Giảm lãi suất 1%: Doanh nghiệp được lợi gì?
Hơn một tuần qua, việc trần lãi suất huy động sớm muộn sẽ giảm 1% sau tuyên bố của Thống đốc NHNN luôn là đề tài nóng.
Khi trần lãi suất huy động chính thức được cắt giảm vào ngày hôm nay, đã có nhiều ý kiến đón nhận một cách tích cực. Nhiều người cho rằng với việc giảm lãi suất huy động sẽ tạo cơ sở để cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay và doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ. Đồng thời đây cũng sẽ là một động thái nhằm ngăn chặn kỳ vọng lạm phát tương lai vẫn còn cao của người dân.
Song về thực chất, nếu ai đó tin rằng việc hạ lãi suất huy động 1%, các ngân hàng sẽ điều chỉnh cho lãi suất đầu ra giảm tương ứng là hơi vội vàng. Nhất là trong bối cảnh thanh khoản của nhiều ngân hàng đang yếu kém, mức tăng trưởng tín dụng bị hạn chế và nhu cầu vay cũng không nhỏ. Nói cách khác, chẳng ai dại gì bán rẻ một loại hàng hóa trong khi nguồn hàng mình cũng không dồi dào và nhu cầu mua của thị trường lại đang rất lớn. Trong bối cảnh đó, ngân hàng sẽ tạo ra nhiều ngách, nhiều khóa đối với doanh nghiệp hoặc ít nhất cũng chỉ cho vay một lượng khách hàng chọn lọc và những đối tượng không được ưu tiên sẽ không có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn.
Thêm nữa, cứ cho là với việc giảm 1% lãi suất huy động sẽ cho một kết quả tương ứng là giảm được 1% lãi suất cho vay thì con số giảm cũng khá là nhỏ so với mức lãi suất đang đứng ở mức cao như hiện nay. Có người đã ví von khá sinh động rằng, một người đang phải gánh một gánh nặng 70 kg trong khi sức anh ta chỉ chịu được 50 kg thì việc bớt đi 10 kg đã là cả một vấn đề. Nếu để 1000 kg chất lên vai anh ta, thì dù có san bớt đến 500 kg cũng chẳng giải quyết được gì cả.
Bên cạnh đó, việc hạ lãi suất này vẫn là một giải pháp hành chính của NHNN chứ chưa phải là một giải pháp kinh tế có tính lâu dài và ổn định. Sự can thiệp bằng biện pháp hành chính thường dẫn đến những hệ quả không mong muốn và phần lớn đều là những yếu tố bất lợi.
Trước đây chưa lâu, trong khi việc áp dụng trần lãi suất huy động cho thấy không có nhiều hiệu quả, đã có ý kiến cho rằng, nên bỏ trần lãi suất huy động thay vào đó là áp dụng trần lãi suất cho vay. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, trần lãi suất huy động chỉ nên áp dụng trong một thời gian ngắn, nếu để lâu sẽ gây ra hậu quả khó lường. Việc quan trọng hơn là phải khống chế lãi suất cho vay, nếu không sẽ có hại cho dân và doanh nghiệp. Theo ông Kiêm, hệ thống ngân hàng của Việt Nam quá nhiều đơn vị, hàng trăm ngân hàng đó xâu xé nhau, nâng giá lên, rồi cộng tất cả chi phí vào cho người dân phải chịu.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất khát vốn hoặc nếu có vay được thì cũng phải chịu lãi suất cao ngất ngưởng và lợi nhuận của họ phần lớn đều chảy vào túi các ngân hàng. Tuy nhiên, với quyết định giảm lãi suất 1%, tình trạng trên có lẽ sẽ vẫn chưa được cải thiện.
Nhà báo và công luận
|