Các chuyên gia "mổ" lập luận tăng giá điện!
Mua rẻ bán đắt, ngành điện đòi áp dụng giá thị trường trong khi vẫn “một mình một chợ”.
Tại hội thảo Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường do Học viện Tài chính tổ chức ngày 14-3, liên quan đến phương án tăng giá điện 5% sắp tới của EVN, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, khẳng định: “Đến nay, Bộ Công Thương cũng như Cục chưa nhận được thông tin về việc EVN đề xuất tăng giá điện”.
Đã đến lúc… tăng giá?
Tuy vậy, theo nguồn tin trước đó từ lãnh đạo EVN, đơn vị này đang tính toán các thông số đầu vào cơ bản gồm biến động giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Nếu mỗi thông số có sự biến đổi, EVN sẽ cân nhắc thời điểm đề xuất tăng giá. Một trong những phương án được tính đến là tăng giá điện 5%.
Theo ông Đặng Huy Cường, quy định Thông tư 24 về thời gian điều chỉnh giá điện tối thiểu ba tháng/lần, không quá 5% là hoàn toàn hợp lý, tránh việc phải thường xuyên điều chỉnh giá điện như một số nước, đảm bảo giá điện không bị “nén” quá lâu và sau đó phải tăng một bước lớn, gây sốc cho người dân.
Song song đó, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng việc tăng giá điện trong thời gian tới là tất yếu. Riêng năm 2011, giá điện bình quân được điều chỉnh hai lần với mức hơn 20% nhưng vẫn chưa phản ánh hết biến động của các chi phí sản xuất, kinh doanh đầu vào hợp lý. Do đó, Cục Quản lý Giá nhấn mạnh: Đã tới lúc thích hợp tiếp tục thực hiện lộ trình giá điện thị trường.
Độc quyền tạo ra lắm nghịch lý
Mở đầu câu chuyện điều hành giá điện, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội Hà Nội, đưa ra bảy nghịch lý về thị trường điện của VN. Nghịch lý lớn nhất - còn lớn hơn cả xăng dầu - là giá điện luôn chỉ có một chiều tăng lên, bất chấp những trồi sụt giá cả trên thị trường trong và ngoài nước. Thứ hai, doanh nghiệp (DN) đòi áp dụng giá thị trường trong khi chưa có cạnh tranh đầy đủ trên thị trường. Thứ ba, cả nước thiếu điện nhưng một số nhà sản xuất điện tư nhân lại không được ký hợp đồng bán điện với EVN với lý do dây dẫn quá tải, không đủ sức tải lên mạng lưới quốc gia. Còn nữa, ngành điện luôn kêu lỗ do đầu tư đa ngành và thiếu vốn đầu tư nhưng lương nhân viên của EVN gấp nhiều lần lương trung bình của xã hội…
Độc quyền mua giá thấp bán giá cao
Ông Vũ Xuân Thuyên, chuyên viên cao cấp của Bộ KH&ĐT, cũng thẳng thắn nhận định: Sự độc quyền của EVN không đáp ứng được kỳ vọng và lợi ích của người tiêu dùng, làm giảm cơ hội “chen chân” của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Sự độc quyền thể hiện rõ ở việc EVN mua điện giá thấp, điều kiện ngặt nghèo nhưng bán giá cao. “Tôi có hồ sơ một loạt nhà máy điện của Tổng Công ty Sông Đà, Tập đoàn Than-Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, trong đó có những hợp đồng mua bán điện chỉ có 2,5-3,5 cent/kWh… Việc này Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải xử lý, nếu chỉ làm lợi cho EVN thì không thể huy động nhà đầu tư lớn” - ông Thuyên nói.
Trước những dẫn chứng, phân tích của các chuyên gia, ông Đặng Huy Cường cho biết các số liệu kiểm toán về thu nhập, lỗ lãi của EVN đã được Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính công bố là những con số chính thống, tin cậy. Ông phân bua: “Bộ Công Thương không đứng về phía DN, thị trường điện cực kỳ phức tạp, trên thế giới có nước thành công, có nước thất bại khi áp dụng giá điện thị trường. Bộ Công Thương luôn khuyến khích các tổ chức tài chính tư nhân đầu tư để cân bằng cung-cầu về điện nhưng nếu giá điện thấp thì không ai đầu tư. Một số hợp đồng của nhà đầu tư được ký cách đây 3-4 năm, lúc đó các điều kiện tương đối ổn định nhưng hiện nay nhiều đơn vị phải vay lãi suất cao. EVN không được tăng giá thì các nhà máy phát điện ở ngoài cũng không được tăng, liệu có thu hút được đầu tư hay không?”.
Đừng nhập nhằng an ninh và thương mại
Cũng theo ông Cường, giá điện mà EVN bán ra năm 2011 chỉ ở mức 6,5 cent/kWh (khoảng 1.200 đồng - PV), trong khi giá điện tất cả nhà máy ngoài đều khá cao, xấp xỉ 700-900 đồng/kWh. Ông nói: “Nếu không điều chỉnh đúng giá thành thì việc cung ứng điện trong tương lai vô cùng khó khăn. Lâu nay giá điện chỉ có một chiều tăng, không có giảm - tình hình này cũng giống như hầu hết các nước. Mục tiêu kiềm chế lạm phát, thúc đẩy an sinh xã hội đều không theo kịp, do đó giá điện cũng không thể giảm trong khi tất cả đều tăng”.
Trước lập luận trên, TS Nguyễn Minh Phong phản biện: Ngành điện cần bóc tách giữa an ninh năng lượng và thị trường điện thương mại, đồng thời xây dựng giá sàn điện. “Đây là giá thấp nhất để bán điện, là giá không ai lỗ, ngành điện không được thua lỗ, cùng lắm là không có lãi thôi. Người dân và DN đều sẽ chấp nhận giá này” - ông Phong nhấn mạnh.
Mua 5 cent, bán 10 cent (!)
Quyết định tăng giá bán điện 5% chỉ mang lại lợi ích cho EVN. EVN mua điện của nhà đầu tư theo hợp đồng khoảng 4,95 cent/kWh. Khi EVN tăng giá bán, việc nhà đầu tư sẽ được hưởng bao nhiêu trong 5% tăng giá thì chưa được đề cập. Giá điện có thể tăng lên 10 cent, trong khi giá điện mà EVN mua vào chưa đến 5 cent… EVN nắm ba khâu phát điện, truyền tải điện và phân phối điện. Việc tăng giá bán điện cũng chủ yếu do EVN xây dựng.
Ông VŨ XUÂN THUYÊN, chuyên viên cao cấp của Bộ KH&ĐT
Phải xóa lợi ích nhóm ở ngành điện
Yếu tố con người rất quan trọng, chúng ta nên mạnh dạn điều chỉnh cán bộ, không được để một vài cán bộ lấy việc thiếu điện để tăng giá điện, phục vụ lợi ích nhóm. Nếu cần thì hãy “đấu thầu” cán bộ, mạnh dạn thay đổi cả ê kíp đứng đầu ngành điện, ai có khả năng thì ký hợp đồng làm việc và chịu trách nhiệm về điều hành.
TS NGUYỄN MINH PHONG,Viện Nghiên cứu kinh tế-xã hội Hà Nội |
Trà Phương
Pháp luật TPHCM
|