Thứ Ba, 13/03/2012 06:18

Lãi suất giảm: Doanh nghiệp chưa vội mừng

Mừng vì các mức lãi suất đều được điều chỉnh giảm 1% từ ngày 13/3, song nỗi băn khoăn, thậm chí nghi ngại về tính thực tiễn, hiệu quả của việc giảm lãi suất lần này đối với sản xuất kinh doanh, vẫn thường trực ở nhiều doanh nghiệp.

Chờ đợi trong âu lo

Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Traphaco (HOSE: TRA) nói thẳng, điều mà doanh nghiệp quan tâm đó là mức lãi suất đầu ra, hay còn gọi là lãi suất cho vay từ các ngân hàng. Mặc dù lãi suất huy động tiền trong dân từ 14% giảm xuống còn 13%/năm nhưng lãi suất vay vốn của các doanh nghiệp vẫn chưa hề giảm.

Bằng chứng là, theo bà Thuận trong 2 doanh nghiệp của mình, doanh nghiệp hạng "vàng" là Traphaco mới được tiếp cận nguồn vốn "ưu tiên" ở mức 17%/năm. Còn doanh nghiệp sản xuất thuốc thứ 2 có quy mô nhỏ, trụ sở tại Hưng Yên hiện vẫn phải chi trả mức lãi suất vay vốn là 19%/năm. Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp nhỏ khác, việc tiếp cận vốn vay ở mức 19-20% cũng rất khó.

"Tỷ lệ lãi suất huy động trần/lãi suất cho vay tối thiểu của các ngân hàng hiện là 14/17%, liệu tới đây lãi suất huy động xuống 13% thì lãi suất cho vay có xuống 16% không" - bà Thuận đặt câu hỏi rồi bày tỏ: "nếu không đạt được tỷ lệ như vậy thì việc giảm lãi suất lại làm lợi cho các ngân hàng".

Đáng nói là với lãi suất 14%/năm, việc huy động tiền trong dân năm 2011 đã khó do lạm phát rất cao, nay xuống 13% thì khả năng hút vốn trong dân càng giảm hơn. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng tiền mà các ngân hàng cho vay ra.

Vị lãnh đạo nêu quan điểm: "Lạm phát chưa có chiều hướng giảm. Nói thật vừa rồi doanh nghiệp phải giữ và giảm giá bán là do không bán được hàng. Người dân ít tiền không tiêu dùng, mà như vậy, việc giảm lãi suất có huy động được vốn trong dân không? Cho nên mọi thứ vẫn cứ loanh quanh".

Trong khi đó, doanh nghiệp xây dựng kinh doanh bất động sản (BĐS) lại có cái nhìn lạc quan hơn. Một đại diện Công ty CP Thương mại Hưng Việt, chủ đầu tư dự án Golden Land Building (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đánh giá, việc giảm lãi suất huy động mang yếu tố tâm lý rất tích cực dưới góc độ người tiêu dùng, cũng như doanh nghiệp BĐS.

Thể hiện ở chỗ, việc hạ lãi suất dù ít dù nhiều sẽ giúp BĐS nói riêng có thêm dòng vốn từ người mua trong bối cảnh thị trường được kỳ vọng sẽ khởi sắc lên vào nửa cuối năm. Vị này cho biết, nhờ động thái khả quan của lãi suất nên dự án mở bán thăm dò thị trường trong thời điểm này, kết hợp đưa ra chương trình khuyến mại mua nhà, tặng ô tô trị giá 650 triệu, đã thu hút một lượng khách hàng khá đông đếm thăm nhà mẫu.

Trong đó, rất nhiều khách hàng khi được thăm dò cho biết, nếu ngân hàng và chủ đầu tư có hỗ trợ lãi suất thì họ sẵn sàn vay tiền mua nhà.

"Khách hàng phần lớn chia làm 2 nhóm. Một nhóm chưa đủ tiền mặt và một nhóm có tiền nhưng cần thêm các thông tin tốt, ổn định mới quyết định mua nhà. Thay vì mức giá 35-37 triệu đồng/m2, những khách hàng đầu tiên sẽ chỉ phải trả mức 30-33 triệu đồng/m2 đã gồm thuế. Đây là một nỗ lực hỗ trợ, làm hài lòng người mua của chủ đầu tư" - vị này nói.

Cũng dự đoán khả năng dòng vốn từ ngân hàng sẽ chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, BĐS, gián tiếp góp phần tăng thêm lực về vốn cho thị trường khi lãi suất giảm nhưng ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (HOSE: TDH), Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM vẫn giữ thái độ dè dặt và thận trọng khi nhìn nhận về tình hình chung.

Ông Chí Hiếu cho rằng, mức hạ của lãi suất vẫn còn ít ỏi và chưa thấm tháp gì so với nhu cầu và "cơn khát" vốn của doanh nghiệp BĐS. Doanh nghiệp cũng không vội cả mừng, bởi ngay cả mức hạ không bõ bèn thì cũng chưa chắc vay được tiền từ ngân hàng lúc này.

Theo vị này, các khoản vay cũ thì vẫn áp mức lãi suất cũ lên tới 19,5%. Muốn vay được tiền với mức lãi suất mới thì doanh nghiệp buộc phải trả hết nợ cũ. Trong khi chứng khoán còn bấp bênh, BĐS bị tồn kho quá lớn, rất nhiều dự án dở dang, bị chôn vốn trong đó. Mức hạ lãi suất thấp chưa thể cho thấy tác động tích cực.

Ông Chí Hiếu cho rằng, chỉ giảm lãi suất thôi chưa đủ. Nhà nước phải kết hợp nhiều biện pháp điều tiết vĩ mô khéo léo, thận trọng. Đặc biệt, điều hành nguồn cung tiền, tăng tính thanh khoản, vòng quay của dòng tiền thông qua các giải pháp kỹ thuật và kết nối các ngân hàng. Có vậy mới hy vọng việc giảm lãi suất đem lại hiệu quả, đưa doanh nghiệp nói chung thoát khỏi tình hình bi đát hiện tại.

Chứng khoán: kỳ vọng trong dài hạn

Nhiều người tin rằng Việt Nam đang bước vào một chù kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng với tốc độ chậm. TTCK theo đó được kỳ vọng tăng trong trung và dài hạn. Nhưng trước mắt, có không ít người cho rằng thời hiện tại còn quá sớm để nghĩ tới một tăng điểm mới của chứng khoán bởi còn nhiều yếu tố cản trở mục tiêu tiếp tục hạ lãi suất của Chính phủ.

Theo Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), nhiều khả năng sóng 3 - thường là sóng dài nhất, vừa được hình thành. Nếu sóng 4 kết thúc ở vùng giá 70-72, ACBS kỳ vọng sóng 5 sẽ bằng sóng 1 (54 đến 65). Nói cách khác, sóng 5 có thể kéo dài đến 80 điểm, trùng với đỉnh trước đó và cũng là vùng kháng cự mạnh 80-82. Ở chiều ngược lại, nếu xuyên thủng 70-72, HNX-Index có thể giảm sâu hơn về vùng hỗ trợ 64-65, tương ứng mức điều chỉnh 61,8%. Tuy nhiên, đây là điều ACBS không mong đợi vì nó cho thấy sự suy yếu của xu hướng tăng hiện tại.

Khuyến nghị đầu tư dài hạn của ACBS không phải không có lý bởi các tín hiệu vĩ mô gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong 4-5 năm qua. Các yếu tố tích cực như lạm phát hạ dần, dự trữ ngoại hối tăng, tín dụng được cân đối và kiểm soát chặt chẽ trong hơn một năm qua, tỷ giá ổn định... cho thấy một điều là kinh tế đang bước vào một chu kỳ hồi phục.

Mặc dù vậy, TTCK có thực sự đang trong xu hướng đi lên hay không, hay nếu đang trong xu hướng đi lên thì đợt điều chỉnh này giảm sâu tới mức nào và kéo dài bao lâu thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó, đầu tiên phải kể đến là lạm phát trong tháng 3 và các tháng tới sẽ như thế nào sau khi xăng dầu đã được điều chỉnh tăng ngay trong những ngày đầu tháng và sắp tới là điện, than, dịch vụ y tế sẽ tăng tiếp?

Trở lại với phát biểu của Thống đốc NHNN, lãi suất trần huy động theo định hướng sẽ được giảm mỗi quý 1%.  Lãi suất quý 1, như đã biết, đã được giảm 1%. Nếu thuận lợi, từ giờ tới cuối năm lãi suất huy động sẽ về 10% và đây là cơ sở để các ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay. Các doanh nghiệp và theo đó TTCK sẽ hồi phục mạnh trở lại.  Tuy nhiên, nhiều người nghi ngại về khả năng này.

Như chúng ta đã biết, để đưa ra được một quyết định giảm lãi suất, Chính phủ đã phải khởi động cách đây hơn 1 năm và NHNN đã phải cân nhắc trong 5-6 tháng qua. Trong khi đó, quyết tăng giá các hàng hóa cơ bản (theo lộ điều hành theo cơ chế thị trường) lại được đưa ra rất nhanh.

Thực tế, việc giảm lãi suất chậm cũng dễ hiểu bởi lạm phát cho dù đang trong xu hướng giảm nhưng tính tại thời điểm hiện tại vẫn đang cao (trên 16%).

Trong khi đó, giá một số hàng hóa cơ bản như xăng dầu và khí đốt... lại phụ thuộc chủ yếu vào giá thế giới.

Việc giá xăng dầu, khí đốt tăng, cộng với điện, than có thể tăng trong một vài tháng tới sẽ gây áp lực lớn tới lạm phát và gây khó dễ cho NHNN trong việc tính toán giảm lãi suất để giảm áp lực đang đè nặng trên vai đa số các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quá trình tái cấu trúc ngân hàng cũng được xác định phải tiến hành thận trọng, không để xảy ra đổ vỡ. Điều  này cũng đồng nghĩa với việc NHNN sẽ tiếp tục đặt vấn đề thanh khoản của các ngân hàng lên trước vấn đề giảm lãi suất.

Nguyễn Nga - Mạnh Hà

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Thống đốc: Có hiện tượng tín dụng tăng ảo cuối 2011 (12/03/2012)

>   OceanBank công bố giảm lãi suất huy động (12/03/2012)

>   Ngân hàng tìm cách hút tiền gửi trước khi lãi suất giảm (12/03/2012)

>   Thống đốc: 'Lãi suất cho vay sẽ giảm về 14,5%' (12/03/2012)

>   Tín dụng mua nhà kỳ vọng khơi thông (12/03/2012)

>   Chính thức giảm lãi suất điều hành 1% từ 13/03 (12/03/2012)

>   Siết quy định về hoạt động ủy thác của TCTD (12/03/2012)

>   Chưa nên vội đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu (12/03/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước siết dòng vốn rẻ (12/03/2012)

>   Giảm lãi suất: Hy vọng nhỏ trong thách thức lớn (12/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật