Thứ Tư, 14/03/2012 08:56

Xử lý nợ xấu DNNN: Mục tiêu đã tỏ, lộ trình thì chưa

Theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đến năm 2015, phải xử lý dứt điểm nợ xấu. Trụ cột chính đảm đương nhiệm vụ này công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp thuộc bộ Tài chính (DATC). Mới đây, Thủ tướng phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015”. Theo đó, trong các biện pháp xử lý nợ xấu có biện pháp bán nợ xấu có tài sản đảm bảo cho DATC.

Lộ trình trên và cả nhiệm vụ này có hoàn thành được không khi mà đến nay DATC vẫn đang than mình đứng vào thế khó khi thiếu cơ chế cụ thể, ngay cả kịch bản tái cơ cấu nợ cụ thể vẫn chưa được phác thảo?

Thiếu kịch bản chi tiết

Một nguyên nhân khác khiến hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước của DATC gặp khó khăn là do nền kinh tế có nhiều biến động.

Ngày 17.12.2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dư nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng ở mức 3,4% tổng dư nợ, quy ra khoảng 85.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu phân loại nợ theo chuẩn mực quốc tế, Fitch Rating cho rằng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam là 13% tổng dư nợ (khoảng 300.000 tỉ đồng). Đến bây giờ, nợ xấu của DNNN là bao nhiêu, xem ra rất khó có câu trả lời chính xác. Theo NHNN thì đến cuối tháng 9.2011, dư nợ cho vay DNNN là khoảng 416.000 tỉ đồng, tương đương 17% tổng dư nợ tín dụng, trong đó có một tỷ lệ nợ xấu không nhỏ. Còn vào thời điểm tháng 10.2011, ông Deepak Mishra – kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới cho rằng hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng.

Với con số nợ xấu thuộc hàng khổng lồ đó, thị trường hiện nay lại trông chờ chủ yếu vào DATC. Theo công bố của DATC, gần sáu năm qua, đơn vị này đã thực hiện được khoảng 109 phương án mua bán nợ và tài sản theo phương thức thoả thuận để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp. Tổng mệnh giá nợ và tài sản đã mua khoảng 7.000 tỉ đồng, xử lý tồn tại tài chính cho doanh nghiệp khoảng 2.200 tỉ đồng. Như vậy, trung bình mỗi năm DATC xử lý được 366,67 tỉ đồng. Dù là công ty mua bán nợ duy nhất mang tầm quốc gia nhưng đơn vị này chưa thể phát huy hết vai trò của mình. Đơn cử là khi Vinashin đổ bể, để tiếp cận nguồn nợ, DATC đã phải làm nhiều công văn xin phép cấp trên, thế nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được. Hay như tổng công ty Dâu tằm tơ, thua lỗ đã hàng chục năm nay, nhưng đến nay DATC mới công bố bắt đầu vào cuộc.

Với tốc độ này, từ nay đến năm 2015, DATC chỉ có thể xử lý được một phần rất nhỏ nợ xấu. Vậy đâu là sự đột biến để DATC làm tròn sứ mệnh này?

Ông Phạm Thanh Quang, tổng giám đốc DATC thông tin: “Chúng tôi dự kiến đề xuất lên bộ Tài chính một lộ trình, theo đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng quy mô hoạt động của DATC lên mô hình tổng công ty, để DATC có thể chủ động trong xử lý nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp. Ông Phạm Mạnh Thường, phó tổng giám đốc DATC cho biết: lộ trình đến 2015 là kế hoạch tổng thể trong đề án bộ trình Chính phủ. Còn đến nay vẫn chưa có kịch bản chi tiết nào cho việc cụ thể hoá đề án này. Chưa biết mỗi năm sẽ xử lý bao nhiêu đơn vị, giá trị bao nhiêu, phân chia theo nhóm, lĩnh vực ngành nghề nào…

Tái cơ cấu nợ cần khuyến khích các hoạt động mua bán nợ giữa các DNNN, ngân hàng thương mại và công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế chưa làm được như vậy.

Tăng tốc nhưng đường không đổi

Không đánh giá trực tiếp về khả năng hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ hay không, nhưng lãnh đạo DATC chỉ ra nhiều khó khăn mà đơn vị này gặp phải.

Chẳng hạn, việc xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần là điểm rắc rối, phức tạp nhất cần phải xử lý khi tái cơ cấu các doanh nghiệp yếu kém tài chính. Đây cũng chính là nguyên nhân làm các phương án tái cơ cấu doanh nghiệp khách nợ của DATC chậm được phê duyệt hoặc phải trì hoãn để chờ tháo gỡ. Theo nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18.7.2011, thì các khoản nợ không có khả năng thu hồi không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá. Nhưng phần lớn số nợ mà DATC đã tiếp nhận sau khi đã phân loại thuộc nợ nhóm 2 (những khoản nợ không đủ hồ sơ, khách nợ không còn tồn tại, chi phí bị xuất toán, các khoản chi âm quỹ phúc lợi…) nên mất nhiều thời gian đàm phán cũng như thời gian thẩm định, phê duyệt các phương án mua bán nợ.

Một nguyên nhân khác khiến hoạt động tái cơ cấu DNNN của DATC gặp khó khăn là do nền kinh tế có nhiều biến động, Chính phủ tập trung triển khai những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng... nên việc vay vốn của doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại rất khó khăn và lãi suất cao. Trong khi, đa số doanh nghiệp khách nợ của công ty rất khó khăn về vốn. Một số doanh nghiệp đã tái cơ cấu thành công nhưng không tiếp cận được vốn đầu tư kinh doanh nên rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, không phát huy được lợi thế sau tái cơ cấu; đồng thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch trả nợ cho DATC theo hợp đồng. Trong khi đó, việc giải ngân vốn do DATC đang sở hữu để giúp doanh nghiệp lại gặp nhiều trở ngại, dẫn đến tình trạng nguồn vốn dành cho đầu tư của DATC không được sử dụng hết (DATC có vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, hiện khoảng 3/4 chưa được sử dụng vào hoạt động kinh doanh mà gửi vào ngân hàng), còn doanh nghiệp thì “khóc dở mếu dở” vì tái cơ cấu dở dang do thiếu vốn.

Cần đồng bộ với tái cơ cấu ngân hàng

Do có những mối liên quan đan xen qua lại lẫn nhau, nên một số chuyên gia cho rằng, tái cơ cấu lại DNNN không thể thành công nếu không đồng bộ với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Do vậy, việc tái cơ cấu nợ cần khuyến khích các hoạt động mua bán nợ giữa các DNNN, ngân hàng thương mại và DATC. Thế nhưng, thực tế chưa làm được như vậy.

Trên thị trường, ngoài DATC trực thuộc bộ Tài chính còn có khoảng 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc các tổ chức tín dụng là có chức năng mua bán nợ. Tuy nhiên, phạm vi DATC chủ yếu là mua bán nợ tại các DNNN và hầu hết theo sự chỉ định của Chính phủ; còn các AMC chỉ giới hạn tiếp nhận và xử lý nợ xấu cho các ngân hàng mẹ. Điều này có nghĩa là các khoản nợ xấu về bản chất chỉ chạy lòng vòng trong các tổ chức tín dụng hoặc các DNNN. Nói cách khác, các khoản nợ xấu hầu như chỉ được xử lý “nội bộ” nên hình thức xử lý đơn thuần là thanh lý tài sản để thu hồi nợ với thời gian xử lý kéo dài.

Trương Minh Tình

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Thanh tra Chính phủ: Tập đoàn Sông Đà đầu tư ngoài ngành vượt vốn điều lệ hàng ngàn tỉ đồng (14/03/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp thép có nguy cơ phá sản (13/03/2012)

>   Nhập siêu hai tháng chỉ bằng 1/18 cùng kỳ năm ngoái (13/03/2012)

>   Hướng đi nào cho ngành đóng tàu Việt Nam? (13/03/2012)

>   EVN lại tính toán xin tăng giá điện (13/03/2012)

>   Đóng cửa lò gạch Hoffman: Nguy cơ mất hàng ngàn tỷ đồng (13/03/2012)

>   Không cho nhập siêu xe làm quà tặng (13/03/2012)

>   Doanh nghiệp bị cấm đặt tên nhạy cảm (13/03/2012)

>   Siêu thị Nhật tăng tốc vào Việt Nam (13/03/2012)

>   Để chấm dứt những cú sốc tăng giá (13/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật