03/2012)

>   Chính sách tiền tệ đang thắt lại (19/03/2012)

>   Giảm lãi suất, để không chỉ là hô hào (19/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật