Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê Việt
Hơn một nửa cà phê Việt Nam đang được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài... trực tiếp thu mua. Đó là thực trạng đáng lo ngại của ngành cà phê nước ta...
Để có vùng chuyên canh cà phê hơn nửa triệu hécta như ngày nay, Việt Nam đã phải đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, nghiên cứu khoa học... Thế nhưng, vùng nguyên liệu đó lại đang được “mở cửa” để cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hưởng lợi.
“Nhảy dù” vào vùng nguyên liệu
Các DN FDI trên khắp các vùng chuyên canh cà phê ở Tây Nguyên đang ngày càng nhiều và thể hiện sự lớn mạnh, chi phối. Trong khi đó, nhiều DN trong nước đang lao đao, thậm chí phá sản, đóng cửa nhà xưởng hàng loạt do thiếu nguyên liệu chế biến, xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), chỉ sau vài năm xuất hiện, các DN FDI đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm.
Ông Lê Đức Thống- Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu cà phê 2/9 Đăk Lăk phân tích: “DN Việt Nam thua trên sân nhà chủ yếu do lãi suất cao gấp 4-5 lần so với lãi suất mà DN nước ngoài được vay”. Theo ông Thống, thực tế hiện các DN nước ngoài đã tổ chức mạng lưới gom cà phê trực tiếp là vi phạm Nghị định 23 năm 2007 của Chính phủ, nhưng các cơ quan chức năng không xử lý được.
Còn nhớ, vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, nhiều DN trồng cà phê (nông trường quốc doanh) đã được Bộ NNPTNT và các tỉnh Tây Nguyên thành lập trên nhiều vùng đất hoang thuộc khu vực Tây Nguyên. Họ không chỉ trồng cà phê mà còn đầu tư vốn xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, ở những “thị trấn nông trường”.
Vậy mà giờ đây, các DN Việt Nam đang phải chật vật cạnh tranh với DN nước ngoài để thu mua cà phê ngay trên vùng nguyên liệu do mình đầu tư. Dù trực tiếp hay gián tiếp, đây cũng là tổn thất đối với nhà nước và các DN Việt Nam.
Chủ tịch Vicofa - ông Lương Văn Tự nhận xét: “Về nguyên tắc, các DN nước ngoài không bỏ vốn đầu tư mà vẫn được thu mua, hưởng lợi trên vùng nguyên liệu là không hợp lý. Thực chất, chúng ta đang làm cho người khác hưởng”.
Chỉ lo “vét” nguyên liệu
Theo Bộ NNPTNT, nếu chương trình tái canh trên 135.000ha cà phê không đem lại hiệu quả, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm sút trên 30% trong vài năm tới. Để làm được điều này, không chỉ cần số vốn đầu hơn 10.000 tỷ đồng mà phải giải quyết nhiều vấn đề về kỹ thuật, quy trình tái canh vốn không phải dễ dàng.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, các DN nước ngoài đang trục lợi hàng chục nghìn tỷ đồng từ các vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu do ngân sách nhà nước và các DN Việt Nam đầu tư làm nên. |
Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ hàng hóa, nhưng các DN chế biến, xuất khẩu cà phê nước ta sẽ không thể tồn tại, phát triển nếu không có vùng nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao. Hiện các DN thành viên thuộc Vicofa đã quyết định thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê, trong đó dự kiến dành tới 50-70% cho chương trình tái canh cà phê.
Nhưng có một nghịch lý là, trong khi Bộ NNPTNT, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, Vicofa tập trung cho chương trình tái canh cà phê thì các DN FDI vẫn đứng ngoài cuộc, họ chỉ đi thu mua nguyên liệu rồi bán xuất khẩu, không quan tâm đến việc hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài.
Ông Đỗ Văn Nam - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), cho rằng: “Các tập đoàn nước ngoài mở các chi nhánh và ký hợp đồng với các đơn vị xuất khẩu của chúng ta, các đơn vị này sẽ có các “chân rết” để gom hàng cho họ. Điều này rất có lợi cho người dân và các doanh nghiệp trong nước, vì hàng hóa không phải qua nhiều khâu trung gian. Tuy nhiên, nếu DN, tập đoàn nước ngoài trực tiếp nhảy vào vùng nguyên liệu, tranh mua, tranh bán với DN trong nước là không được, cần có sự giám sát để xử lý kịp thời”.
Đồng Nguyên
Dân việt
|