Chủ Nhật, 11/03/2012 10:32

Tái cấu trúc ngân hàng: Mở nhưng không dễ

Trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011-2015 mới được Chính phủ phê duyệt có nhắc đến một “cửa ra” cho các ngân hàng yếu. Cụ thể là “xem xét, cho phép tổ chức tín dụng nước ngoài mua lại, sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam và tăng giới hạn sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém”. Đây là hướng giải quyết được xem là đỡ được gánh nặng chi phí cho Nhà nước, nhưng theo những người trong ngành thì không dễ thực hiện.

Là hướng mở

Trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đều tỏ ra ngán ngại trước giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần dành cho nước ngoài (tối đa 30% vốn điều lệ). Và một cổ đông chiến lược nước ngoài cũng chỉ được nắm không quá 20% cổ phần của một ngân hàng trong nước. Vì vậy lời hứa cho tăng tỷ lệ sở hữu của tổ chức tín dụng nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam là điều mong chờ của các tổ chức tín dụng nước ngoài.

Ông Phạm Hồng Hải, Giám đốc bộ phận Kinh doanh vốn và thị trường tiền tệ,  Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam), cho rằng đây là một nút mở cho các tổ chức tín dụng nước ngoài. Họ sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường tài chính Việt Nam nhanh hơn vì có thể được nâng mức sở hữu vốn nước ngoài cao hơn mức 20% hiện nay và sở hữu mạng lưới chi nhánh sẵn có của các tổ chức tín dụng yếu kém. Thị trường tài chính cũng được lành mạnh hóa nhanh hơn, khi các tổ chức tín dụng nước ngoài với nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý sẽ giúp các tổ chức tín dụng yếu kém cải tổ nhanh và hiệu quả hơn.

Ông Hải cho rằng theo tập quán trên thị trường quốc tế, khi mua các tổ chức tín dụng yếu kém, các tổ chức đều muốn mua cổ phần để trở thành cổ đông lớn nhất (thậm chí cổ đông duy nhất) để có thể nắm quyền điều hành, đưa người vào các vị trí quản lý quan trọng nhằm tái cơ cấu tổ chức đó, điều chỉnh hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh... Vì vậy, khi trần tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nâng lên, các tổ chức tín dụng nước ngoài sẽ có quan tâm nhiều hơn đối với các tổ chức tín dụng trong nước.

Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch Hội đồng đầu tư, Tổng giám đốc Vietnam Asset Management (VAM), trao đổi với TBKTSG cũng cho rằng mỗi nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đều có mục đích đầu tư khác nhau. Nếu như các quỹ đầu tư có vẻ rất dè dặt với sự không minh bạch của các ngân hàng yếu ở Việt Nam, thì các ngân hàng nước ngoài lại quan tâm nhiều đến các vấn đề khác như giấy phép thành lập, mạng lưới, khách hàng… chứ không chỉ qua báo cáo tài chính hay những con số, vì vậy vẫn sẽ có các ngân hàng nước ngoài muốn đầu tư vào ngân hàng yếu của Việt Nam.

Còn theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM quy định này đang mở ra một hướng đi cho ngân hàng yếu. Đó là họ có thể suy nghĩ đến việc bán bớt một số lượng cổ phần lớn cho các tổ chức tín dụng nước ngoài. Xem như chuyển “một mớ bòng bong” cho đối tác mới giải quyết, vì tình hình hiện tại của họ đã quá khó, phải nhận tái cấp vốn liên tục, phải chịu sự giám sát khắt khe của Ngân hàng Nhà nước. “Họ có mời gọi được hay không thì chưa biết nhưng  cũng xem như còn một hướng đi khác ngoài việc ngồi chờ kế hoạch sáp nhập của Ngân hàng Nhà nước”, vị này nói thêm.

Chưa thể mừng vội

Chuyên gia tài chính Lê Xuân Nghĩa cho rằng sẽ không dễ dàng gì để kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng yếu. Vì lẽ, một trong các vấn đề lớn nhất hiện nay của các ngân hàng yếu chính là nợ xấu. “Có nhiều ngân hàng nợ xấu vượt luôn vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ thì ngân hàng nước ngoài họ mua về làm gì?”, ông Nghĩa nói. Ông cho rằng ở các nước, thường thì chính phủ sẽ bỏ tiền mua cổ phần của ngân hàng, rồi nắm quyền kiểm soát, sau khi làm ăn có lãi trở lại thì sẽ bán ra cho các nhà đầu tư, chứ không thể kêu gọi họ bỏ tiền ra mua trong khi tình hình tài chính của các ngân hàng đã quá tệ hại.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông, cho rằng trong khi bản thân những người trong cuộc còn chưa thấy cửa ra thì dù có quy định cho phép tăng tỷ lệ sở hữu, chắc chắn người ngoài cuộc cũng không dám nhảy vào, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài thường muốn mua cổ phiếu để trở thành cổ đông chiến lược. Ông cho biết, ở nhiều ngân hàng không bị đưa vào nhóm yếu kém hiện cũng không dễ đàm phán để bán bớt cổ phần thì việc tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của các ngân hàng yếu kém là rất khó.

Đứng ở góc độ một quỹ đầu tư, ông Đặng Doãn Kiên, Trưởng đại diện Quỹ Đầu tư Aureos tại Việt Nam, cho rằng các ngân hàng Việt Nam phát triển nhanh, trong khi trình độ quản lý chưa theo kịp. Vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài thiếu sự tin tưởng các ngân hàng Việt Nam, họ tự hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra bên trong các ngân hàng. Nhiều khi mua phải các ngân hàng mà cách làm ăn, hệ thống quản lý, tài sản… không phù hợp với ngân hàng mẹ, ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng mẹ thì sẽ không dễ để tái cấu trúc. Ông Kiên cho rằng sẽ chỉ có một số ít ngân hàng yếu kém có thể tiếp cận được với các đối tác chiến lược là tổ chức tín dụng nước ngoài.

Thanh Thương

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Có thể chuyển nhượng chỉ tiêu tăng tưởng tín dụng? (11/03/2012)

>   Ngân hàng Bắc Á được tăng trưởng tín dụng 15% (10/03/2012)

>   Đồng tiền loanh quanh trong hệ thống ngân hàng (10/03/2012)

>   Được vay lãi thấp hay không, tùy “sức khỏe” DN (10/03/2012)

>   Sacombank dành 1,000 tỷ đồng cho vay ưu đãi (09/03/2012)

>   VCB cảnh báo tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền (09/03/2012)

>   Khách hàng nợ phí, trách nhiệm bồi thường đến đâu? (09/03/2012)

>   Lãi suất cho vay chưa thể giảm đồng loạt (09/03/2012)

>   Từ 02/05, NHNN áp cơ chế cho vay ngoại tệ mới (09/03/2012)

>   Đến lượt HSBC giảm lãi suất cho vay (09/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật