Thứ Năm, 08/03/2012 13:18

Đối tác Hồng Kông “kết” gạo Việt Nam

Các doanh nghiệp Hồng Kông đang có xu hướng nhập khẩu gạo Việt Nam với số lượng lớn.

Những ngày đầu tháng 3 này, Hiệp hội Các thương nhân kinh doanh gạo Hồng Kông đã cử một đoàn với gần 50 doanh nhân của 25 doanh nghiệp (DN) đến Việt Nam tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nhập khẩu gạo, tham quan các cánh đồng và nhà máy chế biến gạo. Hầu hết các DN trong đoàn đều đánh giá cao tiềm năng của gạo Việt Nam và mong muốn đẩy mạnh nhập khẩu sản phẩm này.

Ông Phạm Văn Công, Phó tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông và Ma Cao cho biết, năm 2011, lượng gạo Việt Nam mà các DN Hồng Kông nhập khẩu đã tăng tới 28,2% so với năm 2010 và có xu hướng tiếp tục tăng.

“Với hơn 7 triệu dân có thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương gần 45.000 USD/năm, là trung tâm giao thương và tài chính quốc tế và là cửa ngõ vào thị trường Trung Quốc rộng lớn hơn 1.3 tỷ người, Hồng Kông thực sự là thị trường xuất khẩu tiềm năng của gạo và nông - thủy sản Việt Nam”, ông Công nhận định.

Theo ông Keneth Chan, Chủ tịch Hiệp hội Các thương nhân kinh doanh gạo Hồng Kông, người dân Hồng Kông ưa chuộng gạo thơm, nên DN Hồng Kông tập trung tìm hiểu các loại gạo này tại Việt Nam.

“So với gạo Thái Lan thì chất lượng gạo Việt Nam thấp hơn, song giá gạo Việt Nam lại hấp dẫn hơn nhiều. Vì thế, gạo Việt Nam nên đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Hồng Kông nhập khẩu gạo Việt Nam chủ yếu dành cho tiêu thụ nội địa, chứ không bán qua Trung Quốc đại lục”, ông Keneth Chan nói và cho biết, hiện tại, bất kỳ DN nào có giấy phép kinh doanh hợp lệ ở Hồng Kông đều có thể nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, để nhập khẩu gạo, trước tiên, DN phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Trước mỗi quý, DN nhập khẩu phải đăng ký số lượng nhập khẩu nhất định cho quý kế tiếp. Khi đã đăng ký, DN phải đảm bảo nhập đủ số lượng và đúng hạn. Trong năm 2012, có 151 DN ở Hồng Kông đăng ký nhập khẩu gạo.

“Việt Nam đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo rất quan trọng của Hồng Kông. Trong năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 100.000 tấn sang Hồng Kông. Con số này thật sự ấn tượng nếu biết rằng, Hồng Kông chỉ nhập khoảng 320.000 tấn gạo trong năm 2011. Dù vậy, các DN Hồng Kông vẫn rất thiếu thông tin về thị trường gạo Việt Nam. Chuyến đi này, thông qua gặp gỡ các thương nhân xuất khẩu gạo và tham quan các nhà máy chế biến gạo của Việt Nam, là cơ hội để các thương nhân Hồng Kông hiểu biết nhiều hơn về thị trường này”, ông Keneth Chan khẳng định.

GS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ miền Nam cho rằng, cái khó khăn lớn nhất trong việc định vị thương hiệu gạo Việt Nam hiện nay nằm ở chiến lược kinh doanh của phần lớn DN. Không có nước nào xuất khẩu từ hạt gạo như Việt Nam, mà họ xuất khẩu từ hạt lúa. Nghĩa là DN phải sát cánh, hỗ trợ nông dân trong ngay từ công đoạn sản xuất, chứ không chỉ phân phối.

Đồng nhất với ý kiến của ông Bửu, ông Thân Thanh Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Xúc tiến thương mại và đầu tư Sao Khuê - đơn vị đóng vai trò môi giới cho nhiều đoàn DN sang tìm hiểu thị trường nông sản Việt Nam cho rằng, vấn đề quan trọng nhất để gạo Việt Nam tiếp cận thị trường Hồng Kông là chất lượng. Không chỉ có chất lượng nói chung, mà trong từng hợp đồng cũng yêu cầu chất lượng gạo giao đồng nhất và ổn định trong thời gian dài.

Ông Vũ cũng cho biết, ngoài Hồng Kông, các DN Trung Đông cũng là khách hàng rất tiềm năng cho nhập khẩu gạo Việt. “Vừa qua, Công ty Sao Khuê đã cùng hơn 30 DN xuất khẩu gạo sang dự Triển lãm Rice Dubai 2011, với mục đích ban đầu chỉ để tìm hiểu thị trường, nhưng kết quả là đã ký được hợp đồng xuất khẩu gạo, trị giá hơn 20 triệu USD. Theo các nhà nhập khẩu Dubai, một trong những lý do khiến hàng Việt Nam chưa phổ biến là do bao bì, mẫu mã, trọng lượng... chưa phù hợp với văn hóa tiêu dùng của người Trung Đông”, ông Vũ nói.

Quang Duy

Đầu tư

Các tin tức khác

>   Vì sao doanh nghiệp cà phê lép vế ngay sân nhà? (08/03/2012)

>   Xuất khẩu hạt điều: DN ôm hàng tồn, ngân hàng từ chối vay (08/03/2012)

>   Triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân (07/03/2012)

>   Ngành điều sẽ có năm được giá (07/03/2012)

>   Xuất khẩu gạo cần tự tin “bắt bài”, vượt qua “bóng Thái” (07/03/2012)

>   Xuất khẩu gạo, chăn nuôi ổn định trong năm 2012 (06/03/2012)

>   Sản lượng cao su xuất khẩu có thể đạt kỷ lục mới (06/03/2012)

>   Thái Lan: Xuất khẩu gạo sụt giảm (06/03/2012)

>   Châu Á vẫn là thị trường chính của gạo Việt Nam (05/03/2012)

>   Doanh nghiệp ngoại lũng đoạn cà phê Việt (05/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật