Giảm lãi suất: Hy vọng nhỏ trong thách thức lớn
Mặc dù mức giảm lãi suất cơ bản 1% vẫn chưa phải là nhiều và lãi suất cho vay chưa hẳn đã giảm được như kỳ vọng, song, đó là nỗ lực rất lớn và điều này sẽ mang lại nhiều hy vọng cho các DN và chính hệ thống ngân hàng.
Cuối cùng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thông tin mà cả nền kinh tế mà nhất là khối DN đang rất mong chờ là sẽ giảm trần lãi suất xuống 1%, đồng thời giảm các lãi suất cơ bản khác.
Như vậy, sau rất nhiều phản ánh về khó khăn của DN và nền kinh tế trong suốt thời gian qua, trong đó có nguyên nhân lãi suất cho vay cao - cũng như những đề xuất của nhiều tổ chức, chỉ đạo của Chính phủ thì việc hạ lãi suất dù rất khó khăn nhưng đã được thực hiện.
Động thái này diễn ra trong một chuỗi liên tiếp các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy thị trường chứng khoán, tái cơ cấu ngân hàng và DNNN... thời gian qua cho thấy những kỳ vọng vào những quyết sách nhằm thúc đẩy nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, hướng tới phát triển bền vững đang dần được thực hiện một cách đồng bộ.
Thực tế, trước khi có quyết định từ Ngân hàng Nhà nước, đã có những ngân hàng lớn giảm lãi suất như tín hiệu hy vọng đầu tiên cho thị trường. Và những tín hiệu đó ngày càng mạnh mẽ hơn khi có sự tham gia của các ngân hàng nhỏ, ngân hàng nước ngoài... Và tính đến thời điểm Thống đốc tuyên bố hạ lãi suất cơ bản thì dường như một mặt bằng lãi suất mới thấp hơn đã xuất hiện, nhất là tín dụng dành cho các khu vực sản xuất, xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn...
Lãi suất giảm cơ bản giảm là hy vọng rất lớn của các DN (ảnh minh họa - Lao động)
Mặc dù mức giảm lãi suất cơ bản 1% vẫn chưa phải là nhiều và kéo theo đó, lãi suất cho vay chưa hẳn đã giảm được như kỳ vọng của khối DN. Tuy nhiên, có được kết quả trên là nỗ lực rất lớn và điều này sẽ mang lại nhiều hy vọng cho các DN và chính hệ thống ngân hàng.
Đầu tháng 3, những thông tin về con số DN phải dừng sản xuất tăng cao, số DN thành lập mới và số vốn đưa vào sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh khiến cho nhiều người lo lắng. Không lo lắng sao được khi cuối năm 2011, con số sơ bộ đã có đến gần 50.000 DN dừng hoạt động, biến mất hay phá sản do khó khăn... và dường như xu hướng đó vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2012 là thực tế đáng báo động.
Hơn thế, trên thị trường, những báo cáo tài chính của các DN đã cho thấy những thực tế thua lỗ, khó khăn trong năm 2011 và cả những lo ngại cho triển vọng kinh doanh của 2012. Điều đó không chỉ có ở những DN nhỏ mà là thực tế chung của nhiều DN, thậm chí DN càng lớn càng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Cũng đã có những DN lâm vào khủng hoảng, nguy cơ đổ vỡ như Bình An ở Cần Thơ... Và tất nhiên, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề về nợ nần đối với ngân hàng, gây kiệt quệ và ảnh hưởng đời sống của hàng ngàn hộ nông dân và DN. Thực tế, đang và sẽ có nhiều hơn những DN rơi vào tình trạng như thế... điều đó không chỉ đe dọa tới sự tồn tại của DN và còn gây nguy cơ đối với sự phát triển của nền kinh tế cũng như mục tiêu đảm bảo an sinh toàn xã hội.
Trong rất nhiều nguyên nhân của tình trạng hiện nay, thì lãi suất cao là điều luôn được các DN nhắc đến. Chính vì thế, việc giảm lãi suất lần này dù mới chỉ khởi đầu và mức giảm ít nhưng đã mang lại cho DN nhiều hy vọng. Đặc biệt, khi Thống đốc cho biết, nếu thuận lợi, mỗi quý có thể giảm lãi suất thêm 1%. Và thực sự điều đó diễn ra, thì mong ước lãi suất về 10% sẽ thành hiện thực. Như thế, cơ hội tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý đã đến, nhất là với khối sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn... những động lực chính của nền kinh tế. Vì thế, dẫu biết rằng, mọi việc còn nhiều khó khăn ở phía trước nhưng quyết định này đã củng cố niềm tin, gieo thêm hy vọng và tạo ra hưng phấn mới cho DN trong giai đoạn khốn khó hiện nay.
Trong khi đó, giảm lãi suất đã phần nào là một lời giải cho những nghi vấn về những khó khăn của ngân hàng và kinh tế vĩ mô hiện nay. Ngân hàng Nhà nước đã từng cho biết, việc giảm lãi suất thời gian qua gặp khó vì hết vướng lạm phát lại đến thanh khoản... Và đến nay, lãi suất được điều chỉnh giảm cũng có nghĩa những khó khăn trong hệ thống ngân hàng, nhất là thanh khoản đã dần qua.
Suốt một thời gian dài, hệ thống ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn, đi kèm với đó là những nghi ngờ, lo lắng... dù đã có rất nhiều hành động và cam kết về giữ vững sự ổn định hệ thống. Nhưng có lẽ, động thái giảm lãi suất chính là câu trả lời được mong chờ nhất cho tình trạng hiện nay. Và tất nhiên, một khí các ngân hàng vượt qua được khó khăn, vĩ mô được giữ ổn định thì dòng vốn cho DN sẽ được khai thông, DN đủ vốn và hoạt động tốt lại chính là sự đảm bảo cho tăng trưởng và phát triển bền vững.
Tất nhiên, khi những tín hiệu lạc quan xuất hiện thì cũng là lúc nền kinh tế lại xuất hiện những khó khăn mới. Đó là những báo hiệu tăng giá của nhiều mặt hàng quan trọng, sự co hẹp và khó khăn của nhiều thị trường xuất khẩu... tất cả đó là những thách thức báo hiệu một chặng đường trước mắt không hề dễ dàng.
Chính vì thế, những cam kết và thực thi bước đầu của Chính sách tiền tệ chắc chắn sẽ sớm hiện thực hóa. Tuy nhiên, để đạt được một mức lãi suất hợp lý cho DN và nền kinh tế thì còn nhiều đòi hỏi mà không chỉ riêng của ngành ngân hàng. Đó trước hết phải là sự ổn định vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, nâng cao được chất lượng của hệ thống ngân hàng, thực thi các chính sách tài khóa hợp lý, quản lý thị trường tốt... để tạo nên một hợp lực trong điều hành kinh tế. Chỉ có điều đó mới đảm bảo các mục tiêu được hiện thực hóa, chính sách được thực thi hiệu quả. Điều đó có nghĩa, tinh thần đối mặt với khó khăn, nỗ lực vượt qua thách thức cần tiếp tục được duy trì trên tất cả mọi lĩnh vực và thể hiện trong mọi quyết sách và hành động. Chỉ có vậy, mới đảm bảo cho nền kinh tế đi vào sự ổn định, hồi phục và phát triển bền vững.
Bởi vì những niềm vui và hy vọng hôm nay mới chỉ bước đầu còn rất nhỏ bé, trong khi khó khăn phải đối mặt thì đã kéo dài và luôn xuất hiện những bất ngờ mới mà chúng ta phải vất vả đối phó.
Lê Khắc
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM
|