Lãi suất giảm, đói vốn vẫn “ngậm sâm”… nhìn!
Từ hôm nay (13/3/2012), mức trần lãi suất của các Ngân hàng đồng loạt giảm, nhưng chắc chắn cả doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn “khó nhằn”.
Lãi suất giảm… nhỏ giọt
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra thông báo điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN và lãi suất tiền gửi tối đa đối với các tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đây là động thái thể hiện quyết tâm có thật của NHNN sau nhiều lần tuyên bố sẽ hạ lãi suất trước sự mong mỏi, kỳ vọng của cả doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dùng.
Lâu nay, mức lãi suất ngân hàng quá cao (có lúc lên tới 25%/năm) khiến hàng ngàn DN rơi vào cảnh như đang phải “ngậm sâm” chờ hạ lãi suất để vượt ải ranh giới giữa tồn tại hay phá sản.
Tuy nhiên, ngưỡng lãi suất như NHNN vừa công bố có đủ sức giúp khả năng thanh khoản của các ngân hàng “vươn vai” đứng dậy hay không? Và DN có kịp tận dụng mà vực dậy sản xuất, kinh doanh? Còn người tiêu dùng có tích cực vay vốn đáp ứng nhu cầu hay không? Câu trả lời chắc chắn là chưa thể!
Bởi lẽ, kho khăn đã kéo khá dài, đủ để đẩy cho nhiều DN xiêu vẹo, phải ngừng sản xuất hoặc phá sản.
Hơn thế, sau thời gian dài “đói vốn” hoặc “gồng mình cõng lãi” thì mức hạ trần lãi suất 1% lần này, với nhiều khách hàng, cũng chỉ như giọt nước nhỏ vào sa mạc.
DN khó hấp thụ vốn vì đuối sức
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho rằng những doanh nghiệp khó khăn nhất, đang đình trệ và phá sản chủ yếu là doanh nghiệp dựa vào vốn Ngân hàng. Trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng với lãi suất cao như thời gian vừa qua khiến DN làm ăn không có lãi, thậm chí lỗ.
Và, “lợi nhuận của các doanh nghiệp thường khoảng từ 10 – 15%, nếu doanh nghiệp hoạt động chủ yếu chỉ vào tiền vay, thì lợi nhuận rơi hết vào ngân hàng. Chính vì vậy, lãi suất là nguyên nhân rất quan trọng, dù không quyết định hoàn toàn khiến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản” – ông Cao Sỹ Kiêm phân tích.
Như vậy, lẽ ra, đang đói vốn và mong hạ lãi suất, khi lãi suất hạ sẽ là niềm vui cho các khách hàng của ngân hàng. Nhưng, khắc nghiệt ở chỗ, với mức hạ trần lãi suất 1%, cho dù ngân hàng xả sức dùng nhiều "chiêu" giải ngân thì khách hàng cũng không dám xông tới vay bởi lãi suất vẫn quá cao so với khả năng hoàn vốn của họ.
Xảy ra điều này là vì thời gian dài vừa qua, các DN phải vay vốn đã chịu mức lãi cao, lợi nhuận sản xuất kinh doanh còn lại ít, thậm chí rơi vào “tăng trưởng âm” nên hoạt động cầm chừng hoặc nhiều DN phải phá sản.
Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của DN vốn đã khó khăn thì nay sẽ vẫn tiếp tục rất khó khăn. Theo nhận định của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Sau 2 tháng đầu năm 2012 tăng trưởng tín dụng chỉ được khoảng 2%, trong khi đó chỉ tiêu cả năm từ 15 -17%. Điều đó chứng tỏ “sức khỏe” của doanh nghiệp còn rất yếu, không hấp thụ nổi vốn.
Như vậy, mức hạ trần lãi suất 1% không phải là liều thuốc đủ công hiệu lúc này. Bởi, theo phân tích của ông Cao Sỹ Kiêm, lợi nhuận của các DN thường khoảng từ 10 – 15%, nếu DN hoạt động chủ yếu chỉ vào tiền vay, thì lợi nhuận rơi hết vào ngân hàng.
Rõ ràng, nếu lãi suất có hạ 1% thì dù DN tiếp tục vay vốn sẽ phải cộng lũy tiến cả món nợ cũ và nợ mới. Đồng thời, lãi suất cho vay có về mức 14,5 – 16,5%/năm thì vẫn chỉ tương đương hoặc trên mức lợi nhuận bình quân của DN một chút. Do đó, nếu DN tiếp tục sản xuất bằng vốn vay ngân hàng, nếu không đạt siêu lợi nhuận sẽ khó có lãi ròng để bù đắp phần tài chính thâm hụt và khó có tích lũy.
Bởi bên cạnh nguồn vốn, các DN còn chịu áp lực do sức mua của thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng giảm, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lại tăng do trượt giá của đồng tiền trên thị trường nội địa và chênh lệch cao giữa tiền mặt nội địa với ngoại tệ, nhất là khi phải mua nguyên liệu bằng ngoại tệ… \
Chắc hẳn giới DN đã và vẫn đang ao ước giá như lãi suất giảm sớm hơn, nhiều hơn, cho dù nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô có vẻ tiêu cực hơn, nhưng bù lại sức sống của các DN và sức mua của thị trường khá hơn thì bức tranh kinh tế, đời sống xã hội đã sáng hơn.
Người tiêu dùng: Không thể liều!
Con số mấy chục ngàn doanh nghiệp tuyên bố ngừng, tạm ngừng sản xuất hoặc phá sản chỉ trong thời gian ngắn của đầu năm 2012, không chỉ gây hoang mang cho giới doanh nghiệp, cho thị trường tiêu dùng và người lao động… mà nó đã và sẽ sinh hệ lụy trên diện rộng cho xã hội.
Trước hết, khi DN ngừng hoạt động, phá sản thì nhiều lao động sẽ mất việc làm, mất nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình. Hơn thế, lực lượng lao động ở nước ta, đặc biệt là lao động làm công ăn lương, lâu nay sống chủ yếu dựa vào đồng lương và ít có tích lũy.
Do đó, khi mất việc làm hoặc tạm thời nghỉ làm đồng nghĩa việc nguồn chi tiêu trong gia đình phải thắt chặt lại. Như thế, bản thân mỗi lao động đang gặp rủi ro này, đồng thời là một người tiêu dùng, khó có khả năng tham gia vào việc duy trì và tăng sức mua cho thị trường.
Cạnh đó, khi hàng loạt DN ngừng hoạt động, lực lượng lao động của DN sẽ chia thành 2 dòng: thất nghiệp hoặc dịch chuyển vùng lao động. Đương nhiên, ngoài hao phí về thời gian dịch chuyển, làm quen việc mới, hoặc làm việc không đúng khả năng cốt để tồn tại, sẽ có không ít sức lao động và chất xám của người lao động trở thành “sức lao động treo”, không sinh lời.
Cho dù nhu cầu tiêu dùng, sức mua tiềm năng trong xã hội luôn rất nhiều, nhưng để biến tiềm năng này thành thực tế phụ thuộc vào dòng vốn. Trong khi người tiêu dùng không có thu nhập ổn định, làm ăn khó khăn, dòng vốn cạn nhưng cũng sẽ không dám liều vay tiền ngân hàng phục vụ cho tiêu dùng, vì không có nguồn để hoàn gốc và trả lãi.
Rõ ràng, câu chuyện hạ trần lãi suất lúc này, cho dù là động thái tích cực trên tầm điều hành kinh tế vĩ mô, nhưng trong thực tế sản xuất và tiêu dùng, thời điểm hạ trần đã bị chậm và mức trần lãi suất còn cao so với thực sức của cả DN lẫn người tiêu dùng. Chắc chắn họ sẽ đành đứng nhìn nhiều hơn lao vào vay vốn./.
Xuân Thân
VOV
|