Định vị lại hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến 2030.
Theo đó, Việt Nam sẽ giảm mạnh xuất khẩu hàng nhiên liệu, khoáng sản thô; ưu tiên mạnh cho sản phẩm chế biến sâu, đặc biệt là hàng nông, thủy sản. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư mạnh cho công nghệ.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đến năm 2020 tăng gấp 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Cán cân thương mại được cân bằng và mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 - 12%/năm trong thời kỳ 2011 - 2020, trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021 - 2030.
Chiến lược cũng định hướng Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu, giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020, thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.
Trên cơ sở đó, định hướng phát triển xuất khẩu tập trung vào 4 nhóm ngành cụ thể. Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sẽ có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp), cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu) phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ… định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 40,1% năm 2010 lên 62,9% vào năm 2020.
Nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hoá khác), sẽ rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.
Về định hướng nhập khẩu, các cơ quan quản lý sẽ chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời, phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu.
Một chương trình hành động cụ thể liên quan đến việc sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường, chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao nhận kho vận, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… sẽ được xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I năm nay.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, sự chủ động đã có từ rất sớm, lĩnh vực thủy sản là một ví dụ. Tại cuộc họp mới đây của một số doanh nghiệp thành viên VASEP, thông tin đưa ra cho thấy, các thị trường đang “ăn hàng” chế biến thay vì hàng thô như trước đây. Các doanh nghiệp chế biến tôm, cá ba sa, do đó, đang đầu tư mạnh cho các mặt hàng chế biến, tuy nhiên chỉ những doanh nghiệp lớn, có nhân công tay nghề cao mới làm được.
Doanh nghiệp cũng mong muốn có cơ chế bình đẳng trong xuất nhập khẩu. Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam phản đối chủ trương họ phải đóng phí 2 USD/tấn cà phê xuất khẩu cho Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài thì không. Mặc dù, số tiền trên được thông báo là để phục vụ cho quỹ bảo hiểm xuất khẩu.
Thùy Linh
đầu tư chứng khoán
|