Thứ Tư, 07/03/2012 15:32

Ngành điều sẽ có năm được giá

Năm 2011, nhờ phán đoán trúng diễn biến giá mặt hàng nông sản này, nhiều doanh nghiệp thực hiện trữ hàng đã thắng lớn, ngành điều Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu trên thế giới.

Ngày 6/3, Hiệp hội Điều đã có cuộc gặp với các ngân hàng để tìm tiếng nói chung giúp thị trường điều đi lên.

Tại cuộc gặp nói trên, các doanh nghiệp ngành điều nhận định, sóng giá của mặt hàng này sẽ tiếp tục trong năm 2012. Năm 2011, đầu năm giá điều giảm mạnh, đến tháng 5 giá bắt đầu tăng và đạt đỉnh vào tháng 8, sau đó giảm. Diễn biến đó khiến doanh nghiệp nào phán đoán chuẩn xác các bước giá của thị trường thắng lớn. Những tháng đầu năm 2012, diễn biến chung của thị trường đang có những nét tương đồng. Hiện giá điều đang ở vùng lõm, khi sau Tết, các thị trường “ăn hàng” ở mức thấp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu hạt điều tháng 2 ước đạt 10.000 tấn, với kim ngạch 76 triệu USD. Như vậy, xuất khẩu điều 2 tháng đầu năm ước đạt 20.000 tấn, kim ngạch 151 triệu USD; tăng 1,1% về lượng và 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sự giảm sút về giá điều diễn ra ở hầu hết thị trường lớn, ngoại trừ Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và Thái Lan. Bước sang tháng 3, giá cả đã khả quan hơn. Ngay tại cuộc họp sáng 6/3, một số doanh nghiệp lớn đã thông báo ký được các đơn hàng có giá cao hơn so với tháng 2.

Theo tổng kết của Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2011, tổng diện tích cây điều của cả nước khoảng 395.000 héc-ta, trong đó diện tích cho thu hoạch 368.000 héc-ta, năng suất điều bình quân của cả nước đạt 9,5 tạ/héc-ta, sản lượng thu hoạch đạt 349.600 tấn, với giá nhập kho bình quân điều thô xấp xỉ 35.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay.

Do thiếu nguyên liệu chế biến, trong năm 2011, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 430.000 tấn điều, trong đó cao điểm nhập khẩu vào tháng 6, với lượng nhập khẩu chiếm 59,07% so với tổng lượng điều nhập khẩu của 6 tháng trước đó. Thị trường nhập khẩu chính vẫn là Ghana, Nigeria, Bờ Biển Ngà, Indonesia…

Điểm đáng chú ý là tình hình chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ điều trong nước năm 2011 rất khó khăn. Ngoài nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt do thời tiết, khí hậu, thì chi phí chế biến (nguyên liệu, tiền công, lương, nhiên liệu, lãi ngân hàng…) tăng đột biến (trên 100% so với năm 2010). Bên cạnh đó là tình trạng thiếu hụt lao động, khiến sản lượng chế biến giảm khoảng 30% so với năm 2010. Tuy vậy, do được lợi về giá nên kim ngạch xuất khẩu nhân điều năm 2011 đạt 1,35 tỷ USD, giảm 16,64% về lượng nhưng tăng 20,13% về giá trị so với năm 2010.

Năm 2012, ngành điều dự kiến thu mua trong nước khoảng 380.000 tấn, nhập khẩu khoảng 300.000 tấn điều thô, xuất khẩu 170.000 tấn nhân điều các loại và 60.000 tấn dầu vỏ hạt điều, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu khoảng 11,11% so với năm 2011. Tỷ lệ nhân điều xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao chiếm 5%, lượng nhân điều tiêu thụ trong nước chiếm 7%.

Theo các doanh nghiệp chế biến điều, những điều kiện về vốn vay, lãi suất vẫn là nhân tố chính tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Hai kiến nghị đã được các doanh nghiệp ngành điều đưa ra với các ngân hàng và mong được Chính phủ có chỉ đạo hỗ trợ. Thứ nhất, do hiện nay đang là thời điểm vùng lõm giá điều, nên nhiều hợp đồng tín dụng đến hạn nếu ngân hàng ép tiến độ thanh toán sẽ dẫn đến doanh nghiệp phải bán giá thấp. Vì vậy, ngành điều đề nghị được giãn thời gian trả nợ các khoản vay. Thứ hai, để thực hiện được kế hoạch tạm trữ hàng, doanh nghiệp điều mong muốn được ngân hàng tiếp sức về vốn vay.

Theo dự kiến của các doanh nghiệp, năm 2012, ngành điều sẽ tiếp tục phát triển, bằng chứng là nhóm G20 của ngành điều đã phát triển thành G29 (kết nạp thêm 9 thành viên) trong sáng 6/3.     

Thùy Linh

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu gạo cần tự tin “bắt bài”, vượt qua “bóng Thái” (07/03/2012)

>   Xuất khẩu gạo, chăn nuôi ổn định trong năm 2012 (06/03/2012)

>   Sản lượng cao su xuất khẩu có thể đạt kỷ lục mới (06/03/2012)

>   Thái Lan: Xuất khẩu gạo sụt giảm (06/03/2012)

>   Châu Á vẫn là thị trường chính của gạo Việt Nam (05/03/2012)

>   Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê Việt (05/03/2012)

>   Ưu tiên mua mía ở những vùng có khả năng xảy ra hạn (05/03/2012)

>   Dưa hấu trúng mùa, rớt giá (05/03/2012)

>   Sóc Trăng: 100.000 tấn củ hành tím có nguy cơ chết rụi (05/03/2012)

>   Nhu cầu gạo xuất khẩu Việt Nam và Thái Lan sôi động (04/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật