Thứ Hai, 26/03/2012 21:40

Câu chuyện về một nhà đầu tư lướt sóng 

Hồng, một nhà đầu tư đã tỏ ra thức thời khi chuyển toàn bộ vốn liếng của mình từ vàng sang cổ phiếu từ tháng 9/2011, té ra lại là một điển hình về lướt sóng.

Không những không phải “ôm bom” và rũ rượi với chứng khoán trong 3 quý đầu năm ngoái, Hồng còn luôn tự hào vì anh ta đã “lướt” được hai lần trong con sóng giá vàng tăng từ tháng 7 đến tháng 9/2011. Trong hai lần đó, mặt bằng giá vàng tăng khoảng 40%, nhưng nhờ vào cái nhìn nhạy bén đối với thị trường, đặc biệt “canh” sát động thái của các nhóm đầu cơ “tổ chác”, Hồng đã nhân tài sản của mình lên 60%. Cần bình luận thêm rằng, nếu với chứng khoán thì tỷ lệ đó không phải là quá xuất sắc, nhưng trong thị trường vàng thì mức lợi nhuận như vậy quả là siêu việt!

Song cũng vì quá tự tin với thành công lướt sóng vàng mà Hồng đã trở nên trịch thượng với chứng khoán. Khi chuyển gần 5 tỷ đồng từ tài khoản vàng sang một công ty môi giới chứng khoán có tiếng, anh ta đã tuyên bố xanh rờn: chứng khoán dễ phán đoán hơn giá vàng rất nhiều, lại đang ở vùng đáy, chỉ có ngu mới không mua và không đời nào lại thất bại.

Tuân theo ý chí của mình, Hồng đã bung 2/3 lượng vốn vào cổ phiếu, ưu tiên danh mục cổ phiếu giá thấp, trong đó phần lớn là cổ phiếu nhỏ.

Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2011, Hồng đã có đủ cơ hội để tự trách mình “ngu” đến thế nào. Đó cũng là khoảng thời gian thị trường tiếp tục trôi dốc, bất chấp mọi cố gắng “thà chết không bán” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dù không phải tất cả các mã cổ phiếu đều mất giá, nhưng đau xót thay, đa số cổ phiếu của Hồng lại lao đốc không ngừng nghỉ. Mới đầu, anh ta không hiểu tại sao giá những cổ phiếu nhỏ này đã quá thấp mà lại còn tiếp tục rơi. Nhưng sau đó, anh ta chợt hoảng hồn khi nhận ra thanh khoản chung của thị trường đã giảm về mức cực tệ, cùng với giá trị giao dịch tại một số mã cổ phiếu của anh ta gần như bằng không.

Bài học chứng khoán đầu đời đến với Hồng là như thế. Chẳng bao lâu, Hồng đã hòa chung nhịp khóc than của các nhà đầu tư chứng khoán có thâm niên tham chiến gấp nhiều lần anh ta. Đến cuối năm 2011, anh trở nên tuyệt vọng khi thực giá cổ phiếu chỉ còn 50% so với vốn đầu tư.

Sở dĩ giá cổ phiếu của Hồng mất đến một nửa chỉ trong ba tháng, trong khi độ trôi bình quân của thị trường chỉ khoảng 15-20%, cũng là lỗi tại chính anh ta. Say sưa với thói quen lướt sóng không thể bỏ được khi chuyển từ kênh vàng qua, Hồng luôn rắp tâm “lướt” trong mọi tình huống có thể. Nhưng anh đâu có biết rằng trong sóng trôi trượt và nạn mất thanh khoản chực chờ, càng lướt càng chết. Còn khi đã nhận ra bài học xương máu đó, Hồng không biết nên khóc hay cười khi những nhà đầu tư khác nói với anh ta rằng tỷ lệ thâm vốn 50% đã được xem là may mắn lắm so với nhiều nhà đầu tư bị trôi gần vốn khi tham gia thị trường ngay từ đầu năm 2011.

Cũng bởi thế, Hồng sinh ra mất tin tưởng vào thị trường, hay nói có vẻ “vĩ mô” hơn là lâm vào cơn khủng hoảng niềm tin. Anh ta bắt đầu “ớn lạnh” trước thị trường, bắt đầu nhìn vào nó với hình ảnh một con ngáo ộp hơn là ông già Noel.

Và cũng bởi thế, nằm trong tình trạng của đại đa số nhà đầu tư, Hồng đã không hề nhận ra cái đáy của thị trường đã được xác lập vào tuần đầu năm 2012. Hơn nữa, cho đến sát tết âm lịch 2012, thị trường vẫn mơ màng cảnh “xanh vỏ đỏ lòng” đã khiến cho nhà đầu tư chán ngấy. Cho dù giao dịch có tăng nhẹ, nhưng những người như Hồng đã chỉ quan niệm đó là cơ hội để tống khứ “của nợ” của mình cho người khác. Với triết lý như thế, Hồng đã đón năm mới bằng cơ chế cắt lỗ mạnh tay, chỉ giữ khoảng 1/3 lượng cổ phiếu. Trong khi đó, những người đầu tư cùng thời điểm tháng 9/2011 như anh ta chỉ mới hồi phục giá trị cổ phiếu khoảng 5-7%.

