Thứ Năm, 08/03/2012 08:13

Xuất khẩu hạt điều: DN ôm hàng tồn, ngân hàng từ chối vay

Từ cuối năm ngoái đến nay, giá xuất khẩu nhân điều giảm khá mạnh, từ mức trung bình trên 8.000 USD/tấn hồi quý 4/2011, đến nay chỉ còn khoảng 6.500 USD. Trong nước, giá điều thô đầu vụ đã giảm gần một nửa, còn 20.500 – 21.500 đồng/kg.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết các giao dịch với khách hàng châu Âu và Bắc Mỹ vẫn trầm lắng. Trong khi Trung Quốc, thị trường tiêu thụ khá mạnh, đã đóng cửa từ tháng trước. Theo Vinacas, mặc dù đang vào vụ thu hoạch, nhưng doanh nghiệp không còn tiền mua nguyên liệu. “Chúng tôi rất khó tiếp cận vốn ngân hàng”, ông Nguyễn Thái Học, chủ tịch Vinacas, than vãn.

Tính đến đầu tháng 3.2012, dư nợ ngân hàng của doanh nghiệp ngành điều vào khoảng 3.000 tỉ đồng. Số nợ này chủ yếu nằm trong lượng hàng tồn kho (khoảng 200.000 tấn) gối đầu từ năm ngoái. Năm 2011, do giá điều nhân xuất khẩu biến động theo hướng tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp cầm cố tài sản, hợp đồng xuất khẩu, thế chấp hàng trong kho để vay vốn mua gom, nhập khẩu nguyên liệu. Đến quý 4/2011, giá điều nhân xuất khẩu đột ngột giảm, từ mức trên 8.000 USD/tấn xuống còn 7.000 USD vào tháng cuối quý 4 và đến đầu tháng 3.2012 chỉ còn 6.500 USD (giá FOB tại cảng TP.HCM). Đà giảm giá diễn ra quá nhanh khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. “Giá nguyên liệu trung bình cả năm 2011 ở mức 35.000 đồng/kg, có thời điểm đầu vụ lên tới 40.000 đồng. Tuy nhiên, qua các tháng đầu năm nay giá rớt xuống chỉ còn trên 20.000 đồng”, ông Học nói.

Trước tình cảnh phải ôm hàng trăm ngàn tấn điều mất giá trong kho, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương án cố thủ, không chịu bán cắt lỗ. Và đây là nguyên nhân khiến họ bị ngân hàng từ chối giải ngân những khoản vay mới. “Doanh nghiệp muốn ngân hàng cơ cấu lại nợ, cho vay mới thì trước tiên họ phải chứng minh phương án kinh doanh có hiệu quả. Với thực trạng hàng tồn kho như hiện nay, tôi nghĩ doanh nghiệp phải chấp nhận cắt lỗ bằng cách đẩy hàng ra bán”, đại diện ngân hàng Công thương Việt Nam nhấn mạnh.

Vinacas tính toán, từ đầu tháng 3 cho đến cuối tháng 5, ngành điều cần khoảng 9.000 – 10.000 tỉ đồng để thu mua 380.000 tấn điều thô cho nông dân. Chưa hết, để tận dụng hết công suất máy móc đầu tư cũng như nhân lực hiện có, doanh nghiệp trong ngành còn cần ít nhất 250 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 để nhập khẩu 300.000 tấn điều thô về chế biến.

Trong hội nghị tháo gỡ khó khăn về vốn do Vinacas vừa tổ chức ngày 6.3, đại diện một số ngân hàng cho rằng để giải quyết vấn đề vốn lúc này, ngành điều cần đặt vấn đề quản lý hàng tồn kho lên hàng đầu. Bên cạnh đó, người có tiền cho vay cũng yêu cầu những thông tin kinh doanh, quản trị, nhất là giá cả, doanh nghiệp phải cập nhật về ngân hàng một cách chính xác, minh bạch. Bởi theo như giải thích của ông Tô Nghị, phó tổng giám đốc ngân hàng Eximbank, thì ngoài những khoản vay cầm cố bằng tài sản ra, còn có nhiều khoản vay bằng thế chấp hợp đồng, thế chấp hàng nên ngân hàng cần phải biết chi tiết biến động thị trường, để có thể tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro không đáng có cho cả hai bên.

Hoàng Bảy

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân (07/03/2012)

>   Ngành điều sẽ có năm được giá (07/03/2012)

>   Xuất khẩu gạo cần tự tin “bắt bài”, vượt qua “bóng Thái” (07/03/2012)

>   Xuất khẩu gạo, chăn nuôi ổn định trong năm 2012 (06/03/2012)

>   Sản lượng cao su xuất khẩu có thể đạt kỷ lục mới (06/03/2012)

>   Thái Lan: Xuất khẩu gạo sụt giảm (06/03/2012)

>   Châu Á vẫn là thị trường chính của gạo Việt Nam (05/03/2012)

>   Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê Việt (05/03/2012)

>   Ưu tiên mua mía ở những vùng có khả năng xảy ra hạn (05/03/2012)

>   Dưa hấu trúng mùa, rớt giá (05/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật