Nghịch lý ngành mía đường
Năm nào các doanh nghiệp ngành mía đường cũng kêu khổ, nhưng năm nào ngành này cũng kết thúc năm với sự thành công ngoài mong đợi. Phải chăng ngành mía đường thực sự gặp khó khăn?
Đến hẹn lại... than!
Đầu năm 2010, thời điểm niên vụ mía đường 2009-2010 mới đi qua được gần nửa chặng đường, ngành mía đường trong nước bị tồn kho gần 140.000 tấn. Lúc ấy, không ít doanh nghiệp đường đã than khó và kêu gọi Nhà nước trợ giúp. Tuy nhiên, tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện các công ty đường và Hiệp hội các nhà bán lẻ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần đã nói thẳng: “Các anh cứ than vãn, nhưng tôi biết năm 2009 trung bình mỗi công ty đường thu lãi khoảng 50 tỉ đồng”. Ở đây cũng cần phải nói thêm, vào năm 2009 Việt Nam có 38 công ty đường và sản lượng sản xuất bình quân của mỗi nhà máy khoảng 25.000 tấn. Do vậy, số lãi trung bình 50 tỉ đồng cho mỗi doanh nghiệp không phải là con số nhỏ. Tới cuối năm 2010, các doanh nghiệp đường thắng lớn.
Đến đầu năm 2011, đường của các nhà máy sản xuất ra tiếp tục bị tồn kho và đến cuối tháng 4, lượng tồn kho đã lên tới 525.000 tấn. Doanh nghiệp đường tiếp tục than và Hiệp hội Mía đường cho rằng quyết định cho phép nhập khẩu 250.000 tấn của Bộ Công Thương là nguyên nhân làm cho mức tồn kho của ngành mía đường thêm trầm trọng. Từ đó, đại diện của hiệp hội đã kiến nghị tạm ngừng nhập khẩu đường; Nhà nước mua dự trữ 200.000-300.000 tấn; hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Kết quả là Bộ Công Thương đã nhượng bộ và yêu cầu các công ty được cấp giấy phép tạm thời không ký hợp đồng nhập khẩu, giãn tiến độ nhập đến hết tháng 7-2011. Nhưng một lần nữa, đến cuối năm 2011 các công ty đường lại lãi rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất đường từ nguyên liệu mía.
Trong sáu công ty đường niêm yết trên thị trường chứng khoán, Bourbon Tây Ninh là doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ thấp nhất trong năm 2011, nhưng cũng đạt xấp xỉ 40%, Công ty Đường Biên Hòa chỉ đứng ngay trên với 49,08%. Các công ty đường Kontum, Ninh Hòa, Lam Sơn có tỷ suất lợi nhuận cao ngất ngưởng, lần lượt là 87,11%, 99,28% và 171,51%.
Tuy đây mới là số liệu được công bố của sáu doanh nghiệp, nhưng nó cũng phần nào cho thấy bức tranh chung của ngành công nghiệp mía đường Việt Nam. Và với những con số nêu trên, có lẽ đây là một trong những ngành công nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao nhất Việt Nam hiện nay. Đó cũng là lý do vì sao các doanh nghiệp mía đường liên tục đầu tư mở rộng để tăng công suất. Cách nay hai năm, sản xuất đường trong nước mới đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu nội địa. Đến năm 2012 này, theo tính toán của Hiệp hội Mía đường, nguồn cung đường trong nước đã vượt cầu.
Nghịch lý!
Các doanh nghiệp nói chung và ngành mía đường nói riêng, kinh doanh hiệu quả cao là điều đáng mừng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là liên tiếp trong các năm qua, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành mía đường luôn trái ngược với những than vãn, kêu khó khăn của chính các doanh nghiệp này. Năm 2012 cũng đang diễn ra điệp khúc tương tự.
Hiện tại, Việt Nam đang tồn kho khoảng 300.000 tấn đường. Trên báo chí, chúng ta thấy xuất hiện những thông tin như “chấp nhận bán lỗ, nhưng đường vẫn khó tiêu thụ”, “các doanh nghiệp đang cần vốn để trả nợ tiền mua mía của nông dân”, được các nhà báo lấy nguồn từ Hiệp hội Mía đường. Đồng thời, hiệp hội cũng xin Nhà nước cho xuất khẩu 250.000 tấn trong năm nay, do nguồn cung trong nước đã dư thừa, và còn đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất để mua tạm trữ 200.000 tấn đường trong sáu tháng. Nhưng liệu ngành mía đường có đang thật sự khó khăn, có thật là đang chấp nhận bán lỗ?
Cần biết rằng, đường là ngành sản xuất phụ thuộc vào thời vụ thu hoạch mía. Thời gian hoạt động của các nhà máy chỉ kéo dài khoảng 7-8 tháng trong một năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau. Vì vậy, việc đường sản xuất ra tồn kho nhiều vào cuối chu kỳ sản xuất, khoảng tháng 4 và tháng 5, là chuyện bình thường. Các doanh nghiệp phải dự trữ (gọi là tồn kho cũng được) để đáp ứng nhu cầu thị trường trong các tháng không sản xuất, cũng là điều bình thường. Do vậy, sẽ là không hợp lý nếu Nhà nước đứng ra, hoặc hỗ trợ vốn và lãi suất, để mua đường tạm trữ. Vì Nhà nước không làm nhiệm vụ dự trữ thay cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Nhà nước đang áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đường và biện pháp này đang dẫn đến một hệ quả xấu. Đó là giá đường trong nước luôn cao hơn mặt bằng giá thế giới. Năm ngoái, vào những tháng cao điểm, giá đường bán tại nhà máy lên đến 20.000 đồng/ki lô gam. Trong khi giá thế giới, ở giai đoạn đỉnh điểm, cũng chỉ vào khoảng 15.000-16.000 đồng. Hiện nay, giá bán tại nhà máy khoảng 15.500 đồng và theo doanh nghiệp thì thấp hơn giá thành (16.000 đồng/ki lô gam). Nhưng giá đường giao tháng 3-2012 tại New York, trong phiên giao dịch tuần cuối tháng 2, tính ra chưa đến 11.000 đồng/ki lô gam. Đó là lý do vì sao Việt Nam luôn có đường nhập lậu.
Vấn đề đặt ra là giá thành sản xuất đường của Việt Nam có thật sự là 16.000 đồng/ki lô gam như các doanh nghiệp nói hay không? Đây là số liệu ít khi được minh bạch. Một số người trong ngành cho biết, nguyên liệu (mía) chiếm khoảng 70% trong giá bán của các công ty đường, 30% còn lại là chi phí sản xuất và lợi nhuận.
Theo báo cáo phân tích cổ phiếu của Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC), do Công ty Chứng khoán Sacombank thực hiện và công bố vào tháng 3-2011, với giá mía mua tại ruộng bình quân 980 đồng/ki lô gam, giá vốn đường thành phẩm của SEC vào khoảng 13.000-13.500 đồng/ki lô gam. Tất nhiên, mỗi nhà máy có giá thành sản xuất khác nhau, nhưng có lẽ cũng không quá chênh lệch.
Từ năm 2010 đến nay, giá mía rất ít biến động. Tuy vào cuối vụ có thời điểm lên đến 1.100-1.200 đồng/ki lô gam, nhưng bình quân lại cho cả vụ cũng chỉ quanh mức 1.000 đồng. Hiện nay, giá mía tại nhiều địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 920-950 đồng/ki lô gam. Trong khi đó, giá phân bón và nhân công thu hoạch trong những năm qua liên tục tăng. Riêng trong năm 2011, giá nhiều loại phân bón tăng bình quân 35-40% so với một năm trước đó.
Nhà nước bảo hộ cho ai?
Mía đường là ngành công nghiệp được Nhà nước bảo hộ. Điều này là cần thiết, vì lợi ích của nông dân, nhưng liệu họ có được hưởng lợi từ chính sách đó hay không. Lợi ích do sự bảo hộ mang lại, có được chia sẻ một cách công bằng giữa nhà sản xuất, những người trồng mía và cả người tiêu dùng? Tiếp đến, việc bảo hộ có thúc đẩy ngành công nghiệp mía đường nâng cao năng suất, hiệu quả để trong tương lai có thể cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, hay chỉ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho kiểu làm ăn cơ hội, kiếm lợi nhờ chính sách, như đã từng diễn ra trong ngành lắp ráp điện tử? Tình trạng phần lớn các nhà máy đường hiện nay sử dụng thiết bị, công nghệ rẻ tiền, lạc hậu của Trung Quốc, liệu có phải là hướng đi tích cực của một chiến lược kinh doanh lâu dài.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần quản lý chặt chẽ, bảo đảm thị trường đường trong nước có sự cạnh tranh. Việt Nam hiện có 38 công ty đường, nhưng điều đó cũng chưa đủ để bảo đảm thị trường đường có cạnh tranh thực sự. Vì vậy, Nhà nước cần bảo đảm rằng, các công ty sản xuất đường không bắt tay hoặc “đi đêm” với nhau để ấn định giá cả.
Đường là nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm và đây là khách hàng chủ chốt của ngành sản xuất đường. Vì vậy, cho dù đường lậu có tràn vào, các công ty thực phẩm cũng không thể mua loại nguyên liệu không có hóa đơn này, nên vẫn phải tìm đến các nhà sản xuất đường trong nước.
Năm 2011, hầu hết các ngành công nghiệp đều khó khăn, thua lỗ hoặc giảm lãi mạnh. Nhưng nhiều công ty đường lại công bố lãi rất lớn, thậm chí là lãi nhiều hơn cả năm trước đó. Liệu kết quả này có hợp lý hay không? Phải chăng sự bảo hộ của Nhà nước đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngành mía đường thao túng giá cả thị trường. Đó là những câu hỏi rất cần Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải đáp.
Tấn Đức
tbktsg
|