Thứ Tư, 07/03/2012 08:56

Xuất khẩu gạo cần tự tin “bắt bài”, vượt qua “bóng Thái”

Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam không nên chạy theo giá gạo Thái Lan và phải nắm được “chiêu” của bạn hàng.

Nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới suy giảm

Năm 2011, sản xuất lúa gạo của Việt Nam được mùa, nông dân tiêu thụ được lúa gạo với giá khá cao, ngưỡng lợi nhuận lên tới 50%”. Với mốc kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo xuất khẩu năm qua, nếu nhìn vào “bản đồ” xuất khẩu gạo thế giới 23 năm trở lại đây, có thể khẳng định Việt Nam đã rất vững vàng ở tầm cao mới trong xuất khẩu nông sản chiến lược này.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước năm nay sẽ giảm

Trong niềm vui đó, các chuyên gia không quên cảnh báo về những khó khăn hiện hữu cho xuất khẩu trong năm 2012 của ngành hàng này. Những cảnh báo đó đã thành hiện thực khi mới đang ở quý I/2012, xuất khẩu gạo của nước ta đã gặp nhiều khó khăn. Đó là thiếu đơn hàng trầm trọng cũng như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ các nước xuất khẩu gạo khác. Từ tháng 1/2012, giá gạo xuất khẩu đã giảm so với tháng trước đó của năm 2011.

Nguyên nhân chủ yếu khiến Việt Nam không ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo từ cuối năm 2011 là do giá gạo Việt Nam cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với các nước xuất khẩu khác, như: Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Theo ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia lúa gạo Bộ Công Thương, năm 2012 bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo thế giới đã có nhiều thay đổi. Đó là do lúa gạo thế giới đang được mùa. Và năm 2011, khi giá gạo thế giới biến động, nhiều nước nhập khẩu gạo đã nhập với lượng lớn. Do đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước năm nay sẽ giảm. Đặc biệt là hiện nay Việt Nam đã bị “tụt hạng” trên bản đồ các quốc gia xuất khẩu gạo thế giới.

Hơn nữa, theo ông Samarendu Mohanty, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, mức độ biến động giá gạo trên thế giới ngày càng tăng; nhiều quốc gia thay đổi chính sách “hậu khủng hoảng”, đó là hướng đến đảm bảo an ninh lương thực bằng “tự cấp tự túc lương thực” thông qua mở rộng sản xuất trong nước (nhờ vào việc tăng hỗ trợ giá, trợ giá nguyên liệu đầu vào, hạn chế thương mại).

Lựa sức, “bắt bài” bạn hàng

Theo ông Nguyễn Đình Bích, chính trong khó khăn chung của ngành lúa gạo mới cần nhìn nhận rõ những ưu thế và khó khăn riêng của từng nước để ứng phó. Đơn cử, trong 4 tháng vừa qua, Ấn Độ đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Bởi vì trong niên vụ này Ấn Độ sẽ tiếp tục được mùa lớn. Hơn nữa, năm 2011 là năm Ấn Độ mới bắt đầu mở cửa thị trường gạo của mình. Gạo tồn kho của Ấn Độ lại đang cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Cho nên, Ấn Độ đang có tiềm năng xuất khẩu rất lớn.

Còn theo TS Nguyễn Trí Ngọc, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), ngành lúa gạo Việt Nam đang và sẽ chịu nhiều thách thức về công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, chuỗi giá trị gạo phải qua nhiều trung gian, chất lượng lúa gạo còn thấp, không ổn định.

Công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng gạo của Việt Nam

Mặc dù còn nhiều áp lực gây khó cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Song, ông Nguyễn Đình Bích lạc quan rằng: “Vấn đề sẽ được cải thiện trong thời gian tới, do 2 yếu tố: Theo số liệu thống kê vừa công bố ngày 5/3 của VFA, tiến độ xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Phi đã khả quan hơn. Đồng thời, Philippines là bạn hàng nhập khẩu lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua sắp phải trở lại thị trường, vì mùa mưa bão đang đến gần và quốc gia này  buộc phải nhập khẩu gạo trước mùa mưa bão”.

Khi Phillipines trở lại thị trường nhập khẩu gạo, gạo phẩm cấp thấp (loại 25% tấm) của Việt Nam sẽ có thị trường tiêu thụ tốt hơn. Đặc biệt, đối với thị trường Philippines, có thông tin cho rằng, năm 2011 họ chỉ nhập khẩu 860.000 tấn gạo là không xác thực. Bởi theo những số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2011, riêng Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Philippines 970.000 tấn gạo và Thái Lan cũng xuất khẩu sang Philippines gần 200.000 tấn gạo nữa. Vì thế, tối thiểu năm 2011, Philippines đã nhập gần 1,2 triệu tấn gạo.

Và sang năm 2012, Philippines nói rằng họ chỉ nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Tuy nhiên, “đây là thông tin không đáng tin cậy lắm, và Philippines sẽ nhập khẩu gạo nhiều hơn”. Ông Bích khẳng định điều này trên cơ sở rằng, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đưa ra dự báo năm 2012, Philippines nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo. Còn tổ chức FAO dự báo nước này sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo.

Rõ ràng, Philippines đã “có bài” để mua được giá “mềm” nhất. Và, năm 2011, quốc gia này đã khá thành công trong chiến thuật này.

Cạnh đó, thị trường Indonesia, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2012 sẽ nhập khoảng 1 triệu tấn gạo. Nhưng mới đây, Bộ trưởng Thương mại Indonesia nói rằng, họ sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn. Song, Bộ trưởng Nông nghiệp nước này, ngày 5/3, lại tuyên bố quốc gia này chỉ nhập 1 triệu tấn gạo cho năm 2012 như dự kiến.

Những thông tin trên đây cho thấy, những biến động về thị trường gạo trên thế giới là khó lường. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để cạnh tranh được ở 2 thị trường này. Bởi đây là các thị trường gần của Việt Nam. Nếu giá gạo của Việt Nam bằng giá gạo Ấn Độ hoặc Myanmar, Pakistan,... thì chúng ta cạnh tranh được vì thị trường gần nên chi phí vận tải rẻ hơn, gạo Việt đã có uy tín nên sức cạnh tranh sẽ cao hơn.

Hơn nữa, “trong điều kiện khó khăn chung, các bạn hàng truyền thống sẽ không bỏ thị trường quen thuộc của mình” – ông Bích nhận định.

Chạy theo giá gạo Thái Lan: Sai lầm!

Bên cạnh những khó khăn về đơn hàng và áp lực cạnh tranh từ các đối thủ lớn,  nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, lâu nay hoạt động sản xuất lúa gạo của Việt Nam còn mắc một sai lầm là bán gạo cứ chạy theo giá của Thái Lan. Ông Nguyễn Đình Bích phân tích: Do chạy theo giá gạo Thái Lan nên giá gạo của Việt Nam tháng 11/2012 đã đẩy lên cao đỉnh điểm, rồi từ tháng 12/2011 mới được kéo xuống. Và đến thời điểm hiện tại, giá gạo Việt Nam đang ở mức chào bán giá thấp kỷ lục.

Tuy nhiên, giữa giá chào bán và khối lượng gạo xuất khẩu dần giảm xuống (đặc biệt là từ khi giá gạo của chúng ta đẩy lên cao). Ngay tháng 1/2012, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp kỷ lục. Mức giảm này xảy ra ngay sau khi ta đẩy giá gạo lên, đồng nghĩa với khối lượng gạo xuất khẩu giảm xuống.

Rõ ràng có sự tác động về giá cả, bởi khi giá tăng lên quá cao, các bạn hàng sẽ chuyển sang thị trường khác. Do vậy, tiến độ xuất khẩu của ta giảm xuống, khối lượng gạo tồn kho đã tăng lên. Điều này đẩy áp lực cho năm 2012 khi giá gạo tiếp tục giảm, khối lượng gạo càng lớn thì càng khó xuất khẩu và thua thiệt về giá sẽ càng lớn.

Ông Samarendu Mohanty, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế cũng khuyến cáo rằng, Việt Nam không nên chạy theo giá gạo của Thái Lan. Hơn nữa, Việt Nam cần tránh sử dụng các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn cho sản xuất nông nghiệp, tránh sử dụng các chương trình không bền vững. Đặc biệt, để tăng nội lực cho lúa gạo, Việt Nam cần tập trung đầu tư tốt hệ thống thủy lợi; cung ứng giống lúa chất lượng cao; tăng cường cơ sở xay xát và dự trữ; khai thác mạnh thị trường địa phương, vùng và quốc gia hiệu quả; nên cho tự do thương mại lúa gạo.

Xuân Thân

VOV

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo, chăn nuôi ổn định trong năm 2012 (06/03/2012)

>   Sản lượng cao su xuất khẩu có thể đạt kỷ lục mới (06/03/2012)

>   Thái Lan: Xuất khẩu gạo sụt giảm (06/03/2012)

>   Châu Á vẫn là thị trường chính của gạo Việt Nam (05/03/2012)

>   Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê Việt (05/03/2012)

>   Ưu tiên mua mía ở những vùng có khả năng xảy ra hạn (05/03/2012)

>   Dưa hấu trúng mùa, rớt giá (05/03/2012)

>   Sóc Trăng: 100.000 tấn củ hành tím có nguy cơ chết rụi (05/03/2012)

>   Nhu cầu gạo xuất khẩu Việt Nam và Thái Lan sôi động (04/03/2012)

>   Giá cao su có thể tăng mạnh trong quý II (04/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật