Thêm tác động từ luật mới của Mỹ về chống trợ cấp
Với luật mới vừa được thông qua, Mỹ áp dụng việc áp thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường. Luật mới này có một số ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Theo trang web của tổ chức tư vấn luật Mayer Brown, ngày 13-3, dự luật cho phép chính phủ Mỹ áp dụng thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước có nền kinh tế phi thị trường (NME) đã được Tổng thống Mỹ Obama ký để trở thành luật.
Trước đó, vào tháng 12-2011, liên quan đến việc áp thuế chống trợ cấp đối với lốp xe ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc, Toà phúc thẩm liên bang Mỹ ra phán quyết rằng luật hiện hành của Mỹ không cho phép áp dụng thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ các nước NME. Phán quyết này đã vô hiệu hoá hàng chục yêu cầu cũng như các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.
Theo một đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), luật mới này chính thức cho phép Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu từ nền kinh tế phi thị trường. Theo đó, khi luật này có hiệu lực, sẽ không có tranh chấp về việc liệu Mỹ có được áp thuế chống trợ cấp lên hàng hoá nhập khẩu từ các nước NME hay không. Và, các nước cũng không thể phản đối và kiện lên toà án Mỹ với lý do rằng luật pháp nước này không cho phép áp thuế chống trợ cấp đối với NME.
Còn về việc liệu luật này có làm tăng nguy cơ bị kiện chống trợ cấp của Mỹ lên hàng hoá của Việt Nam hay không, thì vị đại diện này cho rằng nguy cơ bấy lâu đã cao rồi, và vẫn như thế khi luật này có hiệu lực. Trên thực tế, trước đây, dù chưa có quy định mới, thì túi nhựa PE của Việt Nam vẫn bị Mỹ áp thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá vào tháng 5-2010.
Tuy nhiên, luật mới này cũng có một quy định được đánh giá là tích cực. Đó là, trước đây, đối với hàng hoá bị áp đồng thời thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá, thì doanh nghiệp xuất khẩu xem như bị đánh hai lần thuế chống trợ cấp. Lý do là, bản thân trong thuế chống bán phá giá áp dụng cho các nước NME đã có xử lý luôn vấn đề trợ cấp.
Với luật mới, Bộ Thương mại Mỹ sẽ bù trừ để tránh việc đánh hai lần thuế chống trợ cấp. Theo đó, đối với các vụ việc bị áp đồng thời thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá trong tương lai, luật mới có thể giúp giảm đáng kể tổng thuế suất của thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá cho Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh, để tránh bị đánh thuế hai lần, doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu thêm gánh nặng là làm sao chứng minh được những khoản nào bị đánh thuế hai lần và tính toán được mức thuế bị tính hai lần đó.
T.Thu
TBKTSG
|