Được vay lãi thấp hay không, tùy “sức khỏe” DN
Suốt từ đầu tháng 2 đến nay, nhiều ngân hàng (NH) đã nhập cuộc vào giảm lãi suất cho vay làm thị trường trở nên sôi động hơn. Nhiều ngân hàng đang dư tiền cho vay.
Theo ThS kinh tế Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HD Bank, trong thời gian qua một số NH yếu thanh khoản làm mất niềm tin của người dân. Vì thế một dòng tiền đã chạy vào các NH lớn nên xuất hiện tình trạng dư tiền ở NH. Nếu các NH này đem đi gửi ở nơi khác thì lãi suất không cao, vì thế họ đã cân nhắc giữa cung và cầu để hạ lãi suất xuống.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Quốc Tiến, Phó Tổng Giám đốc NH Quân đội (MB), cũng cho rằng hiện huy động vốn của một số NH đang dư tiền. Nếu để lãi suất cao quá thì doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận nguồn vốn nhưng các NH trên cũng không dám đẩy vào thị trường liên NH vì lãi suất trên thị trường này thấp, rủi ro lại cao do khả năng trả nợ chậm và khó đòi. Mặt khác, mặt bằng lãi suất ở các NH không phải là như nhau mà có thể thấp hơn, nếu NH nào có lượng tiền gửi lãi suất không kỳ hạn nhiều thì họ có thể hạ lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất cho vay cũng là mục tiêu của Chính phủ.
Do đó, các NH tính ngay việc giảm lãi suất cho vay là hợp lý và là dấu hiệu tốt. Tuy vậy, liệu rằng hạ lãi suất quá nhanh sẽ không có tác dụng phụ?
ThS Trần Hoài Nam cho rằng việc hạ lãi suất này phải thận trọng bởi nó có hai mặt. Khi lãi suất thấp, DN tiếp cận được nguồn vốn tốt nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều DN lại đổ xô đi vay trong khi Chính phủ kiềm chế tăng trưởng tín dụng.
Ngược lại, ông Đặng Quốc Tiến và nhiều chuyên gia cho rằng hạ lãi suất vẫn không hề làm tăng trưởng tín dụng. Bởi vì Nhà nước đã khống chế tăng trưởng tín dụng cho từng nhóm NH. Do bị hạn chế dư nợ tín dụng cho nên gói lãi suất giảm cũng sẽ không lớn. Ông Tiến cũng cho rằng không phải DN nào cũng đạt tiêu chuẩn để vay gói lãi suất thấp, bởi vì điều kiện vay vốn không dễ dàng gì và không phải DN nào cứ cần vốn là vay được. Điều kiện để các NH chọn cho vay là nhắm vào DN có thanh khoản tốt. TS Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank (EIB), nhấn mạnh: “Tôi không đề cập việc lãi suất nhắm đến đối tượng cụ thể nào. Điều quan trọng hiện nay là NH muốn cho DN nào vay cũng sẽ phải cân nhắc khả năng trả nợ của họ”.
Đại diện cho Viettinbank (CTG) cũng khẳng định trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN nào cầm cự được mà làm ăn có lãi thì không có lý do gì NH không cho vay với lãi suất ưu đãi. Tiêu chí cho vay vẫn là xem xét DN đó làm ăn có hiệu quả hay không.
Đại diện một DN chuyên nhập khẩu hàng điện tử cho biết lĩnh vực của công ty này là phi sản xuất nên khi vay vốn, trước đây họ thường vay với lãi suất 20%. Vừa qua, họ đã được vay với mức 19% nhưng phía NH ngoài những điều kiện cũ còn yêu cầu thế chấp thêm giấy tờ. “Tuy vậy, 19% vẫn ở mức cao lắm, giá như lãi suất 15%-16% thì chúng tôi mới được hỗ trợ nhiều từ chủ trương hạ lãi suất” - vị này nói.
Yên Trang
Pháp luật TPHCM
|