Lãi suất và hàm ý phần trăm
Lãi suất đã giảm 1% nhưng vẫn cao, chưa tác động bao nhiêu đến nền kinh tế. Trái lại, lãi suất giảm 1-2 % không nghĩa lý gì với doanh nghiệp (DN). Với độ mở của nền kinh tế hiện nay, DN Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với DN các quốc gia khác, mà ở đó, chính sách tiền tệ không như ở nước ta. Với lãi suất 16-17%, DN Việt Nam sẽ cạnh tranh thế nào với DN các nước có lãi suất 4 - 5%?
Theo quy định tại khoản 1 điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, lãi suất trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm cả các hợp đồng tín dụng do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đối với loại cho vay tương ứng. Như vậy, các ngân hàng (NH) có thể để lãi suất mức nào cũng được, nhưng phải dưới trần quy định.
Chẳng hạn, lãi suất cơ bản là 8%, lãi suất cho vay là 12% thì trần là 12% và mức thỏa thuận, đồng thuận đều phải dưới 12%. Nhưng từ năm 2009 tới nay, lãi suất huy động trở nên hỗn loạn. Không thể phát triển sản xuất kinh doanh với lãi suất cao như thế, DN đã nói nhiều lần, phải dưới 10% mới hoạt động tốt, trên 10% chỉ hoạt động cầm chừng.
NHNN đã chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của một NH trung ương, mà phụ thuộc vào hệ thống NH thương mại (NHTM). Nếu áp dụng mức lãi suất theo đúng quy định của luật pháp thì làm gì có chuyện lãi suất huy động, lãi suất cho vay cao như hiện nay.
Thay vì phải khống chế lãi suất cho vay, NHNN lại khống chế lãi suất huy động.
Gần đây, người ta còn bàn trở lại với lãi suất thỏa thuận, lãi suất đồng thuận. Chúng ta dựa vào cái gì để đưa ra những mức trần như vậy? Chúng ta không nên dùng những biện pháp hành chính tự phát. Phải lệ thuộc bởi vấn đề thu hút vốn trong nhân dân, nền kinh tế sẽ không phát triển được. Vì vậy, NHNN phải chủ động cung cấp đủ lưu lượng tín dụng để DN phát triển.
Năm 2009, NHNN đưa ra lãi suất cơ bản 8%, suất trần là 12%, các NHTM huy động với lãi suất 9 - 10 và 10,5%, NHTM nào không theo, tức là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo luật định. Bây giờ, nếu chúng ta huy động mức lãi suất đó sẽ xảy ra 2 việc. Một là, những người có tiền đi rút tiền ra khỏi hệ thống NH. Hai là, người ta vẫn gửi trong hệ thống NH thì chúng ta được và mất gì? Cái được là ta sẽ có trần lãi suất thấp. Cái mất là tiền có thể ra khỏi hệ thống NH.
Nhìn sâu hơn có thể thấy rõ, thời điểm này người khôn ngoan sẽ không rút tiền để mua chứng khoán hay bất động sản. Nếu người ta rút tiền để ở nhà sẽ không có lãi suất. Cũng sẽ có người rút tiền mua vàng, USD, nhưng sẽ có bao nhiêu người làm như vậy, bởi nếu mua USD để gửi thì chỉ lời 2%.
Tất nhiên lãi suất gì người ta cũng mua vàng chứ không phải người ta chờ đợi lãi suất thấp mới rút tiền ra mua. Ở đây, không mất gì cho lắm. Người ta rút tiền ra khỏi hệ thống NH khiến NH thiếu thanh khoản thì vai trò của NHNN là điều phối, bơm đẩy tiền ra thay thế những đồng tiền bị rút ra khỏi thị trường.
Điều tiết lưu lượng tiền tệ, để cộng đồng DN tiếp cận được tín dụng với lãi suất hợp lý là vai trò của tất cả các NH trung ương trên thế giới. Nếu đưa ra lý do lạm phát, thanh khoản để chưa giảm hoặc giảm không đáng kể mức lãi suất, thì một NH trung ương đã trở nên thụ động và lệ thuộc vào sự thu hút vốn trong nhân dân của hệ thống NHTM.
Thực tế, NHTM huy động vốn với lãi suất cao, không thể cho vay thấp hơn 17-18% được. Ở đây, vấn đề mới được nhìn nhận dưới góc độ dựa vào huy động vốn trong nhân dân của các NHTM, mà chưa nhìn khía cạnh quyền hạn, trách nhiệm của NHNN. Chúng ta có 2 nguồn vốn, một là huy động từ nhân dân, hai là từ NHNN.
Trường hợp các NHTM không huy động được vốn trong dân bởi lãi suất quá cao, NHNN có vai trò tạo mặt bằng mới trong lãi suất. Đặc biệt, với thanh khoản vô hạn định trong tay, NHNN hoàn toàn có thể chủ động tạo ra thanh khoản cho các NHTM.
Như vậy, NHNN không phải trả tiền lãi suất cho ai mà hoàn toàn có thể tạo nguồn vốn cho NHTM vay với lãi suất thấp để NHTM cho DN vay lại với lãi suất thấp hơn. Vấn đề ở đây là thực hiện thế nào để tránh việc nguồn tiền chảy không đúng hướng.
Nghị quyết 11 nhấn mạnh ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, không cho vay những lĩnh vực đầu cơ, phi sản xuất. Triển khai cái đó không khó, NHNN hoàn toàn có thể xây dựng một chương trình tín dụng lãi suất thấp, trong đó quy định những điều kiện chi tiết: NHNN chủ động tạo ra thanh khoản và các điều kiện cho NHTM vay số vốn cần thiết để cho DN vay đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Các NHTM chỉ cho các DN có những đề án được giải trình cụ thể. NHTM sẽ quản lý giải ngân theo tiến độ của dự án.
Chuyên gia tài chính TS. BÙI KIẾN THÀNH (Hải Vân ghi)
doanh nhân sài gòn
|