Nhiều doanh nghiệp thủy sản đứng trước nguy cơ phá sản
Các nhà máy này trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả, hoặc ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu và thiếu vốn.
Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết hiện có trên 20% nhà máy chế biến thủy sản trong tổng số hơn 30 nhà máy trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản. Các nhà máy này trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả, hoặc ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu và thiếu vốn.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai đề án nâng cao năng suất, chất lượng các mô hình thâm canh lúa tôm, triển khai nuôi 10.000 ha tôm công nghiệp. Tuy nhiên, những tháng đầu năm này tỷ lệ tôm công nghiệp bị bệnh chết cao tới gần 50%. Trong khi đó nhiều đơn vị vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng mới các nhà máy, nâng cao công suất chế biến dẫn tới tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng diễn ra trầm trọng.
Ông Lý Thuận, Tổng thư ký Hội chế biến xuất khẩu Cà Mau cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần có giải pháp tổng thể: Trung ương nên có một chính sách về vốn và lãi suất cho các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu liên quan trực tiếp đến nông dân, nông thôn; Phải thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tạm ngưng xây dựng nhà máy chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015, đúng như tinh thần quy hoạch hệ thống thủy sản toàn quốc đến năm 2020. Tôi nghĩ nhà nước cần có giải pháp tổng thể, toàn diện.
Cũng theo Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau hiện chỉ có khoảng 40% số doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh hoạt động hiệu quả. Đây là các doanh nghiệp năng lực quản lý tốt, tập trung đầu tư các thiết bị hiện đại nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm để bù đắp nguyên liệu thiếu hụt./.
Nguyên Nhung
VOV
|