Ngay cả thời gian sau tết âm lịch 2012, khi thị trường bất ngờ tăng gần 15% so với đáy, Hồng vẫn nằm trong nhóm nhà đầu tư hô hào tháo chạy. Chiến thuật được anh ta ưu ái là miệt mài cắt lỗ theo chiều sóng lên. Thấm thía bài học con sóng đánh lên xả hàng vào tháng 9/2011, Hồng cũng xác quyết rằng con sóng lần này không nhằm mục đích gì khác, và nếu không nhanh tay bán thì chẳng mấy chốc sẽ không còn cơ hội nào để thanh lý những mã cổ phiếu nhỏ mà trước đó đã gần như tuyệt vọng về thanh khoản.

Nửa đầu tháng 2/2012 dường như diễn ra đúng với dự báo của Hồng. Sau khi sóng được đẩy lên ở mức vừa phải, thị trường bất thần bị đánh xuống không thương tiếc. Tuy đã mất phân nửa vốn liếng, Hồng vẫn còn giữ được chút ít thỏa mãn và sự đắc chí ngấm ngầm so với nhiều nhà đầu tư khác vẫn còn bị “kẹp hàng”.

Hàng đã thoát hết, Hồng tự gia cố tinh thần chờ thị trường xuống lại để bắt đáy. Nhưng số phận thật trêu ngươi, từ giữa tháng 2, một con sóng từ trên trời chụp xuống, đẩy bật các chỉ số chứng khoán lên. Sau mấy phiên ngơ ngác xen lẫn thất vọng tràn trề, Hồng cùng những nhà đầu tư cùng cảnh ngộ không còn kềm chế được lòng tham nữa, lập tức lao vào mua đuổi. Dù sao số phận cũng không đến nỗi quá cay nghiệt, con sóng tăng kéo dài đến đầu tháng 3 đã làm cho Hồng có lợi nhuận hơn 10%. Nhưng bởi số vốn tung ra chỉ hết sức cầm chừng, anh ta chỉ vớt vát được vài ba phần trăm giá trị tài sản.

Ngay sau đó, bất chấp một lần nữa thị trường bị đè xuống dã man, Hồng lại gồng mình với một chiến thuật mới: mua và giữ. Với anh ta, đến lúc đó, không còn cách nào khác là phải hành xử như bao nhà đầu tư theo trường phái “dài hạn”. Đành phải tự an ủi rằng thị trường có xuống thì tất có lên. Chỉ có điều nhìn lại vốn liếng của mình, Hồng thấy khoản âm một nửa vẫn hoàn toàn hiện hữu.

Từ giữa tháng 3/2012, dòng tiền đầu cơ bắt đầu đổ mạnh vào hai sàn, thông tin về các đội lái tái xuất giang hồ lại lan rộng. Hồng và các đồng nghiệp của mình cũng bắt đầu ngó ngàng đến “con này con kia”, cố gắng suy đoán những mã cổ phiếu có thể được làm giá để “múc”.

Tuy thế, “múc” như thế nào để đạt lợi nhuận cao lại phụ thuộc hoàn toàn vào việc thị trường có tiếp tục được đánh lên hay không. Mà về chuyện này thì Hồng, cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác, đều không có khả năng dự báo. Cái nhìn của anh ta, trước và sau, vẫn chỉ là sóng ngắn hạn, thậm chí cho từng phiên giao dịch. Mỗi phiên đối với anh ta là cả một tâm trạng căng thẳng, đè nén và bùng nổ theo hai chiều hướng vừa hoan hỉ vừa mất ngủ.

Vào tuần cuối tháng 3/2012, thị trường đã lấy lại điểm số bị mất trước đó. Nhưng hơn cả thế, mặt bằng giá phần lớn cổ phiếu đã tăng đến 30-40%. Một số cổ phiếu có còn có mức tăng khủng đến gần gấp đôi. Trong khi đó, những người chuyên nghề lướt sóng như Hồng vẫn giậm chân tại chỗ. So ra với những người theo trường phái kiên tâm nắm giữ, mới thấy dù sao họ còn đạt tỷ lệ vớt vát vốn liếng hơn hẳn mình.

Hạ Xuyên (Vietstock)

Finfonet

Các tin tức khác

>   Blackhorse Asset Management tiếp tục ở lại Việt Nam (26/03/2012)

>   Tháng Tư – Đáp án của kỳ vọng trên TTCK (26/03/2012)

>   Vì sao dân “ấp chứng” ưa lướt lát? (26/03/2012)

>   Đã đến lúc quay lại thị trường (26/03/2012)

>   Tiếng nói NĐT: Dòng tiền vẫn đang lựa chọn chứng khoán (25/03/2012)

>   Những khuyến nghị đối với DPM, REE, DPR, SEC, VIS (25/03/2012)

>   26/03: Bản tin đầu tuần (26/03/2012)

>   Cận cảnh dòng vốn Nhật vào TTCK (24/03/2012)

>   VSG bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 27/03 (23/03/2012)

>   QCC bị đưa vào diện kiểm soát từ 26/03 (23/03/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật